04/03/2017 - 16:02

Đăng cai Olympic- “liệu cơm gắp mắm”

Đăng cai Olympic là vinh dự to lớn, cơ hội quảng bá và chào đón cả thế giới đến với thành phố chủ nhà. Tuy nhiên, việc đứng ra tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh ngày càng bị coi là "hoạt động không cần thiết".

Quyết định địa điểm tổ chức Olympic 2024 dự kiến sẽ được Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) công bố trong năm nay trong bối cảnh hiện còn 3 thành phố chạy đua là Paris, Budapest và Los Angeles, sau khi Hamburg, Rome và Boston bỏ cuộc. Mới đây, Chính phủ Hungary cũng đã tuyên bố sẽ rút Budapest ra khỏi cuộc đua trên. Chưa biết kết cục sẽ ra sao vì còn chờ quyết định cuối cùng của Ủy ban Olympic Quốc gia Hungary, nhưng có thể thấy rõ: quay lưng với Olympic dường như đang là "xu hướng". Từng có 10 thành phố tham gia cuộc đua giành quyền đăng cai Olympic 2008 (cuối cùng được tổ chức ở Bắc Kinh). Đến Olympic 2012 (Luân Đôn) chỉ còn 9 thành phố, con số này ở Olympic 2016 (Rio de Janeiro) là 7 và Olympic 2020 (Tokyo) chỉ còn 3.

Thị trưởng Eric Garcetti vận động đăng cai Olympic 2024 cho Los Angeles. Ảnh: Foxnews

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng kinh phí tổ chức Olympic được cho là nỗi lo lớn nhất. Nga đã đầu tư 50 tỉ USD vào Olympic mùa Đông Sochi- kỳ Olympic tốn kém nhất trong lịch sử. Còn Olympic 2008 từng "ngốn" ít nhất 40 tỉ USD của Trung Quốc. Theo giới phân tích, chi phí phát sinh khi Athens tổ chức Olympic 2004, cộng với khoản nợ mà Hy Lạp đã vay trước đó là nguyên nhân khiến nền kinh tế nước này suy yếu, rồi lâm vào cuộc khủng hoảng nợ công nghiêm trọng. Tương tự, Montreal đã phải mất đến 30 năm để trả dứt khoản nợ mà họ vay để thanh toán chi phí phát sinh khổng lồ do đăng cai Olympic 1976.

Những người muốn đăng cai Olympic chỉ ra các lợi ích như thúc đẩy du lịch và nâng cấp cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, Olympic ở Athens, Rio và Sydney đều cho thấy các nhà thi đấu một số môn đều xuống cấp. Mặc dù thành phố chủ nhà Olympic có thể "hốt bạc" từ việc bán bản quyền truyền hình, tài trợ trong và ngoài nước, doanh thu vé..., nhưng nó chẳng thấm vào đâu so với kinh phí tổ chức. Đơn cử như Olympic mùa Đông năm 2010 đã giúp Vancouver thu về gần 1,6 tỉ USD và Luân Đôn là 3,3 tỉ USD với Olympic mùa Hè năm 2012, nhưng trước đó 2 thành phố này đã phải đầu tư lần lượt 7,5 tỉ USD và 11,4 tỉ USD vào công tác tổ chức.

Hiện Los Angeles cũng tự tin cam kết Olympic 2024 sẽ thúc đẩy giá trị tổng sản phẩm kinh tế địa phương lên 11,2 tỉ USD và tạo ra hơn 74.000 việc làm. Đội ngũ vận động của Los Angeles tin rằng Olympic 2024 sẽ tốn 5,3 tỉ USD, số tiền mà họ cho là sẽ được thu hồi từ lợi nhuận bán bản quyền truyền hình, tài trợ và doanh thu bán vé. Trong khi đó, Paris dự tính chi phí đăng cai của họ là 7 tỉ USD và cũng giống như Los Angeles, họ sử dụng các cơ sở hạ tầng có sẵn để tổ chức Olympic nhằm tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nghiên cứu báo cáo tác động tài chính qua các kỳ Olympic, Giáo sư kinh tế Victor Matheson tại Cao đẳng Holy Cross (Massachusetts) cảnh báo những dự đoán kiểu như trên thường "trật lất".l

BÌNH DƯƠNG (Theo Yahoo Sport)

Chia sẻ bài viết