09/01/2014 - 22:13

ĐỒNG CHÍ NGUYỄN PHONG QUANG, PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC BAN CHỈ ĐẠO TÂY NAM BỘ:

Đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng toàn vùng

 

"Năm 2013, tình hình KT-XH trong nước và thế giới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, cùng với cả nước, vùng ĐBSCL đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ, các chỉ tiêu KT-XH đều tăng trưởng so với cùng kỳ" - đồng chí Nguyễn Phong Quang, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ (BCĐ TNB) , cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn của Báo Cần Thơ. Đánh giá tình hình KT-XH vùng ĐBSCL năm qua, đồng chí cho biết thêm:

Nhờ chủ động triển khai thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất kinh doanh theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, KT-XH của các địa phương trong vùng tiếp tục có chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn vùng ước đạt 9,06%; hầu hết các ngành đều duy trì tốc độ tăng so với cùng kỳ. Hoạt động sản xuất, kinh doanh có tiến triển, lạm phát được kềm chế, giá cả thị trường được quản lý, kiểm soát tốt. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 34,6 triệu đồng, tăng 2,3 triệu đồng so năm 2012. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt trên 215 nghìn tỉ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ. Các chính sách an sinh xã hội, chính sách cho người nghèo, chính sách dân tộc – tôn giáo được quan tâm và thực hiện có kết quả; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2% so với năm 2012, hiện còn khoảng 7,24%. Quốc phòng an ninh được giữ vững, tăng cường, không để xảy ra những tình huống bất ngờ, khó kiểm soát.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH của vùng cũng còn một số hạn chế. Một số chỉ tiêu KT – XH chưa đạt kế hoạch đề ra. Sức mua của thị trường hàng hóa và dịch vụ chưa cao, một số doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn khó khăn, giá các mặt hàng nguyên liệu tăng cao ảnh hưởng đến sản xuất. Sản xuất nông nghiệp thiếu tính bền vững, sức cạnh tranh chưa cao, còn nhiều rủi ro về giá và thị trường… Bên cạnh đó, sự liên kết giữa các địa phương chưa thật sự chặt chẽ và đi vào chiều sâu. Chính sách hỗ trợ kêu gọi đầu tư chưa hấp dẫn nên thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài, còn thấp. Công tác bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu chưa được quan tâm đúng mức, tình trạng ô nhiễm môi trường, sạt lở ven sông, ven biển, xâm nhập mặn… diễn biến khó lường. Đời sống của một bộ phận không nhỏ người dân còn khó khăn. An ninh quốc phòng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp…

* Được xem là "vựa lúa" của cả nước, sản xuất nông nghiệp vẫn là nghề chính của phần lớn người dân vùng ĐBSCL và chiếm tỉ trọng cao trong nền kinh tế. Đồng chí đánh giá như thế nào về sản xuất nông nghiệp của vùng năm qua?

- Nhìn chung hoạt động sản xuất nông nghiệp năm qua phát triển khá, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp toàn vùng ước đạt trên 164 nghìn tỉ đồng, tăng 4% so cùng kỳ, đạt 99,7% kế hoạch. Một số sản phẩm chủ lực của vùng, như lúa giữ được sự tăng trưởng ổn định về năng suất và sản lượng. Tổng sản lượng thu hoạch ước đạt trên 24,8 triệu tấn, tăng khoảng 500 ngàn tấn so cùng kỳ. Toàn vùng thực hiện 225 mô hình cánh đồng mẫu lớn, với diện tích trên 66 nghìn ha, chiếm 4,16% diện tích xuống giống. Thực tiễn sản xuất năm qua cho thấy mô hình này đã phát huy hiệu quả tốt; giá trị sản phẩm và lợi nhuận tăng. Ngành chăn nuôi tương đối thuận lợi do nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trên thị trường ổn định. Về thủy sản, sản lượng toàn vùng đạt trên 3,4 triệu tấn, tăng trên 4% so cùng kỳ. Trong đó, sản lượng nuôi trồng ước trên 2 triệu tấn. Nuôi tôm nước lợ năm nay đạt lãi khá nhờ thu hoạch sản lượng lớn và giá bán ổn định ở mức cao, hiện diện tích nuôi khoảng 590.000 ha, sản lượng đạt 400.000 tấn. Riêng ngành cá tra gặp khó khăn, sản lượng thu hoạch ước đạt 1,2 triệu tấn, giảm 6% so cùng kỳ, nguyên nhân do trong thời gian dài giá cá nguyên liệu giảm trong khi giá cả sản xuất đầu vào tăng cao (người nuôi lỗ khoảng 1.000 đồng/kg); hiện nay ngành nuôi cá đang chuyển dịch theo hướng tăng diện tích nuôi của các doanh nghiệp, giảm hộ nuôi nhỏ lẻ.

