Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 40 di tích lịch sử, trong đó có 12 di tích cấp quốc gia, ghi dấu một thời bảo vệ đất nước, chống xâm lược của quân dân vùng đất cuối trời Tổ quốc. Không chỉ có những căn cứ địa nơi vùng bưng mà ngay trong lòng địch, ta vẫn tạo được cơ sở hoạt động cách mạng, điển hình là Nhà Dây Thép.
Di tích cấp Quốc gia Nhà Dây Thép.
Nhằm phục vụ thông tin nội bộ cho bộ máy cai trị và khai thác thuộc địa, năm 1910 thực dân Pháp đã xây dựng Nhà Dây Thép. Tháng 1-1930, tổ chức Đảng đầu tiên ở thị trấn Cà Mau được thành lập, công tác thông tin liên lạc còn khó khăn, đường dây liên lạc giữa chi bộ Đảng tại cơ sở với Xứ ủy Nam Kỳ vẫn chưa thông suốt. Trong tình thế đó, các chiến sĩ cách mạng đã dùng Nhà Dây Thép làm đầu mối liên lạc cơ sở Đảng, đồng thời cũng là điểm tiếp nhận những chỉ thị, nghị quyết của Đảng để triển khai đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nhờ thông tin liên lạc kịp thời, nên sự lãnh, chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ đã giúp cơ sở đảng Cà Mau hoạt động có kinh nghiệm hơn, thuận lợi hơn, cũng như củng cố và xây dựng lực lượng kháng chiến. Cuối năm 1938, quận Cà Mau đã phát triển 15 chi bộ với hơn 80 đảng viên, các tổ chức cách mạng như: Đoàn Thanh niên Tân Tiến, Hội Phụ nữ Dân chủ, một số tập đoàn thợ thầy (thợ may, hớt tóc, thợ bạc…) phát triển lớn mạnh. Qua sự vận động của các tổ chức cách mạng, nhiều cuộc đấu tranh trong quần chúng nhân dân đã diễn ra và giành thắng lợi.
Phục dựng các buổi thông tin liên lạc.
Tháng 4-1937, gần 2.000 dân ở các xã bị bắt xây đắp đường từ Cà Mau đi Năm Căn đã đấu tranh đòi bọn chủ thầu phải tăng tiền công, cho uống nước sạch và phải có thuốc trị bệnh. Liên tiếp các năm 1936, 1937, hàng trăm nông dân đã đứng lên đấu tranh đòi địa chủ trả lại đất. Điển hình là cuộc biểu tình ngày 4-10-1938 của hơn 800 nông dân các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer… ở thị trấn Cà Mau và các xã lân cận đòi được giải quyết việc làm, bãi bỏ thuế thân… đã gây chấn động dư luận trong nước.
Không chỉ là “cầu nối” khởi nguồn các cuộc đấu tranh nhân dân mà Nhà Dây Thép còn là điểm xuất phát đầu tiên của ngành thông tin liên lạc Cà Mau. Người có công lớn trong việc vận dụng nơi làm việc của Pháp làm điểm thông tin liên lạc cho cách mạng là đồng chí Lê Tồn Khuyên. Dưới vỏ bọc là nhân viên Nhà Dây Thép, đồng chí Lê Tồn Khuyên đã đảm bảo liên lạc giữa các cơ sở đảng ở Cà Mau với Đặc ủy Hậu Giang, Xứ ủy Nam Kỳ được liên tục, kịp thời chuyển giao những chỉ thị của cấp trên xuống, đảm bảo an toàn cho nhiều hoạt động, góp phần củng cố và phát triển lực lượng cách mạng, nhân rộng ảnh hưởng chính trị, gây được tiếng vang trong dư luận, làm tiền đề cho các phong trào cách mạng lớn sau này như: Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, Cách mạng Tháng Tám 1945.
Phục dựng sinh hoạt của đồng chí Lê Tồn Khuyên tại Nhà Dây Thép.
Nhà Dây Thép tọa lạc tại góc đường Lê Lợi - Lý Bôn, phường 2, TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau, hiện là Di tích cấp Quốc gia (được công nhận theo Quyết định số 1710/QĐ-BVHTTDL ngày 2-6-2011 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Theo ông Nguyễn Duy Linh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, bảo tồn di tích thuộc Bảo tàng tỉnh Cà Mau, do điều kiện hoạt động bí mật nên các di vật trong di tích không còn được lưu giữ, mà hiện nay Bảo tàng tỉnh đã phục chế các hiện vật, tài liệu, hình ảnh có liên quan đến di tích, đồng thời trưng bày hoàn chỉnh tại di tích, phục vụ tốt cho du khách tham quan nghiên cứu.
Vì là điểm xuất phát đầu tiên của ngành thông tin liên lạc Cà Mau, nên Di tích Nhà Dây Thép được giao cho Viễn thông Cà Mau quản lý và bảo vệ. Đây là điểm sinh hoạt của đơn vị để tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống Bưu điện, kết nạp đoàn viên mới, lễ trưởng thành đoàn viên… Đồng thời, mở cửa đón khách tham quan vào những dịp lễ, Tết, các ngày kỷ niệm của đất nước, địa phương. Tại di tích không chỉ diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa mà còn là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau về cuộc đấu tranh ngoan cường của Đảng bộ, quân và dân Cà Mau trong kháng chiến vệ quốc.
Bài, ảnh: MAI ANH