21/05/2021 - 08:45

Đảm bảo hàng hóa phục vụ phòng, chống dịch 

Tại cuộc họp về công tác chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên địa bàn TP Cần Thơ ứng phó với dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nhấn mạnh, các đơn vị không được lơ là, chủ quan, phải luôn sẵn sàng ở mức cao nhất ứng phó với dịch bệnh. Cần có kế hoạch, phương án, cùng với sự phối hợp của các doanh nghiệp phân phối hàng hóa, cân đối dự trữ nhu cầu hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành để có nguồn cung hàng nhanh nhất nếu thị trường xảy ra bất ổn. Phối hợp với Cục Quản lý thị trường (QLTT) kiểm tra, giám sát hàng hóa tránh tích trữ, nâng giá hàng hóa...

Không lo thiếu hàng

Đoàn công tác phối hợp giữa Sở Công Thương và Cục QLTT TP Cần Thơ kiểm tra chuẩn bị hàng hóa tại Siêu thị GO! Cần Thơ.

Đoàn công tác phối hợp giữa Sở Công Thương và Cục QLTT TP Cần Thơ kiểm tra chuẩn bị hàng hóa tại Siêu thị GO! Cần Thơ.

Ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết, qua quá trình triển khai thực hiện theo công văn của UBND TP Cần Thơ về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố, đến nay có 17 doanh nghiệp đăng ký tham gia. Trong đó, có 11 doanh nghiệp đăng ký dự trữ hàng hóa lương thực, thực phẩm với tổng mức giá trị hàng hóa dự trữ trên 553 tỉ đồng, tập trung chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu như: gạo, thịt các loại, thủy hải sản, rau củ quả, mì ăn liền, nước uống đóng chai, thực phẩm chế biến, trứng... Một số doanh nghiệp đăng ký tham gia dự trữ sản phẩm khác như: khẩu trang, nước sát khuẩn, giấy vệ sinh, xăng dầu để phục vụ công tác sẵn sàng phòng, chống dịch. Sở Công Thương đã phối hợp với Cục QLTT TP Cần Thơ thành lập 3 tổ kiểm tra, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch COVID-19 tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn. Sở cũng đã phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan đã xây dựng phương án chuẩn bị hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân theo các cấp độ (cấp độ 0 đến cấp độ 4); đồng thời, phân công trách nhiệm cụ thể để thực hiện thống kê số lượng hàng hóa, cách thức cung ứng hàng hóa cho người dân trong khu vực bị cách ly...

Theo bà Nguyễn Kim Cương, Phó Giám đốc Siêu thị Co.opmart Cần Thơ, lượng hàng hóa dự trữ trong kho tại Co.opmart Cần Thơ khoảng 18 tỉ đồng. Đặc biệt các loại đồ ăn như: đường, muối, gạo, trứng, đồ hộp, mì gói... được dự trữ rất nhiều, giá cả không tăng nhằm mục đích hỗ trợ khách hàng. Siêu thị tăng cường dịch vụ bán hàng qua điện thoại và mua hàng qua app. Cùng với hệ thống toàn quốc, Co.opmart đảm bảo đủ lượng hàng cung ứng cho người dân với giá tốt nhất. Cùng đó, Co.opmart Cần Thơ có thể cung cấp suất ăn nóng phục vụ tối đa 1.000-1.500 suất ăn/ngày...

Ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ khẳng định, hàng hóa nông sản không thiếu, đủ đáp ứng nhu cầu thị trường, thậm chí một số loại, đặc biệt là trái cây và rau màu có nguy cơ bị dư, cần tìm đầu ra. Dự kiến, đến tháng 6 trên toàn địa bàn thành phố thu hoạch lúa khoảng 50.000ha, sản lượng trên 300.000 tấn lúa; rau các loại cung ứng khoảng 10.000 tấn/tháng. Tổng sản lượng heo, gia súc, gia cầm khoảng 2.500-3.000 tấn/tháng, sản lượng thủy sản (cá tra) 20.000 tấn/tháng. Các loại trái cây, rau, quả, thủy sản rất dồi dào.

Theo ông Hồng Tân Trạng, Giám đốc Trung tâm thương mại LOTTE Mart Cần Thơ, đơn vị cam kết cung ứng đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu địa phương từ thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ đến hàng hóa phòng, chống dịch như: nước rửa tay sát khuẩn, xà bông sát khuẩn... Bên cạnh đó, đơn vị sẵn sàng kết nối để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm tại địa phương, đặc biệt nơi có siêu thị LOTTE Mart hoạt động.

Bà Hồ Thị Huyền Trâm, tiểu thương kinh doanh thịt heo chợ Xuân Khánh, cho biết, hiện nay mặt hàng thịt heo vẫn tiêu thụ ổn định, không có tình trạng khách mua hàng dự trữ. Đặc biệt, nguồn hàng đảm bảo, giá ổn định không thiếu để cung ứng.

Trợ lực

Ngày 14-5-2021, Bộ Tài chính ra công văn về tăng cường công tác quản lý và thông tin giá cả thị trường tại địa phương gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường trên địa bàn để kịp thời có biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất trên địa bàn như vật tư y tế phòng dịch, các sản phẩm nông nghiệp tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19...

Một trong những biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 chính là đảm bảo nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân trong mọi tình huống và phòng, chống dịch COVID-19 trong hệ thống phân phối. Tại hội nghị trực tuyến quán triệt về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong các cơ sở công nghiệp và thương mại; cân đối cung cầu, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu và một số định hướng phát triển ngành trong thời gian do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, việc tăng cường đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở sản xuất kinh doanh là nhiệm vụ trọng yếu. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu, Tổng cục QLTT chỉ đạo các Cục QLTT tập trung triển khai giám sát thị trường, tổ chức các đợt cao điểm. Vụ Thị trường trong nước, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc có liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng để chủ động có phương án, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

Ngày 14-5, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch COVID-19, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị, các địa phương đưa ra các giải pháp tốt nhất để bảo đảm cân đối cung cầu thị trường nông sản, thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản giảm thiểu thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, bà con nông dân trước tác động của dịch COVID-19. Bộ NN&PTNT kiến nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp triển khai đồng bộ một số giải pháp: điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; hỗ trợ chính sách thuế, tín dụng cho khu vực sản xuất, chế biến bảo quản và xuất khẩu nông sản; thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics; thúc đẩy toàn diện tiêu thụ trong nước…

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết