08/03/2011 - 21:20

TP Cần Thơ

Đẩy mạnh công tác xây dựng nông thôn mới

Theo Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) TP Cần Thơ, dù còn nhiều khó khăn nhưng đến nay, công tác xây dựng NTM trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Trong năm 2011, ngoài việc đẩy mạnh công tác đào tạo, tuyên truyền, TP Cần Thơ phấn đấu đưa 2 xã điểm được công nhận “xã NTM”, hoàn thành công tác quy hoạch xã NTM...

Đẩy mạnh đào tạo, tuyên truyền

Đến nay, 4/4 huyện của TP Cần Thơ đã thành lập Ban Chỉ đạo NTM cấp huyện và 36 xã đã thành lập Ban Quản lý xây dựng NTM. Đặc biệt, trên cơ sở Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, TP Cần Thơ đã ban hành Bộ tiêu chí TP Cần Thơ về xây dựng NTM gồm 20 tiêu chí. Trên cơ sở này, 100% số xã đã triển khai đánh giá thực trạng NTM qua đó xác định có 11/36 xã hoàn thành từ 9 tiêu chí trở lên... Kết quả rà soát đánh giá thực trạng 36 xã NTM, TP Cần Thơ đã chọn xã Mỹ Khánh (huyện Phong Điền) và xã Trung An (huyện Cờ Đỏ) làm 2 xã điểm chỉ đạo của thành phố. Song song đó, đến nay, Ban Chỉ đạo thành phố hướng dẫn các huyện chọn thí điểm 2-3 xã để Ban Chỉ đạo huyện tập trung chỉ đạo theo dõi, rút kinh nghiệm triển khai kế hoạch chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2011-2015...

Bộ mặt nông thôn TP Cần Thơ ngày càng khang trang hơn. Trong ảnh: Một góc nông thôn ở xã Trung An, huyện Cờ Đỏ.
 

Dù đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ như trên, nhưng việc xây dựng NTM là vấn đề còn khá mới nên còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện. Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho biết: Nhận thức về xây dựng NTM ở một số địa phương chưa sâu, chưa nắm rõ quy trình thực hiện. Việc rà soát đánh giá thực trạng theo 20 tiêu chí của thành phố ở nhiều địa phương còn chưa chính xác, chưa phản ánh được đầy đủ và toàn diện thực trạng nông thôn. Trong xây dựng kế hoạch, hầu hết các địa phương chưa chủ động, còn lúng túng trong việc xác định nhu cầu vốn để thực hiện chương trình xây dựng NTM theo từng giai đoạn. Ngoài ra, việc triển khai quy hoạch cấp xã theo tiêu chí NTM còn lúng túng, chưa xác định được rõ mục tiêu phấn đấu cho từng năm...

Chính vì thế, theo ông Đào Anh Dũng, trong năm 2011, thành phố tiếp tục tăng cường công tác tập huấn đào tạo đội ngũ cán bộ và vận hành chương trình về nội dung, trình tự các bước tiến hành ở cấp xã, cơ chế tài chính- cơ chế quản lý... về xây dựng NTM. Đây được xem là công tác tối quan trọng, quyết định thành công và hiệu quả của chương trình. Ngoài ra, các ngành, các cấp... trên địa bàn thành phố cần tiếp tục tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, thường xuyên nhằm cung cấp đầy đủ thông tin, tạo điều kiện cho cả hệ thống chính trị và toàn xã hội hiểu rõ mục đích, nội dung, tư tưởng chỉ đạo, cơ chế chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM.

Tập trung cho xã điểm và công tác quy hoạch

Theo Ban Chỉ đạo TP Cần Thơ, trong năm 2011, TP Cần Thơ phấn đấu đưa 2 xã điểm Mỹ Khánh và Trung An hoàn thành các tiêu chí và được công nhận “xã NTM”. Đến nay, 2 xã này đã xây dựng đề án xây dựng NTM và đã xác định được nhu cầu vốn (Mỹ Khánh khoảng 66,68 tỉ đồng; Trung An khoảng 95,5 tỉ đồng) đề xuất trung ương và thành phố xem xét bố trí hỗ trợ từ nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ đạo xây dựng đề án, dự án để lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn gắn với mục tiêu tập trung xây dựng 2 xã điểm của thành phố, để tạo điều kiện cho các xã này về đích đúng tiến độ kế hoạch, tạo động lực và niềm tin cho các xã khác.

Theo Sở Xây dựng TP Cần Thơ, qua kết quả rà soát, hiện nay, 32/36 xã có lập quy hoạch trung tâm xã. Các xã chưa lập quy hoạch chủ yếu là xã mới chia tách của huyện Thới Lai như: Xuân Thắng, Trường Xuân B, Trường Thắng và Tân Thạnh. Tuy nhiên, phần lớn nội dung các đồ án quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn trước đây chưa định hình phát triển các xã nông nghiệp theo mô hình NTM. Theo yêu cầu của địa phương, Sở Xây dựng đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm định và Quy hoạch xây dựng giúp các xã 2 huyện: Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh tiến hành lập quy hoạch xây dựng xã NTM đảm bảo đạt tiến độ yêu cầu. Đến nay, có 4/18 xã của 2 huyện này hoàn thành nhiệm vụ đồ án quy hoạch và dự kiến cuối tháng 3, đầu tháng 4-2011 sẽ hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân để trình UBND thành phố phê duyệt. Huyện Phong Điền đã chọn đơn vị tư vấn thực hiện công tác lập quy hoạch được 6/6 xã. Dự kiến, đến cuối tháng 3 -2011, huyện sẽ hoàn thành đạt 3/6 xã, đạt 50% số xã hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM. Huyện Thới Lai chọn đơn vị tư vấn thực hiện và hoàn hành công tác quy hoạch xã NTM cho 3/12 xã của huyện vào cuối tháng 3/2011.

