23/04/2022 - 10:44

Dạy con tự lập 

Ngày nay, đa phần các gia đình chỉ có 1-2 con. Ít con nên cha mẹ thường có xu hướng cưng chiều, bảo bọc quá mức, từ đó một số trẻ thiếu sự tự lập. Những hình ảnh không mấy tích cực về việc phải làm “osin” cho con ngay khi con đã trưởng thành, trở thành câu chuyện khiến nhiều bậc phụ huynh nhìn nhận lại: Cần học cách buông tay con, dạy con những kỹ năng tự lập để con có cơ hội trưởng thành…

“Ủ” con

Chị Kim Huyền (quận Ninh Kiều) cùng con gái chăm sóc vườn rau.

Chị Kim Huyền (quận Ninh Kiều) cùng con gái chăm sóc vườn rau.

Như nhiều bậc phụ huynh, vợ chồng chị Xuân (quận Cái Răng) luôn mong muốn mang đến cho con mình điều kiện sống tốt nhất. Vợ chồng chị kinh tế khá giả lại chỉ có duy nhất cô con gái nên chiều chuộng hết mực. Hai vợ chồng thuê người giúp việc, thuê gia sư, thuê người đưa đón con đi học lẫn đi chơi; cho con tiền tiêu vặt… Từ nhỏ, bé Trúc (con gái chị Xuân) không phải động tay vào việc nhà nên sinh ra lười biếng, ỷ lại vào người lớn. Mỗi ngày, cơm nước dọn tận nơi còn phải giục chán chê, Trúc mới chịu ăn; việc học hành, ngủ nghỉ, đều phải có người nhắc nhở... Đi học về, Trúc ở trong phòng nghe nhạc, lên mạng buôn chuyện  với bạn bè.

Cũng do quá thương yêu, bảo bọc con nên vợ chồng chị Xuân còn thay con quyết định lựa chọn cả ngành học đại học và tìm cho con gái một công việc ổn định. Tuy nhiên, Trúc phải rất vất vả để hòa nhập với môi trường làm việc cạnh tranh. Nhìn con gái ấm ức khóc lóc chỉ vì những chuyện vặt vãnh trong công ty, vợ chồng chị Xuân rất xót con. Càng đau lòng, anh chị càng cảm thấy hối hận vì đã quá bảo bọc con trong suốt thời gian dài, khiến con nảy sinh tính ỷ lại, không thể tự lập, tự chủ dù đã trưởng thành.

Còn vợ chồng chị Hồng (quận Ninh Kiều) cũng rất buồn phiền khi chứng kiến sự vô tâm của con trai. Ngày nào cũng vậy, tờ mờ sáng, chị Hồng đã tất tả đi chợ, lo cơm nước để sẵn. Xế trưa, anh chị tất bật công việc để mở cửa quán bán hủ tíu đến tận khuya. Rất nhiều lần như vậy, khi thấy cha mẹ về trễ, khệ nệ dọn dẹp, cậu con trai vẫn thản nhiên nằm trên giường nghe nhạc. Nhờ phụ giúp thì con trai nhăn nhó: “Mẹ tự xách đi! Đó giờ con có làm đâu!”. Chị Hồng giận vô cùng nhưng cũng không bao giờ trách mắng con. Nhiều lần, vợ chồng chị Hồng lục đục cũng chỉ vì cậu quý tử tính tình biếng nhác, suốt ngày mê chơi game, lêu lổng. Đã 17 tuổi nhưng con trai của anh chị vẫn không thể tự lo cho bản thân, chỉ trông cậy vào cha mẹ. 

Để con trẻ trưởng thành

Để dạy trẻ hình thành thói quen tự lập là cả một quá trình. Trong gia đình, cha mẹ nên phân công việc nhà để con trẻ nhận thức được bản thân phải có trách nhiệm chia sẻ. Từ đó sẽ dần hình thành ý thức quan tâm, chăm sóc yêu thương những người thân yêu của mình. Đó là cách mà chị Kim Huyền (quận Ninh Kiều) dạy con gái. Theo chị Huyền, ngoài nuôi con khỏe mạnh, phát triển thể chất, trí lực, chị luôn chú tâm rèn luyện con hình thành những thói quen tốt. Quan điểm của chị là không nên làm mọi việc thay con mà khuyến khích con tự làm những việc vừa sức mình.

Ngay từ lúc nhỏ, Gia Hân (con gái chị Huyền) đã tự giác và làm thành thạo những việc nhà phụ mẹ. Suốt 11 năm liền, Gia Hân đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, năng nổ trong các hoạt động phong trào văn hóa văn nghệ của nhà trường. Không chỉ học tốt, dẫn chương trình hay, múa hát giỏi, cô bé còn tự lập kiếm tiền. Vừa học, Gia Hân vừa khởi nghiệp với mô hình bán bánh tráng trộn; sau đó, là bán mỹ phẩm online. Nói về việc kinh doanh, Gia Hân cho biết: “Đối với việc kinh doanh mỹ phẩm, em biết rất rõ giới trẻ thích gì và em chỉ bán những dòng sản phẩm phù hợp với túi tiền, phù hợp lứa tuổi của mình. Tất cả các mặt hàng, em đều tìm hiểu cẩn thận thông tin và tự trải nghiệm để tư vấn tốt nhất cho khách hàng và trên hết là giữ uy tín trong kinh doanh”. Ngoài thời gian dành cho việc học tập, Gia Hân bận rộn với việc nhập hàng, xử lý các đơn đặt hàng… Công việc buôn bán đã đem lại nguồn thu nhập mỗi tháng 3-4 triệu đồng cho Gia Hân.

Chia sẻ niềm vui khi thấy con gái có ý thức tự lập, chị Huyền cho biết, chị luôn khuyến khích con gái mạnh dạn thử sức với ước mơ riêng nhưng vẫn quan sát, đồng hành cùng con. Điều quan trọng với chị chính là dạy con biết trân trọng giá trị đồng tiền; động viên và tạo cho con niềm tin vào bản thân để vươn lên, vượt khó khăn, trở ngại trong cuộc sống…

Hiện nay, rất nhiều gia đình quan tâm hơn đến việc dạy và rèn cho con tính tự lập. Minh chứng là ngày càng có nhiều phụ huynh cho con đi học các lớp rèn kỹ năng sống, tham gia “học kỳ quân đội”… Theo các chuyên tâm lý, tự lập là một trong những tính cách cơ bản, đóng vai trò quan trọng giúp con trẻ lớn lên sẽ tự tin, vững vàng, thành công hơn trong cuộc sống. Giai đoạn tốt nhất là dạy trẻ từ nhỏ đến 12 tuổi và sẽ khó hơn nếu dạy con tự lập quá trễ. Tuy nhiên, mỗi trẻ có một tính cách khác nhau. Tùy điều kiện, hoàn cảnh gia đình, tính cách từng trẻ mà các bậc phụ huynh có phương pháp nuôi dạy con hợp lý nhất. Và hơn hết, dạy con tự lập là quá trình dài đòi hỏi các bậc phụ huynh cần kiên nhẫn đồng hành, giúp con rèn luyện thói quen tự lập từ những điều đơn giản. Trẻ có ý thức tự lập càng sớm thì càng dễ thích nghi và nhanh chóng trưởng thành hơn.

Bài, ảnh: MÂY HỒNG

Chia sẻ bài viết