21/06/2009 - 11:01

Kỷ niệm 84 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam ( 21/6/1925 - 21/6/2009)

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất cần những nhà báo có tâm, có tài

LTS: Nhân kỷ niệm lần thứ 84 Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2009), ngày 19-6, Đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đến thăm và làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam, đã có bài phát biểu quan trọng “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta rất cần những nhà báo có tâm, có tài’’. Báo Cần Thơ trân trọng trích giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang.

I- Những năm gần đây, báo chí nói riêng và hệ thống thông tin- truyền thông nói chung đã phát triển thành một lực lượng hùng hậu. Với gần 16 nghìn nhà báo được cấp thẻ hành nghề làm việc tại hơn 860 cơ quan báo chí, xuất bản được hơn 850 ấn phẩm báo chí. Hàng ngày, một khối lượng lớn thông tin đa dạng từ các tờ nhật báo, các đài phát thanh, truyền hình, báo điện tử với khả năng truyền tải rộng lớn, tức thì, đã thu hút được đông đảo công chúng không chỉ ở trong nước mà cả ở nước ngoài. Có thể nói, sự bùng nổ thông tin được dự báo khi bước vào thế kỷ 21 đã trở thành hiện thực trên đất nước ta. Điều đó không chỉ nói lên sự phát triển khoa học và công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu xã hội mà còn thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với lĩnh vực báo chí, thông tin. Báo chí không những đã tuyên truyền, cổ động, góp phần tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước mà còn trở thành một nguồn thông tin dồi dào, mang hơi thở cuộc sống, góp phần giúp cho các cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định chủ trương, chính sách kinh tế- xã hội, khoa học- kỹ thuật, văn hóa- nghệ thuật, đối ngoại...kiểm nghiệm hiệu quả và phát hiện những vướng mắc trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách ở các cấp, các ngành, các địa phương. Nhiều sự kiện trọng đại của đất nước được thông tin, phản ánh kịp thời, khá sâu sắc. Báo chí đã phát hiện, cổ vũ các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, các phong trào thi đua yêu nước trong nhân dân. Đồng thời, báo chí đã tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội; phản bác các âm mưu, thủ đoạn và luận điệu sai trái của các thế lực thù địch. Sự đóng góp của báo chí trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh được Đảng, Nhà nước và nhân dân ta ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, thời gian qua, báo chí còn không ít khuyết điểm, thiếu sót. Trước hết là tính định hướng trong thông tin của một số tờ báo có lúc chưa thể hiện đúng tôn chỉ, mục đích của mình. Không ít thông tin thiếu chọn lọc, lại không được kiểm chứng kỹ lưỡng cho nên lúc này hay lúc khác gây nhiễu dư luận. Còn có những tin tức giật gân, sa vào những việc bê bối, những chuyện hiếu kỳ thiếu lành mạnh, làm phương hại đến thuần phong mỹ tục, làm thương tổn tâm hồn con người, nhất là đối với lớp trẻ. Đôi khi có những bài viết, hình ảnh chứa đựng những thông tin sai lạc, không phản ánh đúng bản chất sự việc, sự kiện, gây lo lắng trong nhân dân, làm rối thêm nội bộ các địa phương, đơn vị. Mặt khác, báo chí cũng cần thường xuyên đổi mới, thông tin đa dạng, nhiều chiều, thể hiện rõ định hướng và nâng cao hơn nữa tính hấp dẫn đối với công chúng.

II- Trong bước phát triển mạnh mẽ của báo chí, chúng ta càng thấm thía lời dạy của Bác Hồ với tư cách là một nhà báo lớn, người thầy khai sinh nền báo chí cách mạng nước nhà: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Với thế mạnh của mình, báo chí vừa phải làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời là diễn đàn của nhân dân, nói lên tiếng nói của người dân trong nước cũng như bà con yêu nước định cư ở nước ngoài.

Đời sống kinh tế đất nước đang là mối quan tâm hàng đầu của nhân dân ta. Những giải pháp kinh tế- xã hội mà Đảng và Nhà nước ta đề ra để ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội, đưa đất nước phát triển bền vững cần được báo chí thông tin, phản ánh kịp thời cả bề rộng lẫn chiều sâu. Quá trình triển khai, thực hiện các giải pháp đó phải thể hiện ý thức trách nhiệm vì dân, vì nước của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị. Những nỗ lực trong việc nâng cao hiệu quả đầu tư, giải quyết công ăn việc làm, phát triển nông nghiệp, nông thôn và vấn đề nông dân,...đã trở thành tiêu điểm của cuộc sống, cũng là những đề tài nóng hổi báo chí cần đề cập. Những thông tin phản ánh kịp thời, có chiều sâu, đúng định hướng có tác dụng thiết thực, cổ vũ nỗ lực của các cấp, các ngành, của đồng bào và chiến sĩ cả nước phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, đưa đất nước tiếp tục phát triển. Trong quá trình đó, sẽ nảy sinh những khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng phát hiện và có những quyết định kịp thời, hành động kiên quyết để vượt qua. Những hành vi tiêu cực, tham nhũng đã có từ lâu, nhưng trong cơ chế thị trường, do nhiều nguyên nhân khách quan và hạn chế chủ quan đang có chiều hướng phát triển, ngày càng phức tạp và tinh vi ở nhiều lĩnh vực. Điều đó đòi hỏi báo chí phải nêu cao ý thức trách nhiệm, dũng cảm đấu tranh để góp phần phòng, chống, từng bước đẩy lùi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Chúng ta phải nắm vững mục tiêu của báo chí cách mạng là chống nhằm để xây, mục tiêu cuối cùng là để củng cố và xây dựng.

III- “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là cuộc vận động lớn do Đảng ta phát động, vừa có ý nghĩa bức thiết, vừa có ý nghĩa quan trọng lâu dài trong sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo. Mỗi cơ quan báo chí, từ các đồng chí tổng biên tập, tổng giám đốc đến mỗi cán bộ, phóng viên, đảng viên, nhân viên không chỉ quán triệt sâu sắc, thực hiện tốt cuộc vận động mà còn phải làm tốt việc tuyên truyền học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Vấn đề đặt ra đối với báo chí là làm sao tuyên truyền cuộc vận động này một cách thiết thực, có hiệu quả, có sức thuyết phục không chỉ đối với cán bộ, đảng viên mà còn đối với toàn xã hội, tránh rơi vào hình thức. Bác Hồ là biểu tượng cao đẹp cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, là lãnh tụ vĩ đại của Đảng ta, nhân dân ta. Phẩm chất đạo đức nổi bật của Bác là hết lòng vì nước, vì dân, trong hoàn cảnh khó khăn nào cũng kiên trì phấn đấu vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân; đồng thời, Bác luôn gần gũi, thương yêu nhân dân, tôn trọng nhân dân, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Bác coi đạo đức là gốc của người cách mạng. Đạo đức sáng ngời của Bác được biểu hiện giản dị, tự nhiên trong cuộc sống, trong phong cách làm việc hàng ngày. Trong tình hình hiện nay, càng cần phải giáo dục, thuyết phục mọi người, trước hết là cán bộ, đảng viên, thấm nhuần và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ. Đó cũng là mục tiêu của nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. Xác định như vậy để thấy rõ việc tuyên truyền cuộc vận động đang là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của các cơ quan báo chí và là của mỗi nhà báo. Có thể nói rằng, qua hơn hai năm triển khai và thực hiện cuộc vận động với nhiều hình thức sinh động, các loại hình báo chí đã coi trọng việc thông tin, phản ánh về cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Các báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam và nhiều cơ quan báo chí khác đã coi đây là một nội dung quan trọng, nhiệm vụ chính trị của mình. Việc tuyên truyền đang đi vào chiều sâu là hành động, làm theo tấm gương Bác Hồ.

Trên thực tế, có không ít người đã tự giác hành động, làm theo những điều Bác dạy. Tinh thần vì dân, vì nước, thể hiện qua những việc làm, những nghĩa cử cao đẹp, đã thấm vào máu thịt của họ, trong số đó có những người trẻ tuổi. Phát hiện và cổ vũ những tấm gương đó đòi hỏi các nhà báo phải lăn lộn trong các phong trào thi đua yêu nước, có tình cảm, trách nhiệm với xã hội, với con người. Điều quan trọng hơn trong tuyên truyền là phải gắn cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, với nội dung của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các tác phẩm báo chí phải thu hút được công chúng, để có sức lan tỏa trong xã hội. Mỗi tấm gương cá nhân hay tập thể phải đọng lại trong tình cảm, trong suy nghĩ để mọi người học tập và noi theo. Vì vậy, việc tuyên truyền phải sinh động, hấp dẫn, sâu đậm tình cảm.

IV- Kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng 21-6 năm nay, chúng ta càng ghi nhớ những lời Bác dặn dò, nhắc nhở những người làm báo: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết như thế nào cho dễ hiểu, ngắn gọn, dễ đọc... “ Sự nghiệp cách mạng do Đảng ta lãnh đạo là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Đó chính là mục đích, là thước đo, là yêu cầu hoạt động nghề nghiệp của nhà báo.

Trong bối cảnh hiện nay, phản ánh được bản chất của sự kiện, sự việc không đơn giản. Vì vậy, nhà báo cần phải có kiến thức, có vốn sống, hiểu biết thực tiễn và có phương pháp khoa học. Mỗi tờ báo cũng như các nhà báo phải nêu cao trách nhiệm trước xã hội về các tác phẩm báo chí của mình. Trong biểu dương hay trong đấu tranh, phê phán, đều phải đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo. Biểu dương phải thật thà, không thổi phồng, tô vẽ. Phải có dũng khí đấu tranh chống tiêu cực quyết liệt, đồng thời phải đem đến cho công chúng niềm tin vào cuộc sống, tin ở sự thật, tính nghiêm minh của pháp luật, tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sức mạnh của nhân dân ta. Có một thực tế là hiện nay có một số nhà báo trẻ rất hăng hái, nhiệt tình nhưng anh chị em mới “chỉ thấy cây mà chưa thấy rừng”, say mê với những tin tức mới lạ nhưng chưa đủ kinh nghiệm, sự chín chắn và trình độ để thể hiện vấn đề một cách thấu đáo, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của tờ báo. Cũng còn có tình trạng một số nhà báo chưa chịu khó tìm hiểu, nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực tế lao động, sản xuất của nhân dân lao động. Cho nên, tác phẩm viết ra không có chiều sâu, không mang hơi thở nồng nàn từ cuộc sống.

Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn tin tưởng ở đội ngũ những người làm báo và rất cần những nhà báo có tâm, có tài, hết lòng phụng sự công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Điều đó đòi hỏi các nhà báo luôn nỗ lực học tập, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức trong sáng, lăn lộn với cuộc sống, tích lũy tri thức về nhiều mặt, sáng tạo ra các tác phẩm báo chí có giá trị, có ảnh hưởng xã hội rộng lớn. Kỷ niệm 84 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, tin chắc rằng đội ngũ những người làm báo ngày càng đông đảo, trưởng thành, nhất định kế tục xứng đáng những thế hệ đàn anh đã hy sinh, cống hiến hết mình làm nên truyền thống vẻ vang của nền báo chí cách mạng nước nhà.

Chia sẻ bài viết