06/07/2013 - 20:09

Để Đồng bằng sông Cửu Long không còn là “vùng trũng” giáo dục

Từ lâu, Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là "vùng trũng" giáo dục, do nhiều nguyên nhân, trong đó có kinh phí đầu tư còn hạn chế. Mới đây, tại Bến Tre, đã diễn ra hội nghị tổng kết công tác thi đua năm học 2012 - 2013 các Sở Giáo dục và Đào tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tại hội nghị, đại biểu đã nêu nhiều vấn đề bức xúc như thiếu kinh phí hoạt động và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp; đồng thời kiến nghị, đề xuất một số vấn đề nhằm đưa Đồng bằng sông Cửu Long thoát khỏi "vùng trũng" giáo dục của cả nước.

"Nóng" chuyện kinh phí

Ông Lê Hoàng Tươi - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang bức xúc: Hậu Giang là tỉnh mới tách, cơ sở hạ tầng, trong đó có trường lớp dành cho học sinh các cấp còn rất nhiều khó khăn, do nguồn vốn trên cấp và ngân sách của tỉnh có hạn. Tuy vậy, hàng năm Hậu Giang vẫn dành hơn 100 tỉ đồng để chăm lo cho giáo dục mầm non. Cũng trên địa bàn tỉnh, chương trình kiên cố hóa trường lớp đang "đói vốn". Năm 2012, Hậu Giang đã sử dụng hết vốn chương trình kiên cố hóa trường lớp của năm 2015.

 Giờ học của cô trò Trường Tiểu học Cái Khế 1 (TP Cần Thơ). Ảnh: B. NG

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang cho biết: Hàng năm, đến tháng 8 thì hết kinh phí hoạt động, Sở phải làm tờ trình xin UBND tỉnh bổ sung kinh phí.

Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Trà Vinh: Kinh phí đầu tư đề án xây dựng phòng học cho trẻ 5 tuổi đến trường học 2 buổi/ngày và bán trú mới đạt 70%, cần đầu tư thêm để tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất, bảo đảm cho việc triển khai đề án đạt kết quả tốt hơn. Trà Vinh hiện cũng chưa có Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, trong khi nhu cầu rất cần. 30% học sinh không vào trung học phổ thông, cần có Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, huyện, nhưng Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện ở Trà Vinh đã nhập vào Trung tâm dạy nghề.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Long An kêu "thiếu kinh phí để xây nhà công vụ cho giáo viên". Không riêng gì Long An, mà toàn vùng, vốn xây dựng nhà công vụ cho giáo viên năm 2012 vẫn chưa được cấp.

Cũng vì thiếu kinh phí mà toàn vùng hiện còn 140 xã chưa có trường mầm non độc lập, tình trạng học chung với tiểu học, phòng học tạm vẫn còn nhiều. Sáu tháng đầu năm 2013, chưa có tỉnh nào trong vùng được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, trong khi kế hoạch vào năm 2015, toàn vùng được công nhận 100%.

Cần nâng mức đầu tư

Để Đồng bằng sông Cửu Long không còn là "vùng trũng" giáo dục, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 20 và Quyết định số 1033 về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2006 - 2010 và giai đoạn 2011 - 2015. Nhờ sự quan tâm của Chính phủ, trong những năm qua, mạng lưới trường lớp từ mầm non đến phổ thông trung học phát triển đều khắp trên địa bàn dân cư vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, so với nhu cầu vẫn còn thiếu vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp. Toàn vùng hiện có 11/13 trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, 106/130 huyện có trung tâm giáo dục thường xuyên, 28 trường dân tộc nội trú, 15 trường đại học, 26 trường cao đẳng và 30 trường trung cấp chuyên nghiệp. Năm học 2012 - 2013, tỷ lệ thi đỗ tốt nghiệp trung học phổ thông toàn vùng đạt 98,86%. Hiện tại, Đồng bằng sông Cửu Long có 160 sinh viên/vạn dân. Theo Quyết định 1033 của Thủ tướng Chính phủ, đến năm 2015 có 190 sinh viên/vạn dân, còn đến 2020 phải đạt 450 sinh viên/vạn dân.

