31/07/2013 - 10:34

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị rối loạn tâm thần và cách xử trí

Bạn có thể biết được khi nào con bạn không khỏe về mặt thể chất nhưng khó có thể nhận ra khi nào trẻ mắc phải một căn bệnh về tâm thần. Theo báo cáo gần đây của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, số lượng trẻ bị rối loạn tâm thần đang ngày càng gia tăng. Do đó, việc nhận biết các dấu hiệu rối loạn tâm thần và cách ứng phó đóng vai trò rất quan trọng trong việc ngăn ngừa và điều trị bệnh.


Tiến sĩ Elizabeth Waterman, một nhà tâm lý học lâm sàng tại Trung tâm Phục hồi Morningside (Mỹ), cho biết các dấu hiệu rối loạn tâm thần ở trẻ khác nhiều so với ở người lớn. Chẳng hạn, trầm cảm thường xuất hiện khi trẻ bị kích động, lo âu hay sau khi khóc. Theo ông, thanh thiếu niên bị trầm cảm thường sống khép kín và cách ly với bạn bè, thậm chí có thể xung đột với cả cha mẹ. Còn trẻ nhỏ bị trầm cảm thường lo lắng rất nhiều, sợ ngủ hoặc ở một mình và rất dễ bị tổn thương.

Phụ huynh cũng nên đặc biệt chú ý những dấu hiệu bất thường ở con mình như:

 

- Hiếu động thái quá: Khó tập trung, không hoàn thành bài tập về nhà, không khi nào chịu ngồi yên cũng như không tuân thủ các quy định chung.

- Hành xử kém tại trường học: Điểm số thấp, thường xuyên "than" đau bụng và nhức đầu, đưa ra nhiều lý do để trốn học, có nhiều thay đổi trong hành vi ứng xử. Không quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa.

- Thay đổi về giấc ngủ: Ngủ quá nhiều hoặc quá ít.

- Ăn uống và tập luyện: Ăn quá nhiều hoặc quá ít, tập thể dục quá nhiều, dùng thuốc nhuận tràng.

- Cảm xúc: Tâm trạng thay đổi thất thường, dễ kích động và giận dữ.

- Bốc đồng: Chạy xe ẩu, tập tành uống rượu, hút thuốc, sử dụng ma túy...

- Luôn tỏ ra lo lắng hoặc hoang mang, cảm thấy bản thân vô dụng, bất lực, vô vọng và buồn chán.

- Có hành vi phá hoại tài sản, vi phạm pháp luật, ngược đãi động vật.

- Luôn nói về cái chết, không muốn sống và có ý nghĩ tự tử.

Theo các chuyên gia tâm lý, nếu con của bạn mắc các dấu hiệu rối loạn tâm thần kể trên, điều bạn cần làm là:

- Kiểm tra sức khỏe cho trẻ. Theo chuyên gia tâm lý Diane Lang, bạn nên sắp xếp một cuộc hẹn với bác sĩ nhi khoa để kiểm tra thể chất của trẻ, chứng rối loạn học tập cũng như chứng tự kỷ vốn rất giống với rối loạn tâm thần.

- Nhờ chuyên gia tư vấn. Khi có được đánh giá về tình trạng của con, bạn đừng vội kết luận bệnh, vì có thể "hành vi của trẻ xuất phát từ kỹ năng làm cha mẹ của bạn chưa tốt". Vì vậy, bạn nên tìm một bác sĩ chuyên khoa hoặc một nhà tâm lý để họ giúp chẩn đoán bệnh một cách chính xác, đưa ra phương án điều trị, giới thiệu liệu pháp áp dụng tại nhà hoặc giúp bạn cải thiện kỹ năng làm cha mẹ.

- Không đề cập đến bệnh tình trước mặt trẻ. Theo Tiến sĩ Waterman, bạn nên tránh nhắc những từ như "trầm cảm" hay "rối loạn lo âu" do chúng có thể tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Thay vào đó, hãy nói với trẻ về các triệu chứng và giải thích rằng trẻ đang được giúp đỡ để vượt qua, điều này khiến trẻ không quá lo lắng.

- Tìm hiểu về bệnh. Thông thường, cha mẹ không thực sự hiểu con họ đang cảm thấy như thế nào và làm sao có thể giúp chúng. Đó là lý do vì sao việc tìm hiểu về rối loạn của trẻ đóng vai trò rất quan trọng. "Nếu phụ huynh biết được trẻ đang trải qua những gì, họ có thể biết cách ứng phó tốt hơn" – chuyên gia Lang nói.

- Chia sẻ với mọi người. Việc chia sẻ với các bậc phụ huynh khác, những người đã từng trải nghiệm những điều tương tự, có thể giúp bạn đối phó với bệnh.

- Hy vọng. Theo chuyên gia Lang, bệnh tâm thần có thể chữa được. Phụ huynh nên tin rằng với sự trợ giúp của các chuyên gia, tình trạng của trẻ sẽ tốt hơn.

TRÍ VĂN (Theo Fox News)

Chia sẻ bài viết