15/05/2023 - 10:10

Đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp 

Hồng Vân

Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, những năm gần đây, hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng tăng cường hợp tác quốc tế. Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, mở ra cơ hội việc làm cho học sinh, sinh viên (HSSV).

Nâng chuẩn tay nghề

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ. Ảnh: Đơn vị cung cấp

Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ. Ảnh: Đơn vị cung cấp

TP Cần Thơ hiện có 69 cơ sở GDNN; trong đó 14 trường cao đẳng, 8 trường trung cấp, 19 trung tâm GDNN và 28 cơ sở khác với quy mô tuyển sinh hơn 47.900 chỉ tiêu mỗi năm. Trong số này, Trường Cao đẳng Nghề Cần Thơ được Chính phủ đầu tư nâng cấp trở thành 1 trong 45 trường dạy nghề trọng điểm của cả nước, được ưu tiên đầu tư về nguồn lực cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ giảng viên với nhiều chương trình đào tạo liên kết trong nước và quốc tế.

Theo Ths Cao Thị Hồng Tho, Phó Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Nghề Cần Thơ, thời gian qua, Trường đã được dự án của Hội đồng Anh chuyển giao về xây dựng hệ thống đảm bảo chất lượng GDNN; đào tạo theo đơn đặt hàng của Công ty ARS trình độ cao đẳng nghề cắt gọt kim loại (sinh viên học 2 năm tại Việt Nam và 1 năm tại trường Đại học KunJang - Hàn Quốc, khi tốt nghiệp sẽ được cấp 2 bằng). Tháng 11-2019, Trường đã triển khai đào tạo thí điểm nghề công nghệ ô tô cấp độ quốc tế theo chương trình chuyển giao từ Avestos - Cộng hòa Liên bang Đức. Bên cạnh đó, Trường còn phối hợp cùng Công ty Hải Phong JSC thực hiện chương trình “Thực tập sinh kỹ năng Nhật Bản” cho sinh viên tốt nghiệp. Đến nay, Trường đã có 25 sinh viên đã xuất cảnh sang Nhật Bản với mức lương bình quân 30-33 triệu đồng/tháng. Nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, Trường Cao Đẳng Nghề Cần Thơ đã áp dụng bộ tiêu chuẩn khung và công cụ đảm bảo chất lượng theo dự án của Hội Đồng Anh ở tất cả 9 khoa, tổ bộ môn với nhiều giảng viên tham gia. Hằng năm, Trường đã cử nhiều lượt giảng viên đi tập huấn bồi dưỡng về chuyên môn trong và ngoài nước (Malaysia, Hàn Quốc, Úc, Anh và Cộng hòa Liên bang Đức), 100% giảng viên đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ các nghề trọng điểm.

Ths Cao Thị Hồng Tho, Phó Hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Nghề Cần Thơ, cho biết: “Trường có 2 nghề đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, gồm: công nghệ ô tô, điện công nghiệp. Được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo không chỉ là niềm tự hào của nhà trường, mà còn là nguồn động lực để trường tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, xứng đáng là nguồn cung ứng nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động ở khu vực ĐBSCL cũng như ở Việt Nam”. Hiện nay, tỷ lệ HSSV của Trường có việc làm sau khi tốt nghiệp đạt bình quân trên 86%. Kết quả khảo sát mức độ hài lòng của doanh nghiệp về HSSV đạt 85,7%. Mục tiêu đến 2030, Trường phấn đấu trở thành trường dạy nghề trọng điểm chất lượng cao, quy mô đào tạo khoảng 5.000 HSSV với 14 nghề trình độ cao đẳng, 11 nghề trình độ trung cấp; trong đó, có 9 ngành, nghề tiếp cận với trình độ của các nước ASEAN-4 và các nước tiên tiến trên thế giới theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.

Mở rộng hợp tác

Thời gian qua, hệ thống cơ sở GDNN trên địa bàn TP Cần Thơ đã có bước đột phá mạnh mẽ trong việc nâng chuẩn đào tạo, tăng cường liên kết quốc tế. Hoạt động này được thực hiện khá tốt ở một số trường, như Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, Trường Cao đẳng Cần Thơ… Theo Ths Nguyễn Thành Long, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, hiện nay, Trường đang áp dụng mô hình đào tạo KOSEN- 5S, ứng dụng công nghệ 4.0. Đây là mô hình đào tạo năng lực người học sát hợp với thực tiễn, chất lượng và hiệu quả cao hiện nay. Đồng thời, Trường cũng đang liên kết, hợp tác với hơn 70 tập đoàn, công ty, doanh nghiệp các trường đại học có uy tín trong và ngoài nước về phối hợp tuyển dụng, giải quyết việc làm, thực hành, thực tập, đào tạo liên thông, nghiên cứu hợp tác... Năm 2022, tỷ lệ HSSV có việc làm sau tốt nghiệp đạt trên 95,2% và có nhiều ngành nghề tỷ lệ HSSV có việc làm sau tốt nghiệp đạt gần 100%, như ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật, dịch vụ thú y, kế toán....

Trong khi đó, tại Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ, từ năm 2017, Trường đã phối hợp với Công ty CP Dịch vụ Hợp tác Quốc tế (CICS) và Tập đoàn Bệnh viện Nara Higashi tổ chức đào tạo tiếng Nhật miễn phí cho SV có nhu cầu và định hướng đi thực tập sinh tại Nhật Bản. Hiện nay, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ đang thiết lập mối quan hệ hợp tác với các trường đại học và các tổ chức quốc tế, như Khoa Khoa học Sức khỏe - Đại học Semmelweis, Viện Đại học kỹ thuật Queenlands, Trung tâm Sức khỏe An toàn lao động Tokyo, Viện Khoa học lao động Nhật... Trong năm 2022, Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ tiếp tục gia hạn ký kết bản ghi nhớ liên kết công việc với Tập đoàn Bệnh viện Kenwa-kai Medical Foundation, Hiệp hội Medicare Network và Công ty CP Dịch vụ Hợp tác Quốc tế (CICS); ký kết hợp tác với hệ thống nhà thuốc FPT Long Châu nhằm tạo thêm nhiều cơ hội thực tập và cơ hội việc làm cho SV ngành dược sau khi tốt nghiệp. Chính nhờ sự hợp tác có tính đón đầu này mà những năm qua, tỷ lệ HSSV của trường có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp đạt trên 80%.

Nhìn chung, hoạt động liên kết quốc tế trong đào tạo nghề đã và đang được các cơ sở GDNN trên địa bàn TP Cần Thơ quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng, thị trường lao động quốc tế ngày càng có tiêu chuẩn khắt khe về trình độ, tay nghề và tính kỷ luật của người lao động. Để người lao động có vị trí tốt hơn, thu nhập tốt hơn, các cơ sở GDNN của thành phố cần tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề; chủ động đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, nhà xưởng thực hành tiên tiến, hiện đại, phù hợp chương trình giảng dạy mới… đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực chất lượng cao cho thành phố.

Chia sẻ bài viết