Ngành Giáo dục và Đào tạo của vùng còn những hạn chế như: cơ sở vật chất, trang thiết bị của các trường dù được quan tâm đầu tư nhưng chưa đồng bộ, thiếu phòng học chuyên môn, phòng học chức năng; thiếu đất xây dựng các công trình vệ sinh, nước sạch; việc sử dụng kinh phí đầu tư chưa thật sự hợp lý.

Đại biểu tỉnh An Giang cho biết, đối với giáo dục mầm non, kinh phí dành cho mua sắm trang thiết bị năm nào cũng có, trong khi không có kinh phí cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất trường lớp. Ngoài việc cơ sở vật chất dành cho giáo dục các cấp trong vùng còn thiếu và chưa đồng bộ, thì chất lượng giáo dục cũng chưa đồng đều, chưa bảo đảm tính bền vững của công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Công tác qui hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục chưa được quan tâm đúng mức. Một bộ phận cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên năng lực sư phạm còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, chưa được đào tạo lại hoặc nâng cao, do thiếu kinh phí. Một số chế độ chính sách chưa thỏa đáng, chưa phù hợp với mục tiêu xây dựng đội ngũ giáo viên có chất lượng ổn định ở các tỉnh, thành trong vùng. Chính sách thu hút đội ngũ giảng viên có trình độ cao đến công tác ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn hạn chế…

Ông Võ Trọng Hữu - đại diện Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết: Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tháo gỡ những khó khăn, bất hợp lý. Thời gian tới, đối với giáo dục mầm non, các tỉnh, thành trong vùng cần tập trung chỉ đạo, triển khai chương trình phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi giai đoạn 2010 - 2015, trong đó ưu tiên nguồn lực cho giáo dục mầm non ở vùng nông thôn, vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Cần thực hiện kịp thời và đầy đủ chính sách về giáo dục mầm non theo Quyết định số 60 ngày 26-10-2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Về giáo dục phổ thông, cần mở rộng qui mô để nâng tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến lớp, triển khai đồng bộ chính sách hỗ trợ thu hút học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện đi học, khắc phục tình trạng học sinh bỏ học. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đào tạo đội ngũ giáo viên theo yêu cầu, đáp ứng nguồn nhân lực giáo dục của các địa phương, trong đó tiếp tục phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ và các trường đại học, cao đẳng trong vùng thực hiện chương trình Mê-kông 1000, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Về kinh phí, cần ưu tiên đầu tư nguồn vốn ngân sách Trung ương để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển giáo dục, đào tạo cho vùng. Các địa phương chủ động xây dựng bổ sung chính sách đặc thù phát triển giáo dục và đào tạo. Trước mắt là các Sở Giáo dục và Đào tạo trong vùng cụ thể hóa mục tiêu, chỉ tiêu theo Quyết định số 1033/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục, đào tạo và dạy nghề vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2011 - 2015 và kế hoạch phát triển giáo dục, đào tạo năm 2014 của từng tỉnh, thành.

Bên cạnh giải pháp trên, vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện chính sách đặc thù trong tuyển sinh đại học, cao đẳng (thí sinh vùng Tây Nam Bộ có điểm dưới điểm sàn không quá một điểm, học bổ sung kiến thức một học kỳ). Ưu tiên xét tuyển đối với học sinh 20 huyện, thị biên giới, hải đảo và vùng sâu theo Công văn số 6977 ngày 19-10-2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và theo Quyết định số 615 ngày 25-4-2011 của Thủ tướng Chính phủ, hỗ trợ huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao như Tân Phú Đông (Tiền Giang) và Trà Cú (tỉnh Trà Vinh). Đồng thời tiếp tục thực hiện và nâng cao hiệu quả đào tạo theo chính sách cử tuyển, dự bị đại học. Năm học 2013 - 2014, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục thực hiện chính sách cử tuyển học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông vào học dự bị ở Trường Đại học kiến trúc TPHồ Chí Minh và lớp xét tuyển đào tạo bác sĩ cho Đồng bằng sông Cửu Long ở Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh…

VĂN TRÍ (TTXVN)

Chia sẻ bài viết