Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ vừa khảo sát hoạt động Đờn ca tài tử (ĐCTT) tại 9 quận, huyện của thành phố. Đây là động thái nhằm củng cố phong trào ĐCTT, thực hiện Đề án “Bảo vệ và phát huy nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tại TP Cần Thơ, giai đoạn 2016 - 2020”, cũng như tạo nền tảng cho Festival ĐCTT quốc gia năm 2020 được tổ chức tại Cần Thơ. Trao đổi sau đợt khảo sát, ông Huỳnh Nhật Danh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa TP Cần Thơ, thông tin:
- Hiện tại, trên địa bàn TP Cần Thơ có khoảng 285 Câu lạc bộ (CLB) ĐCTT; trong đó có: 65 CLB mạnh, 115 CLB khá, 79 CLB trung bình và 29 CLB yếu. Có 4 Nghệ nhân ưu tú, khoảng 40 thành viên dưới 18 tuổi đang sinh hoạt trong các CLB (trong đó có 38 người ca và 2 người đờn).
Ước tính, tổng dân số Cần Thơ khoảng 1,4 triệu người, nhưng chỉ có khoảng 40 thành viên dưới 18 tuổi tham gia sinh hoạt ĐCTT. Theo tôi, đây là con số còn khiêm tốn!
* Xin ông nói rõ hơn về những khó khăn của phong trào ĐCTT Cần Thơ hiện nay?
- Đa phần các CLB ĐCTT của 9 quận, huyện đều có nghệ nhân ca nhưng lại khan hiếm nghệ nhân đờn. Hầu hết các địa phương đều thiếu cơ sở vật chất như: không có địa điểm sinh hoạt cố định; nhạc cụ, âm thanh, ánh sáng đa phần là của thành viên CLB… Kinh phí cho hoạt động ĐCTT của các địa phương còn rất thấp, không đảm bảo cho việc đầu tư tổ chức các hoạt động định kỳ. Công tác vận động xã hội hóa gặp nhiều khó khăn.
Nghệ nhân của các CLB đa phần lớn tuổi, sức khỏe yếu, không thể đảm bảo xuyên suốt hoạt động của CLB. Số nghệ nhân khác do khó khăn về kinh tế, phải làm thêm kiếm sống, học sinh thì bận học… nên hạn chế việc tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo, truyền nghề và sinh hoạt thường xuyên theo quy định của các CLB hay các chương trình của địa phương tổ chức.
Mặt khác, các nghệ nhân sinh hoạt ĐCTT còn hạn chế về nhịp, không nắm vững 20 bài bản Tổ, do chưa qua đào tạo, chủ yếu thích, tự học hỏi và đờn, hát theo quán tính nên dần thành thói quen khó khắc phục.
Bên cạnh đó, thực trạng nhu cầu giải trí về tinh thần ngày nay rất phong phú và đa dạng, giới trẻ đa phần thích tân nhạc, ĐCTT ngày càng ít người thưởng thức.
ĐCTT phục vụ du khách tại Ngày hội Du lịch sinh thái Phong Điền 2017. Ảnh: DUY KHÔI
* Dù vậy, Cần Thơ vẫn có những điểm sáng về ĐCTT. Ông ghi nhận điều này thế nào trong đợt khảo sát vừa qua?
- Đúng vậy, khó khăn có nhiều nhưng cũng có không ít nghệ nhân luôn nuôi nấng niềm đam mê, cố tâm “gìn vàng giữ ngọc” cho ĐCTT.
Gần đây, nổi lên nhiều “lò” ĐCTT hoạt động khá hiệu quả. Đơn cử như Trung tâm Văn hóa- Thể thao (VH-TT) quận Thốt Nốt có 2 lớp dạy ca tài tử, cải lương cho người lớn và trẻ em dưới 18 tuổi, tổng số học viên là 20 người do Nghệ nhân ưu tú Kiều Nga truyền nghề. Ở một số phường của Thốt Nốt như Trung Kiên, Thới Thuận… các nghệ nhân đờn lớn tuổi cũng mở lớp dạy đờn và ca tại nhà riêng.
