21/07/2024 - 07:41

Kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam (21/7/1954-21/7/2024)

Dấu son của ngoại giao Việt Nam 

Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam trên con đường bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ. Qua đó, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Ðảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của Mỹ; đặc biệt là khẳng định thắng lợi của đường lối đối ngoại nhất quán nguyên tắc độc lập, tự chủ vì lợi ích quốc gia, dân tộc.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Hiệp định Giơnevơ. Nguồn ảnh: tuyengiao.vn

Ngay từ khi thực dân Pháp quay lại xâm lược Ðông Dương, Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương ngăn chặn chiến tranh, giải quyết các vấn đề bằng biện pháp hòa bình. Chính phủ Việt Nam đã ký với Chính phủ Pháp Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14-9-1946. Thế nhưng, với bản chất hiếu chiến, thực dân Pháp đã liên tiếp lấn tới, đẩy mạnh chiến tranh, buộc nhân dân Việt Nam phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ nền độc lập tự do vừa giành được.

Ngày 1-5-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam mở đợt tấn công cuối cùng vào Ðiện Biên Phủ. Chỉ sau 1 ngày Chiến dịch Ðiện Biên Phủ toàn thắng, ngày 8-5-1954, Hội nghị Giơnevơ bắt đầu thảo luận về vấn đề Ðông Dương.

Hội nghị gồm 9 bên tham gia: Liên Xô, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào và Vương quốc Campuchia. Hội nghị diễn ra qua 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1 (từ 8-5 đến 19-6-1954), bên cạnh trao đổi chương trình nghị sự, các đoàn trình bày lập trường của mình về giải pháp cho vấn đề Việt Nam và Ðông Dương. Trong giai đoạn này, trước nhiều ý kiến bất lợi tại Hội nghị, đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Ðồng làm trưởng đoàn yêu cầu phải có sự tham dự của đại diện Chính phủ kháng chiến Lào và Campuchia. Ðồng thời, yêu cầu đình chỉ chiến sự trên toàn bán đảo Ðông Dương đi đôi với một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam, vấn đề Lào và vấn đề Campuchia trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước.

Ngày 25-5-1954, trong phiên họp hẹp, Trưởng đoàn Việt Nam Phạm Văn Ðồng đưa ra 2 nguyên tắc cho vấn đề đình chiến: một là ngừng bắn hoàn toàn trên toàn cõi Ðông Dương; hai là điều chỉnh vùng trong mỗi nước, trong từng chiến trường trên cơ sở đất đổi đất để mỗi bên có những vùng hoàn chỉnh tương đối rộng lớn thuận lợi cho quản lý hành chính và hoạt động kinh tế. Ðại diện các bộ tư lệnh có liên quan nghiên cứu tại chỗ những biện pháp ngừng bắn để chuyển tới Hội nghị xem xét và thông qua.

Trong giai đoạn 2 (từ 20-6 đến 10-7-1954), hầu hết các trưởng đoàn về nước báo cáo, chỉ có trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở lại. Các quyền trưởng đoàn tổ chức các cuộc họp hẹp và họp Tiểu ban quân sự Việt - Pháp bàn vấn đề tập kết, chuyển quân, thả tù binh và việc đi lại giữa hai miền. Vấn đề phân định vĩ tuyến tại Việt Nam trở thành nội dung đàm phán chính với các hoạt động gặp gỡ, trao đổi quan điểm của các bên. Nhìn chung, các cuộc họp hẹp ở Giơnevơ trong giai đoạn này không có tiến triển gì đáng kể.

Ở giai đoạn 3 (từ ngày 11-7 đến 21-7-1954), Hội nghị đã diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi tay đôi, tay ba hoặc nhiều bên giữa các trưởng đoàn. Trong đó, vấn đề đàm phán về phân chia vĩ tuyến rất căng thẳng. Pháp khăng khăng vĩ tuyến 18, Việt Nam kiên quyết vĩ tuyến 16. Phải đến phiên họp chiều tối ngày 20-7-1954, các bên mới đi đến thỏa thuận lấy vĩ tuyến 17 làm giới tuyến. Thời hạn 2 năm tổng tuyển cử cũng như các hiệp định đình chỉ chiến sự tại Việt Nam, Lào và Campuchia và các vấn đề khác đều là sự giằng co giữa các bên.

Ngày 21-7-1954, Hội nghị Giơnevơ về hòa bình ở Việt Nam, Lào, Campuchia kết thúc. Trải qua 75 ngày đêm đàm phán với 31 phiên họp, trong đó có các phiên họp toàn thể, phiên họp cấp trưởng đoàn cùng nhiều cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Giơnevơ đã được ký kết với các nội dung quan trọng.