Nông dân và cán bộ kỹ thuật, khuyến nông các tỉnh, thành vùng ĐBSCL tham gia đánh giá
giống lúa đông xuân 2012-2013 tại Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: MỸ THANH 

Sản xuất nông nghiệp chưa đạt kế hoạch do những giải pháp về tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng để phát triển bền vững chưa thật sự có hiệu quả. Lúa gạo và thủy hải sản đang tiêu thụ hết sức khó khăn, chưa có giải pháp căn cơ, hiệu quả để tháo gỡ; người sản xuất còn gặp khó khăn về vốn, giá nguyên liệu tăng cao... điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người nông dân trong vùng.

* Công tác an sinh xã hội thời gian qua được BCĐ TNB tập trung thực hiện đã đạt được những hiệu quả lớn nào, thưa đồng chí?

- Thời gian qua, BCĐ TNB tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, nhất là Ngân hàng Nhà nước và các Tỉnh ủy, Thành ủy trong vùng kêu gọi, vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân ủng hộ, tài trợ kinh phí để thực hiện công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho nhân dân trong vùng. Nhìn chung, các địa phương trong khu vực đã triển khai thực hiện khá tốt các chương trình, dự án thoát nghèo và những chính sách hỗ trợ cho người nghèo, qua đó đã phát huy nhiều tác dụng, góp phần ổn định đời sống và sản xuất cho người nghèo, giúp tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm nhiều so với trước đây, hiện còn 7,24%; riêng tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc năm qua giảm 3%. Địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất là Cần Thơ (3,95%), cao nhất là Sóc Trăng (17,03%).

Ngoài ra, BCĐ còn huy động kinh phí từ nhiều nguồn lực để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, như: tại Triển lãm hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển vùng ĐBSCL đã vận động 876 tỉ đồng; các kỳ MDEC đều vận động được hàng trăm tỉ đồng, riêng MDEC Vĩnh Long 2013 đã vận động được gần 719 tỉ đồng... Thường trực BCĐcũng đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức các chương trình trao học bổng "Vòng tay đồng đội", học bổng "Chung tay vun đắp nhân tài" cho hàng nghìn sinh viên khó khăn; trao quà cho các hộ chính sách, hộ nghèo nhân các dịp lễ, Tết, xây dựng hàng trăm căn nhà nghĩa tình đồng đội cho cán bộ, chiến sĩ và hộ nghèo ở vùng biên giới, biển đảo, đồng bào dân tộc thiểu số...

* Để ĐBSCL tiếp tục phát triển, năm 2014, BCĐ TNB sẽ tập trung những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa đồng chí?

- Năm 2014, dự báo tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phục hồi; đồng thời, những chính sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế nước nhà phát triển được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vùng ĐBSCL vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại. Trên cơ sở phân tích những thuận lợi, khó khăn, BCĐ đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm 2014, với một số chỉ tiêu trọng yếu: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế (GDP) trong khu vực khoảng 9 - 10%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 11 tỉ USD. Thu ngân sách trên 38 nghìn tỉ đồng; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 237 ngàn tỉ đồng; thu nhập đầu người trên 37 triệu đồng. Tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 6%; tạo việc làm cho trên 371 ngàn lao động...

Để thực hiện các mục tiêu này, BCĐ sẽ xúc tiến phối hợp với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện Quyết định 2270/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 28-KL/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2020. Trước mắt, BCĐ phối hợp với các cơ quan trung ương và địa phương trong khu vực tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, qua đó tạo động lực và cơ sở để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu cho ngân sách nhà nước. Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách giải quyết việc làm; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường lao động. Tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc giám sát và điều tiết quan hệ cung cầu lao động trên thị trường, từng bước cơ cấu lại lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu doanh nghiệp, tái cơ cấu các lĩnh vực kinh tế của ngành, vùng, địa phương, mà đặc biệt là tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng bền vững, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp…

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg về tăng cường quản lý vốn đầu tư từ ngân sách, vốn trái phiếu Chính phủ và Chỉ thị số 27/CT-TTg về những giải pháp chủ yếu khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản; phân bổ vốn đầu tư phát triển tập trung ưu tiên trả nợ xây dựng cơ bản và những dự án có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm 2014. Ưu tiên bố trí ngân sách cho xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường. Đẩy nhanh việc thực hiện xã hội hóa về giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao; nâng cao hiệu quả đào tạo theo chính sách cử tuyển, dự bị đại học và thực hiện chính sách đặc thù trong tuyển sinh đại học, cao đẳng đối với các thí sinh vùng Tây Nam Bộ. Tăng cường công tác nắm tình hình quốc phòng – an ninh, kịp thời xử lý, không để xảy ra điểm nóng, tình huống bất ngờ...

BCĐ cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện hoàn thành các đề án lớn trình Bộ Chính trị, Ban Cán sự Đảng Chính phủ như: Đề án xây dựng đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt Phú Quốc trực thuộc Trung ương; đề án liên kết vùng ĐBSCL phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, trái cây, thủy sản và đào tạo nghề nông dân. Phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương có liên quan tổ chức tốt các sự kiện, hội nghị, hội thảo, triển lãm hội chợ trong khuôn khổ MDEC - Sóc Trăng 2014.

* Xin cảm ơn đồng chí!

HOÀNG THANH (thực hiện)

Chia sẻ bài viết