Các đợt phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã chứng kiến sự gia tăng nhu cầu đối với các dịch vụ tư vấn tâm lý, qua đó cho thấy cuộc khủng hoảng tâm thần tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
Kể từ khi các biện pháp phong tỏa ở thành phố Thượng Hải được áp đặt, Hu Bojun nhận được rất nhiều câu hỏi về các dịch vụ tư vấn tâm lý mà bệnh viện cô đang làm việc cung cấp. Mới đây, nhà tâm lý học lâm sàng được đào tạo ở Mỹ này đã mở các dịch vụ hỗ trợ tâm lý bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Hoa cho khách hàng ở “mọi tầng lớp xã hội”.
“Ngay cả những người thuộc các thành phần kinh tế xã hội khác nhau cũng tham gia tư vấn. Nhiều khách hàng cũ của tôi đã quay trở lại để được tư vấn và tôi cũng có thêm rất nhiều khách hàng mới. Nhiều người bắt đầu tâm sự với tôi về sự căng thẳng tinh thần và sự cô đơn trong thời điểm các lệnh phong tỏa được áp đặt” - Hu cho biết.

Một khu vực tại Thượng Hải bị phong tỏa. Ảnh: NBC News
Theo Hu, một số người bạn cô còn tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến cho những người muốn trở thành nhà trị liệu tâm lý. Họ cũng sử dụng các ứng dụng dành cho thiết bị di động để kết nối những người tìm kiếm sự trợ giúp với các nhà trị liệu tâm lý.
Hiện hỗ trợ sức khỏe tâm thần là dịch vụ được tìm kiếm nhiều nhất ở Trung Quốc khi mà hơn 400 triệu công dân nước này đang bị các biện pháp phong tỏa “bao vây”. Tuần trước, công cụ tìm kiếm Baidu ghi nhận lượng tìm kiếm các dịch vụ “tư vấn tâm lý” tăng đột biến kể từ tháng rồi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh tâm thần là cuộc khủng hoảng khác đang làm thay đổi cuộc sống của hàng triệu gia đình Trung Quốc. WHO ước tính, 54 triệu người ở Trung Quốc bị trầm cảm và khoảng 41 triệu người khác mắc chứng rối loạn lo âu. Ðây là 2 trong số những bệnh rối loạn tâm thần phổ biến nhất ở Trung Quốc.
Theo tờ Guardian, sức khỏe tâm thần đang trở thành vấn đề nan giải khi Trung Quốc ngày càng “già hóa”. Nhiều người già phải đối mặt với sự cô đơn khi con cái tìm hướng xây dựng tương lai tại các thành phố lớn.
Trong một nghiên cứu hồi năm 2021, các chuyên gia đã tìm thấy mối tương quan sâu sắc giữa tỷ lệ tự tử ở người cao tuổi và tình thân. Họ phát hiện ra rằng tỷ lệ này giảm 8,7% trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm khi người thân những người cao tuổi quây quần bên họ. Trong khi đó, các nhóm tuổi khác, đặc biệt là những người trẻ tuổi, cũng bị sự cô đơn và cô lập ảnh hưởng.
Theo các nghiên cứu gần đây, ngày càng có nhiều học sinh trung học cơ sở Trung Quốc bị mất ngủ, trầm cảm và lo lắng trong thời COVID-19. Vào năm 2020, một cuộc khảo sát quy mô lớn ở Trung Quốc cho thấy gần 35% số người được hỏi cho biết đã phải đối mặt với các vấn đề tâm lý.
Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra một số giải pháp. Trong chiến dịch “Trung Quốc khỏe mạnh” được khởi sướng từ năm 2019, Bắc Kinh thừa nhận rằng các vấn đề về sức khỏe tâm thần ngày càng tăng tại nước này và cam kết ít nhất 80% bệnh nhân trầm cảm sẽ được điều trị vào năm 2030.
Khảo sát toàn cầu do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và Viện thăm dò Gallup thực hiện mới đây cho thấy, người trẻ trên khắp thế giới dễ bị trầm cảm và lo âu hơn so với người lớn tuổi trong đại dịch COVID-19. Kết quả khảo sát với sự tham gia của hơn 22.000 người từ 21 nước trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 6-2021 này phát hiện, khoảng 36% người trẻ tuổi được hỏi cho biết thường xuyên cảm thấy lo lắng, trong khi tỷ lệ này ở nhóm người lớn tuổi hơn là 30%. Người trẻ cũng dễ bị trầm cảm hơn hoặc không thấy hứng thú làm việc gì.
Trong khi đó, một nghiên cứu tại Ý cho thấy phụ nữ mắc hội chứng “COVID-19 kéo dài” (Long COVID) có nhiều triệu chứng hơn nam giới. Trong nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Sức khỏe phụ nữ, Tiến sĩ Y khoa Giovanna Pelà tại Đại học Parma và Bệnh viện Đại học Parma và các đồng tác giả nghiên cứu đã tiến hành theo dõi và đánh giá những bệnh nhân sau mắc COVID-19 trong 5 tháng.
Kết quả cho thấy 91% những bệnh nhân này tiếp tục gặp các triệu chứng COVID-19. Khó thở là triệu chứng phổ biến nhất của COVID-19 kéo dài, tiếp sau là mệt mỏi. Nữ giới có triệu chứng nhiều hơn nam giới, với tỷ lệ 97% so với 84%.
Theo các chuyên gia y tế, có khoảng 200 triệu chứng liên quan đến hội chứng hậu COVID-19, đặc biệt ở những bệnh nhân đã trải qua điều trị hồi sức tích cực.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)