Theo lộ trình thực hiện chương trình xây dựng NTM mới trên địa bàn TP Cần Thơ, đến cuối quý II/2011, các huyện phải có 100% số xã hoàn thành quy hoạch xây dựng NTM. Trong công tác này, ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, đề nghị: Các xã phải chủ động triển khai thực hiện với sự giúp đỡ của các cơ quan chuyên môn huyện và thành phố. Trong đó, quy hoạch sản xuất phải đảm bảo tính linh hoạt và có phối hợp chặt chẽ ngay từ đầu trong quy hoạch chung NTM. Ngoài ra, các địa phương cần tổ chức tập huấn cán bộ xã về nội dung thực hiện quy hoạch xã. Để các quy hoạch phù hợp với địa phương, hợp với chủ trương xây dựng NTM và mang tính khả thi, các địa phương cũng cần lưu ý triển khai tập huấn các nội dung, yêu cầu... của chương trình xây dựng NTM đến các đơn vị tư vấn thực hiện quy hoạch...

Ông Lê Hồng Phát, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, cho rằng: Do đặc thù của công tác quy hoạch đòi hỏi phải nắm bắt thật kỹ những số liệu hiện trạng và đặc điểm về tình hình đời sống sản xuất của nhân dân, nên kế hoạch quý II/2011 phải hoàn thành toàn bộ quy hoạch xây dựng 36 xã NTM có thể sẽ không đạt chất lượng theo yêu cầu. Vì vậy, Sở Xây dựng đề nghị lãnh đạo UBND thành phố cho kéo dài thời gian hoàn thành các quy hoạch đến cuối năm 2011 để có những đồ án đạt chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu định hướng cho sự phát triển xã NTM theo hướng bền vững...

Bài, ảnh: HÀ TRIỀU

BAN QUẢN LÝ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÃ

Ban Quản lý (BQL) xây dựng nông thôn mới (NTM) xã là chủ đầu tư các dự án xây dựng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã, do UBND xã quyết định thành lập. BQL xây dựng NTM xã hoạt động theo hình thức kiêm nhiệm, trực thuộc UBND xã, có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng, sử dụng con dấu của UBND xã để giao dịch.

BQL xây dựng NTM xã có các nhiệm vụ và quyền hạn chủ yếu sau: Tổ chức xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch đầu tư hàng năm xây dựng cơ sở hạ tầng đưa xã trở thành xã NTM, lấy ý kiến cộng đồng dân cư trong toàn xã và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Quản lý và triển khai thực hiện các dự án, bao gồm việc thực hiện các bước từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, nghiệm thu bàn giao và đưa dự án vào khai thác, sử dụng. Được ký các hợp đồng kinh tế với các đơn vị có tư cách pháp nhân, cộng đồng hoặc cá nhân cung cấp các hàng hóa, xây lắp và dịch vụ để thực hiện các công trình, dự án đầu tư công trình cơ sở hạ tầng...

Việc xây dựng kế hoạch tổng thể đầu tư cơ sở hạ tầng xã phải có sự tham gia của cộng đồng dân cư trong xã, được bàn bạc thống nhất với sự hướng dẫn của chính quyền địa phương. Quy trình lấy ý kiến như sau: Sau khi BQL xây dựng NTM xã dự thảo xong kế hoạch tổng thể đầu tư cải tạo, nâng cấp, phát triển cơ sở hạ tầng, bản kế hoạch được công bố công khai treo tại trụ sở UBND xã và được chuyển cho các trưởng thôn, bản để chủ trì tổ chức họp với tất cả các hộ dân trong thôn, có sự tham gia của các đoàn thể xã hội để thảo luận lấy ý kiến đóng góp. Các ý kiến đóng góp của nhân dân được ghi thành biên bản và được chuyển tới BQL xây dựng NTM xã và HĐND xã. Trong vòng 15 ngày sau khi bản kế hoạch được công bố công khai và sau khi đã họp lấy ý kiến nhân dân, HĐND xã tổ chức cuộc họp nghe ý kiến đại diện các thôn bản, ý kiến giải trình, tiếp thu của BQL xây dựng NTM xã, trên cơ sở đó xem xét ban hành nghị quyết thông qua kế hoạch hoặc yêu cầu BQL xây dựng NTM xã chỉnh sửa lại theo ý kiến của đại đa số người dân địa phương...

(Thông tư số 18 /2010/TT-BKH của Bộ kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cơ chế đặc thù về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản tại 11 xã  thực hiện Đề án “Chương trình xây dựng thí điểm mô hình NTM trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”).

Chia sẻ bài viết