Về thỏa thuận chung cho 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia: công nhận và tôn trọng các quyền cơ bản của nhân dân ba nước Ðông Dương là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi nước, không can thiệp vào công việc nội bộ của mỗi nước. Ðình chỉ chiến sự trên toàn cõi Ðông Dương. Pháp rút quân khỏi lãnh thổ ba nước. Quân tình nguyện Việt Nam rút khỏi Lào và Campuchia. Không có căn cứ nước ngoài và không liên minh quân sự với nước ngoài. Tổng tuyển cử ở mỗi nước. Không trả thù những người hợp tác với đối phương. Trao trả tù binh và người bị giam giữ. Thành lập Ủy ban liên hợp, Ủy ban kiểm soát và giám sát quốc tế.

Ðối với riêng Việt Nam: những điều khoản về đình chỉ chiến sự và lập lại hòa bình: ngừng bắn, tập kết, chuyển quân được hai bên thực hiện trong thời hạn 300 ngày; chuyển giao khu vực, trao trả tù binh và thường dân bị giam giữ, đổi vùng, vấn đề mồ mả quân nhân hai bên tham chiến.

Những điều khoản về duy trì và củng cố hòa bình ở Việt Nam gồm: lập giới tuyến quân sự tạm thời ở vĩ tuyến 17 và khu phi quân sự (sông Bến Hải); không coi vĩ tuyến 17 là ranh giới chính trị hay lãnh thổ; cấm tăng viện nhân viên quân sự, bộ đội, vũ khí và dụng cụ chiến tranh khác vào Việt Nam; cấm xây dựng căn cứ quân sự mới; cấm hai miền không được gia nhập liên minh quân sự nào; cấm sử dụng mỗi miền để phục vụ cho bất kỳ chính sách quân sự nào.

Những điều khoản chính trị: vấn đề tổng tuyển cử để thống nhất đất nước, hiệp thương hai miền vào tháng 7-1955, tổng tuyển cử vào tháng 7-1956; tự do chọn vùng sinh sống; trong khi chờ đợi, không khủng bố, trả thù hay phân biệt đối xử với những người đã hợp tác với đối phương trong thời gian chiến tranh.

Hiệp định Giơnevơ đánh dấu sự kết thúc một chặng đường trong quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ để đi tới độc lập tự do của dân tộc. Việc ký kết dựa trên căn cứ và phần nào phản ánh đúng tương quan lực lượng giữa ta và địch trên chiến trường. Kết luận của Thường vụ Ðảng ủy Quân sự Trung ương năm 1988 nhấn mạnh: "Ký Hiệp định Giơnevơ là đúng lúc, kết thúc kháng chiến chống Pháp là phù hợp, phản ánh đúng so sánh lực lượng trên chiến trường và hoàn cảnh quốc tế lúc bấy giờ".

Hiệp định Giơnevơ là văn bản pháp lý quốc tế quan trọng. Lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được các nước lớn công nhận tại một hội nghị đa phương. Gần 20 năm sau, Hiệp định Paris năm 1973 đã khẳng định lại những cơ sở pháp lý quan trọng này: "Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Việt Nam đã công nhận".

Mô hình Cụm công trình Tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, thực hiện Hiệp định Giơnevơ, đang được xây dựng tại tỉnh Cà Mau. Ảnh: DUY KHÔI

Cùng với chiến thắng Ðiện Biên Phủ, Hiệp định Giơnevơ đã kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của Mỹ, giải phóng miền Bắc nước ta, tạo điều kiện xây dựng miền Bắc trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Hiệp định Giơnevơ đã thể hiện bản lĩnh của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam. Lần đầu tiên tham gia vào một hội nghị đa phương trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, các nước lớn tham gia hội nghị đều có mục tiêu và lợi ích riêng nhưng đoàn đàm phán của ta đã phát huy chiến thắng trên chiến trường, phát huy sức mạnh chính nghĩa của dân tộc, kiên định về nguyên tắc nhưng mềm dẻo về sách lược để giành được những kết quả quan trọng trên bàn Hội nghị.

70 năm trôi qua, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều thay đổi nhưng Hội nghị Giơnevơ vẫn để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau. Ðó là dấu son chói lọi của ngoại giao Việt Nam. Phát huy tinh thần Hiệp định Giơnevơ trong bối cảnh ngày nay, đất nước ta đã đạt được những thắng lợi vẻ vang và những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, như lời phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị ngoại giao lần thứ 32: "Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như ngày nay".

PV

----------------

Bài viết tổng hợp từ Ðề cương Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày ký Hiệp định Giơnevơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương

Chia sẻ bài viết