29/05/2017 - 21:20

Dạy tốt, học tốt

Thầy Lê Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Cần Thơ, cho biết: Năm học 2016-2017, Sở GD&ĐT tổ chức nhiều hội giao lưu: "Vở sạch - Chữ đẹp và Viết chữ đẹp"; "Hội giảng dạy học theo mô hình trường học mới, tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, dạy học theo phương pháp bàn tay nặn bột"; "Làm truyện tranh". Qua đó, tạo điều kiện để thầy cô và học sinh (HS) trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời, đánh giá quá trình dạy và học...

Cô Phạm Ngọc Trai, giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Mỹ Khánh 1, huyện Phong Điền, có nhiều giải pháp dạy tốt - học tốt môn Tiếng Việt lớp 1 chương trình Công nghệ giáo dục. Với kinh nghiệm dạy học 18 năm, là tổ trưởng chuyên môn, cô Trai hiểu tầm quan trọng việc trang bị kiến thức Tiếng Việt cho HS trường phổ thông, nhất là lớp 1. Cô Ngọc Trai thường xuyên tự học, tự rèn về phương pháp, cũng như kiến thức ngữ âm tiếng Việt. Trong những giờ nghỉ tiết, cô tranh thủ dự giờ đồng nghiệp để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm. Ở nhà, cô Ngọc Trai thường dành thời gian xem lại chương trình ngữ âm Tiếng Việt; tài liệu phục vụ lớp học, cấp học, tham khảo các tiết dạy minh họa của Bộ GD&ĐT về tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục.

Học sinh tham quan khu trưng bày truyện tranh trong Hội giao lưu làm truyện tranh.

Cô Ngọc Trai cho biết: "Tôi có thói quen xem trước bài giảng khi đến lớp; dự kiến các tình huống khó để suy nghĩ hướng giải quyết khi HS hoặc phụ huynh hay đồng nghiệp thắc mắc… Qua đó, làm tiền đề cho câu hỏi gợi ý, dự tính biện pháp giúp HS trong học tập; quan tâm câu lệnh giao việc phải rõ ràng, phù hợp với cách HS hiểu". Với những nỗ lực của cô, HS nhận biết được nguyên âm, phụ âm, luật chính tả; đọc nhiều từ, nhiều bài, viết đúng con chữ, tiếng, từ; chữ viết đúng quy định, tốc độ... Cô Ngọc Trai tổ chức dạy minh họa thành công 3 chuyên đề do Bộ, Sở và Phòng GD&ĐT tổ chức. Năm học 2016-2017, cô Ngọc Trai đạt giải Nhất giáo viên giỏi Tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục cấp huyện và thành phố.

Nhiều năm qua, huyện Thới Lai là một trong những đơn vị luôn dẫn đầu phong trào Giữ vở sạch - Viết chữ đẹp. Em Trần Thị Huỳnh Như, học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Trường Thành 1, là một trong những học sinh đạt thành tích nổi bật trong phong trào này.

Khi mới vào lớp 1, Như viết chữ rất xấu, thường viết sai, viết chậm. Mẹ và cô giáo luôn động viên nhắc nhở "nét chữ nết người" nên Như phấn đấu rèn chữ viết. Năm học lớp 3, Như được trường chọn tham gia Hội giao lưu viết chữ đẹp cấp huyện, kết quả được công nhận. Không nản lòng, Như tự vạch kế hoạch luyện chữ. Như chia sẻ: "Để có nét chữ đẹp, em luyện theo mẫu chữ vở luyện viết. Trước tiên, chú ý ngồi đúng tư thế, cách cầm bút, để vở đúng chuẩn. Tiếp theo, em rèn chữ theo nhóm chữ; mỗi nhóm chữ, chú ý điểm bắt đầu, điểm kết thúc mỗi nét. Việc nối các nét, con chữ rất quan trọng, từ điểm giao nhau, khoảng cách, độ cao, độ rộng…".

Như ôn luyện tổng hợp bằng các bài viết có nhiều vấn đề chính tả: chữ hoa, âm vần khó… Như lưu tâm cách trình bày văn bản (văn xuôi, thơ); thường xuyên luyện viết lại những chữ cô giáo góp ý. Khi viết, Như chú ý viết đúng mẫu chữ quy định, đặt dấu thanh đúng vị trí, rèn tốc độ viết. Để có những quyển vở sạch, Như giữ vở không quăn góc, không nhàu nát; cẩn thận khi mở vở, nhẹ nhàng lật từng trang giấy, khi viết dùng tờ giấy trắng kê tay, tránh dơ tập… Thành quả những ngày nỗ lực rèn luyện, Như đạt giải Nhất tại Hội giao lưu "Vở sạch, chữ đẹp – Viết chữ đẹp" cấp thành phố vừa tổ chức tháng 2-2017.

Thầy Lê Thanh Long, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, cho biết thêm, thời gian tới, Sở GD&ĐT thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo các trường tiểu học thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS; khắc phục cách truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc; tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo điều kiện để HS tự tìm ra kiến thức, kỹ năng mới, phát triển năng lực. Đồng thời, chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức các hình thức học tập đa dạng như: học cá nhân, nhóm, học ở hiện trường (học ngoài lớp); tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và học…

Bài, ảnh: M.Hoàng

Chia sẻ bài viết