03/04/2023 - 15:17

Đảm bảo an toàn trong phòng cháy, chữa cháy 

Hoàng Yến

Công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Việc thực hiện đúng quy định về PCCC sẽ góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của tổ chức, gia đình và xã hội.

Lực lượng PCCC Công an thành phố thường xuyên phối hợp các doanh nghiệp diễn tập phương án chữa cháy nhằm nâng cao ý thức PCCC cho doanh nghiệp. Trong ảnh: Thực tập phương án PCCC tại Công ty may Việt Thành. Ảnh: Kim Xuân

Khoảng 0 giờ 47 phút, ngày 19-12-2022, người dân phát hiện ngọn lửa bùng lên dữ dội tại tiệm bán đồ điện gia dụng của vợ chồng ông P.T.H, ở xã Trường Long, huyện Phong Ðiền. Kèm theo khói lửa là nhiều tiếng nổ, nên người dân hô hoán và chạy đến đập cửa báo động. Ông P.T.H cùng vợ thức dậy và tìm cách cứu hai con nhỏ ngủ trong phòng, nhưng do cửa khóa trái, ngọn lửa quá lớn nên không thành công. Vợ chồng ông đành chạy ra ngoài kêu cứu. Khi nhận được tin báo, Công an huyện Phong Ðiền cùng Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (Công an TP Cần Thơ) đã huy động nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường tham gia dập lửa. Ngọn lửa sau đó được khống chế. Lực lượng chức năng đưa được hai nạn nhân ra ngoài nhưng các bé đã tử vong. Vụ cháy cũng thiêu rụi cửa hàng kinh doanh của vợ chồng ông P.T.H, ước tính thiệt hại hàng tỉ đồng.

Ðể tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, người dân cần đề cao ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được quy định rất cụ thể tại Luật PCCC. Theo đó, Luật PCCC sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định PCCC là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Công dân từ 18 tuổi trở lên, đủ sức khỏe có trách nhiệm tham gia vào đội dân phòng, đội PCCC cơ sở được lập ở nơi cư trú hoặc nơi làm việc khi có yêu cầu. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC; xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC; thành lập, duy trì hoạt động đội PCCC theo quy định của pháp luật; ban hành theo thẩm quyền nội quy và biện pháp về PCCC; tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định về PCCC; bảo đảm kinh phí cho hoạt động PCCC, sử dụng kinh phí PCCC đúng mục đích; trang bị và duy trì hoạt động của dụng cụ, phương tiện PCCC; chuẩn bị các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy; bảo đảm các điều kiện phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ về PCCC; tổ chức chữa cháy và khắc phục hậu quả do cháy gây ra; thực hiện nhiệm vụ khác về PCCC theo quy định của pháp luật.

Chủ hộ gia đình có trách nhiệm đôn đốc, nhắc nhở thành viên trong gia đình thực hiện quy định của pháp luật về PCCC; thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục kịp thời nguy cơ gây cháy, nổ; phối hợp cơ quan, tổ chức và hộ gia đình khác trong việc bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC; quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn chất dễ gây cháy, nổ. Riêng cá nhân có trách nhiệm chấp hành quy định, nội quy, yêu cầu về PCCC của người hoặc cơ quan có thẩm quyền; tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức cần thiết về PCCC; biết sử dụng dụng cụ, phương tiện PCCC thông dụng; bảo đảm an toàn về PCCC trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy; ngăn chặn nguy cơ trực tiếp phát sinh cháy, hành vi vi phạm quy định an toàn về PCCC; thực hiện quy định khác có liên quan đến trách nhiệm cá nhân trong Luật PCCC. Lực lượng Cảnh sát PCCC có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động PCCC của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và làm nhiệm vụ chữa cháy.

Người nào có hành vi vi phạm các quy định của Luật PCCC thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong hoạt động PCCC để xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức do thiếu trách nhiệm trong tổ chức, quản lý, kiểm tra việc thực hiện hoạt động PCCC mà để xảy ra cháy thì tuỳ theo tính chất, mức độ thiệt hại mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu đơn vị PCCC do thiếu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ chữa cháy để gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Những trường hợp bị tạm đình chỉ hoạt động do không bảo đảm an toàn về phòng cháy, chữa cháy

Hỏi: Theo quy định, những trường hợp nào bị tạm đình chỉ hoạt động do không bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy (PCCC)?

Ðáp: Nghị định số 136/2020/NÐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động của cơ sở, phương tiện giao thông cơ giới, hộ gia đình, cá nhân không bảo đảm an toàn về PCCC như sau: trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ xuất hiện nguồn lửa, nguồn nhiệt hoặc khi đang có nguồn lửa, nguồn nhiệt mà xuất hiện môi trường nguy hiểm cháy, nổ; vi phạm nghiêm trọng quy định về PCCC đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu khắc phục bằng văn bản mà không thực hiện, bao gồm: tàng trữ, sử dụng trái phép hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ; sản xuất, kinh doanh, sang, chiết, nạp hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ mà không có giấy phép hoặc không đúng nơi quy định; làm mất tác dụng của lối thoát nạn, ngăn cháy lan mà khi xảy ra cháy, nổ có thể gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định về PCCC: cải tạo hoặc thay đổi tính chất sử dụng của cơ sở, hạng mục thuộc cơ sở, hoán cải phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC khi chưa có văn bản thẩm duyệt thiết kế về PCCC của cơ quan công an có thẩm quyền; đưa công trình, hạng mục công trình, phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC vào hoạt động, sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan công an có thẩm quyền.

Hỏi: Kiểm tra an toàn về PCCC được quy định như thế nào?

Ðáp: Nghị định số 136/2020/NÐ-CP quy định người đứng đầu cơ sở, chủ phương tiện giao thông cơ giới có yêu cầu đặc biệt về bảo đảm an toàn PCCC, chủ hộ gia đình, chủ rừng căn cứ vào điều kiện, thực tế hoạt động và yêu cầu bảo đảm an toàn về PCCC có trách nhiệm tổ chức kiểm tra thường xuyên về an toàn PCCC trong phạm vi quản lý của mình. Nội dung kiểm tra thực hiện theo quy định tương ứng với từng loại hình. Kết quả kiểm tra phải thể hiện các nội dung cơ bản sau: phạm vi được kiểm tra an toàn về PCCC; ghi nhận và đánh giá các điều kiện không bảo đảm dẫn đến nguy cơ mất an toàn, vi phạm về PCCC (nếu có), đề xuất các biện pháp khắc phục, xử lý nguy cơ mất an toàn, vi phạm về PCCC; các nội dung khác có liên quan (nếu có). Báo cáo kết quả kiểm tra an toàn về PCCC của người đứng đầu cơ sở gửi cơ quan công an quản lý trực tiếp gồm các nội dung cơ bản sau: kết quả tự kiểm tra duy trì điều kiện an toàn PCCC; kết quả thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của cơ quan có thẩm quyền…

Hoàng Yến (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết