10/07/2019 - 10:27

Dập tắt dịch tả heo châu Phi và hỗ trợ nông dân tái đàn 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), từ khi ổ bệnh dịch tả heo châu Phi (DTHCP) xuất hiện đầu tiên ngày 1-2-2019 tại Hưng Yên, đến đầu tháng 7 đã tròn 5 tháng. Cả nước đã phải tiêu hủy 2,8 triệu con heo nhiễm bệnh, chiếm 10% tổng đàn heo cả nước, tương đương 166.000 tấn. Hiện nay, DTHCP vẫn xảy ra ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ và đã có một vài địa phương khống chế dịch bệnh không để lây lan. Tuy nhiên, nguy cơ bệnh dịch chưa dừng lại mà vẫn đe dọa tới ngành chăn nuôi. TP Cần Thơ cũng như các địa phương khác trên cả nước tăng cường các giải pháp phòng ngừa lây lan, dập tắt bệnh dịch và hỗ trợ nông dân sớm tái đàn.

Đàn heo nuôi của hộ dân tại huyện Vĩnh Thạnh được chăm sóc kỹ lưỡng, phòng tránh bệnh DTHCP.

► Thiệt hại nặng nề…

Ở TP Cần Thơ, bệnh DTHCP xuất hiện từ ngày 23-5-2019 trên đàn heo của 2 hộ dân tại phường Phú Thứ, quận Cái Răng với kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút DTHCP. Đến ngày 3-7-2019, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 429 hộ chăn nuôi heo thuộc 51 xã, phường của 9 quận, huyện. Tổng số heo trong ổ dịch là 12.235 con, số heo bệnh là 5.408 con, chết 2.522 con, số heo tiêu hủy là 11.770 con; số heo đang tiếp tục theo dõi tại 21 hộ chăn nuôi là 666 con.

Ông Lê Huy Hoàng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện nay, công tác kiểm dịch động vật của địa phương vẫn tiếp tục thực hiện kiểm soát chặt 24/24 giờ về vận chuyển heo, sản phẩm heo qua các cửa ngõ giao thông và trên toàn thành phố. Đối với người dân, ngành thú y vận động, yêu cầu thực hiện nghiêm túc 5 không trong phòng, chống DTHCP, đó là: Không giấu dịch; không mua bán heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường và không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý để phục vụ chăn nuôi…”.

 Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Cần Thơ, toàn thành phố hiện có tổng đàn heo 122.254 con, phát triển đạt 89,89% kế hoạch năm; đàn bò 4.925 con, vượt 12,96% kế hoạch; đàn gia cầm 1.899.530 con, đạt 99,98% kế hoạch. Đến nay, sản lượng thịt hơi các loại 22.766 tấn, đạt 60,71% kế hoạch, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Thời gian qua, công tác chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được ngành thú y quan tâm thực hiện. Qua đó, trên địa bàn thành phố không xảy ra dịch bệnh tai xanh ở heo và dịch cúm gia cầm. Tuy nhiên, một ổ dịch bệnh lở mồm long móng trên heo xảy ra tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ (đã được dập tắt) và đến nay thành phố phải nỗ lực phòng chống lây lan, dập tắt bệnh DTHCP.

Huyện Vĩnh Thạnh là địa phương xuất hiện bệnh DTHCP sau cùng trên địa bàn TP Cần Thơ. Do đó, bệnh dịch này bắt đầu lây lan, phát triển từng ngày. Tính đến ngày 5-7-2019, bệnh DTHCP đã xảy ra tại 4 xã: Thạnh Lợi, Thạnh Thắng, Vĩnh Trinh và xã Thạnh Lộc, tổng đàn là 213 con với tổng trọng lượng trên 15.000kg. Ông Võ Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Hiện địa phương có tổng đàn heo lớn nhất của thành phố, với 26.441con. Bệnh DTHCP xuất hiện tại huyện trễ hơn các quận, huyện khác (vào cuối tháng 6-2019) là cả nỗ lực của địa phương, ngành thú y trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn hộ chăn nuôi phòng ngừa bệnh dịch. Công tác tiêm phòng bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y sẽ được địa phương quan tâm thực hiện thường xuyên trong thời gian tới, nhằm ngăn chặn và dập tắt bệnh dịch”.

► Giải pháp hỗ trợ tái đàn   

Ngành thú y TP Cần Thơ và các quận, huyện đã và đang thực hiện các giải pháp phòng, chống DTHCP theo quy định, như: Tiến hành tiêu hủy toàn bộ số heo trong ổ dịch; rà soát, thống kê đàn nguy cơ, điều tra dịch tễ; lập chốt tạm thời kiểm soát việc vận chuyển, mua bán, giết mổ; tổ chức tiêu độc chống dịch khẩn cấp tại các vùng dịch, vùng uy hiếp, vùng đệm; phát tờ rơi tuyên truyền “Hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng ở gia súc” và “Phòng, chống bệnh DTHCP”… Đặc biệt, TP Cần Thơ triển khai Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27-6-2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh DTHCP, nhằm tạo điều kiện cho nông dân tái đàn khi bệnh dịch được dập tắt...

Theo quyết định trên, người chăn nuôi, hộ nông dân, chủ trang trại, gia trại, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất trong lĩnh vực chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy do DTHCP sẽ được hỗ trợ 25.000 đồng/kg đối với heo con, heo thịt các loại. Riêng đối với heo nái, heo đực đang khai thác sẽ được hỗ trợ 30.000 đồng/kg.

Hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ số 04/2017/QH14 ngày 12-6-2017 (không bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) có heo buộc phải tiêu hủy được hỗ trợ 8.000 đồng/kg đối với heo con, heo thịt các loại và 10.000 đồng/kg đối với heo nái, heo đực đang khai thác. Tuy nhiên, mức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tối đa không quá 30% số lỗ do dịch bệnh sau khi đã sử dụng các quỹ dự phòng và tiền bồi thường bảo hiểm (nếu có).

Hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi nhỏ và vừa theo tiêu chí quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ số 04/2017/QH14 ngày 12-6-2017 (không bao gồm doanh nghiệp vừa và nhỏ là công ty con hoặc là công ty có vốn cổ phần chi phối của doanh nghiệp lớn) và chủ hộ nuôi giữ heo giống cụ kỵ với mức 500.000 đồng/con đến ngày 31-12-2019 nhằm nâng cao các biện pháp an toàn sinh học, sát trùng tiêu diệt các loại mầm bệnh đảm bảo duy trì đàn heo giống phục vụ tái đàn khi kiểm soát được dịch bệnh…

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Ngoài các hoạt động hỗ trợ, tuyên truyền, ngăn chặn DTHCP lây lan, thời gian qua ngành nông nghiệp thành phố và các quận, huyện còn thực hiện nghiêm túc công tác thống kê, lập biên bản, ghi nhận số heo bị tiêu hủy do bệnh dịch. Việc triển khai Quyết định số 793/QĐ-TTg sẽ được thành phố thực hiện nghiêm túc, đúng quy định và nêu cao tính công khai minh bạch, chống tiêu cực trong thực hiện…”.

Theo Bộ NN&PTNT, các đề tài nghiên cứu vắc-xin chống bệnh DTHCP của Học viện Nông nghiệp Việt Nam bước đầu đã có kết quả khả quan. Sau thời gian nghiên cứu, đến nay học viện đã có sản phẩm vắc-xin DTHCP vô hoạt thế hệ mới, tiến hành tiêm thử nghiệm tại 3 trại heo bị DTHCP thuộc 3 hộ gia đình tại vùng dịch của Hưng Yên. Kết quả có 16/18 heo nái và 15 heo thịt của 3 hộ gia đình này đều sống khỏe sau hơn 2 tháng, một số heo nái đã đẻ và heo con khỏe mạnh. Trong khi những con heo không được tiêm vắc-xin đều chết do DTHCP. Đây là những thông tin rất khả quan, làm tiền đề cho nghiên cứu sâu về vắc-xin DTHCP thời gian tới.

Công ty Navetco cũng đang nghiên cứu nhiều nhóm giải pháp khác nhau, thử nghiệm trên đàn heo bước đầu cho thấy những kết quả rất triển vọng và khoảng đầu tháng 8-2019 sẽ có kết quả cụ thể. Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các đơn vị nghiên cứu cố gắng đẩy nhanh nhất tiến độ thực hiện, khẳng định kết quả để có thể đưa vắc-xin chống bệnh DTHCP đến ngành chăn nuôi của cả nước và góp phần dập tắt bệnh dịch.

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết