02/10/2022 - 18:11

Đảng viên đi trước!
Bài cuối: Nêu cao vai trò đảng viên cao niên là người dân tộc Khmer 

 Nhóm PV Báo Cần Thơ tiếng Khmer

Giàu kinh nghiệm, có nhiều năm đóng góp cho xã hội, trải qua nhiều lĩnh vực, môi trường công tác, có trình độ, hiểu biết sâu rộng… những đảng viên cao niên dân tộc Khmer khi về hưu được bầu chọn làm người có uy tín. Và, với cương vị mới, nhiều đảng viên cao niên tiếp tục tiên phong trong các phong trào ở địa phương.

Vợ chồng ông Kim Chô (bên trái) đang trao đổi ý kiến với Bí thư Chi bộ ấp Xoài Thum.

1. Là người nhiệt tình với công việc, gần gũi với bà con phật tử, ngày 1-10-2003, ông Kim Chô, thư ký chùa Xoài Xiêm Cũ, ấp Xoài Thum, xã Ngãi Xuyên, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Ðảng. Năm 2020, ông được chính quyền địa phương và người dân kính trọng, bầu chọn là người có uy tín.

Cùng với sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương, sự quan tâm của ông Kim Chô đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo ở ấp Xoài Thum. Ông tích cực vận động bà con Khmer trong ấp thực hiện các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định, các phong trào địa phương phát động và ông cũng là người tiên phong gương mẫu hiến hơn 1.000m2 đất để làm đường, làm công trình thủy lợi.

Ông Kim Chô bộc bạch: “Ðất rất quý nhưng tôi xác định, muốn địa phương phát triển đi lên, mỗi người dân phải gương mẫu, nhất là đảng viên cao tuổi. Vì vậy, tôi tự nguyện hiến trên 1.000m2 đất để xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi... Với vai trò là người có uy tín ở ấp, được nhân dân bình chọn, tôi không ngừng phát huy vai trò của mình, nêu gương sáng, đi đầu trong việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tôi cũng giành thời gian để tuyên truyền, giải thích, vận động đồng bào đề cao tinh thần cảnh giác, không nghe kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo, kích động, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương...”.

Ông Kim Chô còn tuyên truyền giúp bà con thấy được hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp để mạnh dạn đưa cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Ðại đức Thạch Sa, phó Trụ trì chùa Xoài Xiêm, nhận xét: Ông Kim Chô là thư ký chùa Xoài Xiêm và là người có uy tín ở địa phương. Ông luôn sâu sát, quan tâm đến việc học hành của các sư sãi trong chùa, quan tâm đến đời sống của bà con phật tử trong bổn đạo, nên được sư sãi và bà con phật tử rất kính nể. Sự gương mẫu và đóng góp của ông Chô, được xã, huyện khen thưởng, được nhân dân bầu làm người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số ở ấp Xoài Thum nhiều năm qua.

Bà Thạch Thị Hồng Vân, Bí thư Chi bộ ấp Xoài Thum, cho biết: “Ấp có trên 96% đồng bào Khmer. Những việc làm của chú Kim Chô đã kết nối, giúp các hộ gia đình trong khu vực nội đồng của ấp hiểu được lợi ích thiết thực, lâu dài của việc làm đường nông thôn. Chú Kim Chô là người có uy tín nên ý kiến của chú đưa ra đều được bà con đồng tình ủng hộ. Hầu như những vấn đề tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình nào ở ấp, chú đều hòa giải thành công. Ngoài ra, chú còn giúp bà con nông dân trong ấp thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con”.

Ông Nguyễn Khánh Hòa, Bí thư Ðảng ủy xã Ngãi Xuyên, nhận xét: “Chú Kim Chô làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền pháp luật của Ðảng và Nhà nước đến với đồng bào dân tộc. Chú luôn nêu cao vai trò của đảng viên cao niên, gương mẫu, hết lòng với bà con dân tộc thiểu số. Chú thật sự là cầu nối giữa bà con với chính quyền địa phương, tạo thuận lợi để bà con phát triển mọi mặt. Những đóng góp của chú góp phần khơi dậy tinh thần tự giác xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là trong vùng đồng bào Khmer”.

2. Năm 2010 khi về hưu, chú Huỳnh Nê ở ấp Khoan Tang, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng, được Hội Khuyến học vận động tham gia Hội. Từ đó, chú tiếp tục đóng góp công sức vào sự nghiệp giáo dục, giúp đỡ học sinh khó khăn tiếp tục đến trường.

Chú Huỳnh Nê cho biết: “Trước đây tôi làm giáo viên, khi già vẫn được lãnh đạo tin tưởng, động viên tiếp tục cống hiến cho giáo dục nên rất vui và tự hào. Còn ở địa phương, tôi được bà con Khmer tin tưởng lựa chọn làm người uy tín. Dù trong vai trò nào cũng phải gương mẫu để xứng đáng lòng tin của lãnh đạo, của bà con Khmer”.

Ở tuổi 74, chú Huỳnh Nê vẫn vui vẻ làm tốt vai trò tiên phong của đảng viên cao niên ở địa phương.

Trong gia đình, chú Nê luôn giáo dục con cháu ngoan hiền, tôn trọng, thương yêu và giúp đỡ những người xung quanh, nhất là người có hoàn cảnh khó khăn, gặp bất hạnh trong cuộc sống. Thương người, hết lòng vì cộng đồng nên chú luôn được bà con người tôn kính. Nhiều năm nay, với danh dự, uy tín của bản thân, chú đã vận động bà con tham gia xây dựng xã hội học tập, xây dựng nông thôn mới ở địa phương, nhất là vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ trang thiết bị học tập cho các trường, học bổng cho học sinh còn khó khăn. Theo đó, từ năm 2012 đến 2020, chú Huỳnh Nê vận động được trên 1,7 tỉ đồng để hỗ trợ 20 tivi, 15 bộ máy vi tính cho các trường, 103 chiếc xe đạp, 40 cái cặp, 671 suất học bổng, hơn 25.000 cuốn tập hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học. Chú Huỳnh Nê còn vận động bà con Khmer trong ấp dọn dẹp nhà cửa, trồng hoa dọc theo tuyến đường giao thông; đốn cây, hàng rào lấn chiếm lề đường giao thông nông thôn... Riêng chú đã hiến hơn 2.000m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn; vận động các vị Archa mở nhiều lớp dạy chữ Khmer cho học sinh học tại ấp Khoan Tang.

Năm nay, dù đã 74 tuổi nhưng chú Huỳnh Nê vẫn tích cực trong các hoạt động của Hội Khuyến học. Từ năm 2020 đến nay, bình quân mỗi năm chú vận động trao khoảng 20 chiếc xe đạp, 20 suất học bổng và nhiều dụng cụ học tập khác cho học sinh nghèo hiếu học. Chú Huỳnh Nê tâm sự: “Tôi từng nuôi 6 người con ăn học nên hiểu về học sinh khó khăn. Vì vậy, tôi luôn tích cực giúp đỡ con em đồng bào Khmer nghèo tiếp tục đến trường. Ðồng thời, phải làm tròn trách nhiệm người đảng viên, vai trò của người uy tín trong đồng bào Khmer”.

Bà Bùi Thị Mỹ Duyên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Long Phú, cho biết: “Chú Huỳnh Nê là người uy tín gương mẫu và được bà con Khmer tin tưởng. Bản thân chú và gia đình tích cực đóng góp trong phong trào của địa phương; tích cực vận động toàn dân đưa con em đến trường, nhất là tích cực đóng góp trong giữ gìn tiếng nói, chữ viết của dân tộc. Gia đình chú còn được công nhận gia đình hiếu học của tỉnh và 6 người con đều là bác sĩ, giáo viên”.

*

* *

Theo thống kê sơ bộ từ Vụ Ðịa phương III, Ủy ban Dân tộc, địa bàn 9 tỉnh, thành phố ở vùng ÐBSCL có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, có khoảng 24.600 đảng viên là người dân tộc thiểu số. Rất nhiều trong số ấy trở thành tấm gương tiêu biểu, tiền phong trong tất cả các mặt của đời sống xã hội; từ đó lan tỏa để củng cố thêm niềm tin của đồng bào đối với Ðảng, góp phần xây dựng Ðảng trong đồng bào dân tộc. Ðồng thời, đưa chính sách dân tộc bám rễ sâu hơn trong vùng đồng bào, đưa đời sống của đồng bào ngày càng khởi sắc, ấm no, hạnh phúc hơn.

Chia sẻ bài viết