Còn ở Trung tâm VH-TT huyện Thới Lai có nghệ nhân đờn Hai Lợi dành nhiều thời gian và tâm huyết để tìm kiếm, truyền dạy cho thế hệ kế thừa… Với nghệ nhân trẻ Nguyễn Văn Cường (Trung tâm VH-TT huyện Phong Điền), anh luôn tìm kiếm những nhân tố năng khiếu để truyền dạy kinh nghiệm đờn ca, tạo nguồn cộng tác viên cho đơn vị mỗi khi có liên hoan, hội thi, hội diễn.
Ngoài ra, còn có một số mô hình tiêu biểu đáng ghi nhận như ở CLB ĐCTT Mỹ Nương (Trung Kiên- Thốt Nốt), sinh hoạt mỗi tối tại quán cà phê của Chủ nhiệm CLB, bà con đến xem rất đông. Hay CLB ĐCTT xã Trung Hưng (huyện Cờ Đỏ), sinh hoạt tại quán cà phê của Chủ nhiệm CLB, được tài trợ âm thanh, ánh sáng, và có cả sân khấu biểu diễn.
CLB ĐCTT Hương Quê (huyện Phong Điền) đã xây dựng một mô hình sinh hoạt, truyền nghề khá hay: Mỗi tháng sinh hoạt một lần; mỗi lần sinh hoạt, các hội viên tập hát một bài tài tử nằm trong 20 bài bản Tổ, hạn chế hát vọng cổ nhịp 32, đặt yếu tố ca tài tử lên trên hết.
* Cần Thơ là vùng đất có truyền thống ĐCTT. Bức tranh ĐCTT hiện tại còn nhiều gam màu tươi sáng. Vậy, địa phương sẽ làm gì để vực dậy phong trào này, thưa ông?
- Theo tôi, điều quan trọng nhất là củng cố phong trào theo hướng nâng chất, không chạy theo số lượng. CLB nào hoạt động hiệu quả thì duy trì còn nếu hoạt động không hiệu quả hay ít thành viên thì nên gom lại để tập trung cải thiện chất lượng.
Mỗi CLB ĐCTT ở ấp, khu vực, chọn từ 1- 2 nghệ nhân nổi trội để thành lập một CLB nòng cốt trực thuộc Trung tâm VH-TT quận, huyện, nhằm bồi dưỡng chuyên môn cũng như truyền nghề, tạo nguồn cho đơn vị tham gia giao lưu, liên hoan tại địa phương, tham gia hội thi, hội diễn cấp thành phố.
Các địa phương tiếp tục rà soát hoạt động này ở địa phương mình, xem có bao nhiêu nghệ nhân đờn và mỗi nghệ nhân chơi được mấy loại nhạc cụ; tìm nhân tố mới để tạo nguồn cho địa phương, nhất là những cá nhân biết hát và đờn dưới 18 tuổi, đặc biệt là nghệ nhân đờn.
Từ đó xây dựng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho các CLB. Các quận, huyện cũng cần thường xuyên tổ chức giao lưu giữa các CLB ĐCTT với nhau để tăng tính đoàn kết, tạo sân chơi và sức lan tỏa cho phong trào.
Chúng tôi khuyến khích các CLB ĐCTT đăng ký chương trình biểu diễn nghệ thuật thời lượng khoảng 60 phút để biểu diễn phục vụ du khách tại Bến Ninh Kiều vào tối thứ bảy hằng tuần.
Biểu diễn ĐCTT cũng cần các địa phương quan tâm, hỗ trợ đưa vào các khu du lịch, vừa quảng bá đến du khách, vừa tạo sân chơi, tăng thu nhập cho nghệ nhân. Bên cạnh đó, việc rà soát, đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú sẽ được chú tâm.
Cần Thơ sẽ đăng cai Festival ĐCTT quốc gia vào năm 2020. 20 tỉnh, thành Nam bộ sẽ hội ngộ và đến 9 quận, huyện biểu diễn và giao lưu. Vì vậy, ngay thời điểm này, các CLB trên địa bàn TP Cần Thơ cần củng cố hoạt động, nhằm mang đến cho các tri kỷ, tri âm những ấn tượng đẹp.
* Xin cảm ơn ông!
ĐĂNG HUỲNH (thực hiện)