05/10/2015 - 20:10

Quy hoạch và phát triển đô thị vùng ĐBSCL

Đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy đặc trưng kinh tế - xã hội

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Huy, phát triển đô thị là phương thức và là động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Chính vì vậy, phát triển vùng ĐBSCL cần phải được xem xét trong bối cảnh liên kết chung của toàn vùng trên cơ sở hệ thống các đô thị là động lực phát triển, phát huy đặc trưng kinh tế - xã hội của vùng.

* Đã hình thành không gian đô thị vùng

Ngày 9-10-2009, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1581/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 (QĐ 1581) nhằm khai thác và phát huy các tiềm năng, thế mạnh của vùng như đường bờ biển dài trên 700km, khoảng 360.000km2 vùng kinh tế đặc quyền giáp biển Đông và Vịnh Thái Lan, điều kiện tự nhiên khí hậu thuận lợi cho sinh - thực vật tăng trưởng, hệ thống sông ngòi kênh rạch đặc thù, đất đai trù phú phì nhiêu... cũng như định hướng phát triển hệ thống các đô thị trong vùng.

Một góc đô thị mới Nam Cần Thơ.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Huy nhận định: Kết quả thực hiện QĐ 1581 gần 6 năm qua cho thấy, ĐBSCL đã bắt đầu hình thành các vùng và hành lang phát triển không gian theo quy hoạch. Các vùng đô thị trung tâm, vùng phụ cận, vùng đối trọng đã được hình thành. Đồng thời, các hành lang phát triển không gian đô thị đã được xác lập, như: hành lang Tây sông Hậu, hành lang Tây sông Tiền và sông Cổ Chiên, hành lang Đông sông Tiền, hành lang đô thị ven biển Đông, hành lang ven biển Tây, hành lang quốc lộ 1A từ TP Hồ Chí Minh tới Cà Mau. Cùng với phát triển thế mạnh nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp của vùng cũng được quan tâm đầu tư, nhằm phát triển cân đối quốc gia và tạo điều kiện đa dạng hóa các hoạt động kinh tế trong vùng. Trong đó, nhiều dự án thuộc lĩnh vực dầu khí, năng lượng, nhiệt điện và cơ khí đã và đang được đầu tư, như: Trung tâm Khí - Điện - Đạm Cà Mau, Trung tâm Nhiệt điện Ô Môn (Cần Thơ), Nhà máy điện Duyên Hải (Trà Vinh), Nhà máy Nhiệt điện Long Phú (Sóc Trăng), Trung tâm Nhiệt điện sông Hậu (Hậu Giang), đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn cùng với các khu kinh tế Năm Căn, Định An, Châu Đốc, Tịnh Biên đi vào hoạt động đã tạo một bước phát triển mới về công nghiệp trong vùng.

Ngoài ra, các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung cấp vùng được quan tâm đầu tư; các hệ thống giao thông huyết mạch, trục dọc và ngang, cầu vượt sông lớn (Mỹ Thuận, Cần Thơ, Cổ Chiên), cảng hàng không quốc tế (Cần Thơ, Phú Quốc), sân bay (Rạch Giá, Cà Mau), cao tốc TPHCM - Trung Lương... đã hình thành mạng lưới giao thông rộng khắp, vừa liên kết nội vùng, vừa liên kết với TP Hồ Chí Minh, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

* Nhận diện thách thức

Đến nay, vùng ĐBSCL có 161 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I trực thuộc Trung ương, 17 đô thị loại II và III, 22 đô thị loại IV còn lại là đô thị loại V. Theo Bộ Xây dựng, phân bố đô thị vùng ĐBSCL tương đối đồng đều, gắn với các hành lang giao thông thủy, bộ. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng đạt 26,4%, tăng 2,5% so với năm 2010. Nhiều ý kiến cho rằng, dù đạt được nhiều thành tựu trong quá trình phát triển, nhưng cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề khó khăn, tồn tại của vùng ĐBSCL cần được nghiên cứu, giải quyết một cách toàn diện.

Theo ông Đỗ Đức Huy, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, bối cảnh phát triển chung, vùng ĐBSCL đang bắt đầu chịu ảnh hưởng rõ nét của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tình trạng hạn hán, khô cạn, nhiễm mặn ngày càng nghiêm trọng, có nơi diễn ra với tốc độ nhanh hơn dự báo. Điều này đã tác động mạnh mẽ đến các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, như: giao thông, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, rác thải và đặc biệt là các đô thị, khu vực dân cư tập trung ven biển và sông Mekong. Mặt khác, những tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng bất lợi tới sự tăng trưởng của nền kinh tế trong nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng, hạn chế các nguồn lực đầu tư thực hiện các chương trình, dự án hạ tầng kỹ thuật khung; nhất là trong bối cảnh các nguồn vốn vay ưu đãi ODA đang ngày càng hạn hẹp. Bên cạnh đó, do hoạt động sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro nên sức thu hút đầu tư vào nông nghiệp của vùng ĐBSCL chưa cao, kể cả từ các nguồn vốn trong nước và FDI. Trên thực tế, mạng lưới đô thị tuy bắt đầu hình thành theo định hướng không gian đô thị toàn vùng. Nhưng, theo đánh giá của các nhà chuyên môn, chất lượng từng đô thị chưa thực sự đáp ứng được thực tế và mục tiêu quy hoạch đặt ra. Các đô thị có xu hướng phát triển lan rộng, mật độ thấp, chưa phát huy được những hiệu quả do hiệu ứng tập trung của đô thị đem lại. Mô hình tăng trưởng kinh tế của các đô thị trong vùng còn khá tương đồng, năng lực cạnh tranh còn hạn chế do chưa phát huy được những điểm lợi thế so sánh, nhất là việc thu hút các nguồn vốn đầu tư…

Ngày 14-1-2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị hướng đến mục tiêu là kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và kế hoạch. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, mỗi đô thị trong vùng cần xác định rõ định hướng phát triển trong mối tương quan tổng thể quy hoạch vùng tỉnh và toàn vùng để xây dựng Chương trình phát triển đô thị, hình thành các khu vực phát triển đô thị với kế hoạch thực hiện cụ thể trong dài, trung và ngắn hạn. Từ đó xác định các dự án để ưu tiên nguồn lực đầu tư đảm bảo đồng bộ theo lộ trình. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Huy, quá trình thực hiện tại các địa phương còn chậm. Đến nay, chỉ có Đồng Tháp, An Giang đã xác định các khu vực phát triển đô thị. Việc đầu tư các dự án phát triển đô thị manh mún, tự phát, theo phong trào, chưa có kế hoạch vẫn còn diễn ra ở một số nơi; hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội còn thiếu đồng bộ; chất lượng dịch vụ đô thị còn hạn chế... Đây là những vấn đề cần được quan tâm và sớm giải quyết trong thời gian tới.

* Đẩy mạnh liên kết

Tháng 6-2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát, nghiên cứu điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Định hướng lớn về điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Huy, cho biết: Mô hình vùng sẽ theo hướng phát triển 6 phân vùng sinh thái nông nghiệp với các đặc trưng khác nhau, gồm: Vùng Đồng Tháp Mười; vùng nước ngọt phù sa (dọc sông Tiền và sông Hậu); vùng tứ giác Long Xuyên; vùng trũng Tây sông Hậu; vùng bán đảo Cà Mau; vùng ven biển Đông. Hình thành 3 phân vùng hình thái phát triển đô thị, gồm: Vùng Đồng Tháp Mười mở rộng (đến phía Tây sông Hậu) kiểm soát ngập từ thượng nguồn và dự trữ nước cho mùa khô; trở thành vùng nuôi trồng thủy sản trên quy mô lớn. Vùng nước ngọt phù sa giữa đồng bằng là vùng đất phì nhiêu nhất nhưng cũng là vùng tập trung dân cư đô thị, tập trung nâng cao chất lượng đô thị, hạn chế mở rộng đô thị bằng việc phát triển đô thị nén mật độ cao. Vùng ven biển Tây, biển Đông và bán đảo Cà Mau là vùng chịu tác động xâm nhập mặn gia tăng, phát triển kinh tế biển năng động, đa dạng, tăng cường nuôi trồng thủy sản gắn với khôi phục hệ sinh thái. Hệ thống hạ tầng khung vùng ĐBSCL, hình thành hai trục xương sống là trục cao tốc TP HCM-Cần Thơ-Cà Mau kết nối với vùng TP HCM và các vùng quốc gia; trục cao tốc Hà Tiên-Rạch Giá-Bạc Liêu kết nối với mạng đường xuyên Á và cảng biển tương lai của vùng. Hướng tuyến của hai trục xương sống được chọn tại khu vực đảm bảo tránh ngập trong điều kiện biến đổi khí hậu, tối ưu hóa vận chuyển hành khách và hàng hóa, được hỗ trợ bởi mạng lưới quốc lộ... "Bộ Xây dựng sẽ tập trung nghiên cứu, tổ chức các hội thảo tham vấn trong và ngoài nước, lấy ý kiến góp ý hoàn thiện Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đáp ứng các yêu cầu quản lý và phát triển trong giai đoạn mới" - Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Huy nói.

Để phát huy lợi thế kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, nhiều ý kiến cho rằng, Chính phủ sớm ban hành quy chế thí điểm điều phối liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020. Từ đó các địa phương cùng rà soát, thống nhất điều chỉnh quy hoạch sản xuất theo hướng phát huy lợi thế từng địa phương, tránh tình trạng sản xuất trùng lắp, hàng hóa dư thừa cục bộ. Ông Nguyễn Phong Quang, Phó Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho rằng: Trước xu thế hội nhập, cơ hội phát triển kinh tế rõ nét nhất cho ĐBSCL là khả năng mở rộng thị trường trong và ngoài nước do nhu cầu sản phẩm nông nghiệp và lương thực gia tăng. Ngoài ra, Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, tăng thu nhập nông dân, sử dụng hợp lý tài nguyên nông nghiệp, phát huy lợi thế so sánh của vùng và phát triển bền vững. "Trong tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương ĐBSCL cần phối hợp quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển công nghiệp chế biến, hợp tác cùng mở rộng thị trường để cùng phát triển các sản phẩm chủ lực vùng ĐBSCL"- ông Nguyễn Phong Quang đề nghị.

Bài, ảnh: Hà Triều

Chia sẻ bài viết