12/07/2016 - 21:57

ĐBSCL CHỦ ĐỘNG HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Trong khuôn khổ Diễn đàn MDEC – Hậu Giang 2016, sáng 12-7, tại tỉnh Hậu Giang, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị "ĐBSCL-Chủ động hội nhập và phát triển bền vững". Tại hội nghị này, các bộ, ngành, địa phương, nhà khoa học đã bàn các giải pháp tạo điều kiện cho vùng ĐBSCL phát triển bền vững; nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức và chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

*Nhiều thách thức

ĐBSCL có diện tích trên 40 nghìn km2, dân số gần 18 triệu người. Đây là vùng sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước, hằng năm đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây, hơn 65% sản lượng thủy sản xuất khẩu. Trong những năm qua, ĐBSCL đã đạt được nhiều thành tựu trong phát triển, góp phần tạo ra bước đổi mới toàn diện cho cả vùng và đóng góp vào thành tựu chung của cả nước. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội có bước phát triển tích cực đã khẳng định vị thế trung tâm sản xuất và xuất khẩu gạo, thủy sản và trái cây hàng đầu của cả nước. Song, bên cạnh những thành tựu đạt được, kinh tế-xã hội của vùng vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế và đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và tác động ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu. Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: "Tăng trưởng kinh tế của vùng ĐBSCL vẫn còn thiếu vững chắc và các tiềm năng, lợi thế chưa được đầu tư khai thác đúng tầm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp, thiếu đội ngũ cán bộ chuyên môn kỹ thuật cao. Hệ thống hạ tầng còn hạn chế và thiếu đồng bộ. Trong khi công tác quy hoạch vùng, ngành, lĩnh vực còn chậm, tính khả thi chưa cao, đặc biệt là chưa có định hướng, kế hoạch cụ thể để chủ động hội nhập quốc tế và phát triển theo hướng chất lượng, bền vững".

ĐBSCL đang đẩy mạnh đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển bền vững vùng. Ảnh: ANH KHOA

Thời gian qua, ĐBSCL không chỉ giải quyết an ninh lương thực quốc gia mà còn tham gia xuất khẩu, mang lại nguồn ngoại tệ cho đất nước. Tuy nhiên, lợi thế lớn nhất của vùng là nguồn tài nguyên thiên nhiên để trồng trọt và chăn nuôi đang ngày một cạn kiệt, cấu trúc ngành nghề thay đổi chậm, đầu tư về khoa học kỹ thuật không nhiều, hạ tầng thay đổi chậm, giáo dục đào tạo hạn chế… đã làm cho vùng phát triển chậm so với các vùng miền khác. Theo ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, ĐBSCL đang có lợi thế lớn để phát triển, nhưng kèm theo đó là nhiều vấn đề thách thức đặt ra cho chuyển đổi cơ cấu kinh tế của vùng. Ngành nông nghiệp vốn là thế mạnh nhưng hệ thống canh tác chưa ứng dụng nhiều khoa học kỹ thuật cao. Các vùng nông nghiệp cung ứng nguyên liệu chưa đồng bộ để tạo nên chất lượng đồng nhất nên các tiêu chuẩn kỹ thuật từ các FTA đang là một trở ngại cho việc tiếp cận thị trường của các sản phẩm lợi thế ĐBSCL. Còn ngành công nghiệp, các sản phẩm chế biến chưa chuyển đổi sang thực phẩm giá trị cao, phần lớn qua nhiều công đoạn mới tới bàn ăn. Hiện ĐBSCL cũng chưa được đầu tư tương xứng về các cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực để vực dậy các cơ hội phát triển. Đặc biệt, một số công trình hạ tầng giao thông quan trọng cho vùng vẫn còn thiếu, hiện mới có đường cao tốc từ TP Hồ Chí Minh đến Trung Lương (Tiền Giang), chứ chưa có đường cao tốc nối đến trung tâm của vùng là TP Cần Thơ và các tỉnh còn lại. Cảng biển thì chờ kênh Quan Chánh Bố, điều này làm tăng chi phí vận chuyển hàng hóa trong vùng khi phải trung chuyển lên các cảng ở TP Hồ Chí Minh.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện Nhà nước cũng chưa có chính sách đặc thù riêng cho ĐBSCL, nên các tỉnh ĐBSCL nhiều lúc còn cạnh tranh "đối đầu nhau", dẫn đến chưa phát huy tốt các thế mạnh chung và sức mạnh tổng hợp trong quá trình hội nhập và cạnh tranh với quốc tế.

* Cần có hành động cụ thể

Để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững cho ĐBSCL, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ cùng các bộ ngành Trung ương và địa phương cần quan tâm tăng cường đầu tư hoàn thiện các kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực cho người dân và doanh nghiệp trong vùng trong chủ động hội nhập quốc tế và thích ứng biến đổi khí hậu cũng như cần có các giải pháp hết sức cụ thể để khắc phục các yếu kém, hạn chế còn tồn tại. Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh Cần Thơ, kiến nghị: "Chính phủ cần hỗ trợ tối đa cho phát triển hạ tầng giao thông tại ĐBSCL, nhất là kịp thời xây dựng đường Cao tốc Trung Lương-Cần Thơ. Đồng thời, cần có các chính sách ưu đãi đặc biệt để giúp các địa phương vùng ĐBSCL tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp và chính sách đầu tư khởi nghiệp trên quy mô toàn vùng để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp cho vùng…".

Hội nhập, mở cửa thị trường tự do, không chỉ doanh nghiệp kinh doanh hàng hóa xuất khẩu phải chịu sức ép của hàng hóa nước ngoài mà hàng hóa trong nước cũng chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, nếu không có sự chuẩn bị, một số ngành kinh tế có thể bị "chết yểu". GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, cho rằng: Nhà nước cần chuẩn bị cho từng thành phần kinh tế thoát khỏi hiểm họa hội nhập, phải làm cho mọi người có kỹ thuật tay nghề hiện đại nhất để sẵn sàng cạnh tranh với các nước khác. Tạo điều kiện hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp nước ta vươn lên. Trong nông nghiệp, lãnh đạo từng địa phương tổ chức thế nào để gắn "nhà doanh nghiệp" với hợp tác xã nông nghiệp hoặc cánh đồng lớn, trong đó nhà nông gắn kết nhà nông sản xuất nguyên liệu theo quy trình nông nghiệp kỹ thuật cao cung cấp cho doanh nghiệp chế biến sản phẩm có thương hiệu mạnh".

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhấn mạnh, để chủ động hội nhập, thích ứng biến đổi khí hậu và thúc đẩy ĐBSCL phát triển nhanh hơn, an toàn và bền vững, đòi hỏi cần có hành động ngay, không được chậm trễ và có các giải pháp mang tính tổng thể, căn cơ lâu dài. Đã đến lúc không còn nói chung chung mà các cơ quan chức năng cần có các thông tin và hướng dẫn cụ thể cho người dân và doanh nghiệp nắm. Vừa qua ĐBSCL phải đối mặt với đợt thiên tai, hạn hán và mặn xâm nhập nghiêm trọng mang tính lịch sử trong 100 năm qua đã gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống dân sinh, với tổng thiệt hại lên đến hơn 5.000 tỉ đồng, chưa kể các thiệt hại gián tiếp. Đến nay, nước ta đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, nhất là hiệp định TPP đã và đang làm các thủ tục để phê chuẩn thực hiện, giúp mở ra nhiều cơ hội mới nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc phát triển sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản của vùng. Trong bối cảnh có nhiều thách thức như vậy, cần nhận rõ hơn các cơ hội và có các nghiên cứu hết sức sâu sắc và cụ thể về các thách thức để có giải pháp hành động kịp thời. Thời gian qua, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ ngành có liên quan rà soát tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng và làm tốt bài toán quy hoạch trong bối cảnh hội nhập quốc tế và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Đồng thời, quan tâm giải quyết các vấn đề về liên kết vùng, phát triển các kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội mang tính liên vùng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, logistics và thủy lợi dựa trên cơ sở quản lý tổng hợp nguồn tài nguyên nước.

Khánh Trung

Chia sẻ bài viết