18/08/2016 - 09:56

Đặc sắc “Kỳ nhân làng Ngọc”

Mở ra một không gian làng quê nổi tiếng với những truyền thống đặc biệt, gắn với chiều dài lịch sử của đất nước, tác giả Trần Thanh Cảnh đã lôi cuốn người đọc cùng khám phá những câu chuyện hấp dẫn về tình duyên ngang trái, éo le, những phận người gian truân… Tập truyện ngắn "Kỳ nhân làng Ngọc", do NXB Trẻ xuất bản, từng đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2015.

Từ những truyện mở đầu, tác giả đã giới thiệu được những nét đặc trưng của làng Ngọc, một làng quê rộng lớn nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Đó là nơi có thế đất linh dựa núi nhìn sông nên sinh ra nhiều kỳ nhân, gái đẹp. Làng có những tục lệ không giống những làng khác khi thờ Bà Cái là Thành Hoàng, mọi người rất thoáng trong việc yêu đương trai gái… Từ nền tảng đó, các nhân vật trong 14 truyện ngắn (đều có xuất thân hoặc gốc gác từ làng Ngọc) được phát triển số phận, tính cách dựa trên những nét đặc trưng của làng, từ tác động của đời sống và những biến thiên của lịch sử.

Nhân vật chính trong các truyện rất đa dạng: từ đôi trai gái tuổi dậy thì, thanh niên nuôi chí lớn, phụ nữ truân chuyên, ông già tứ cố vô thân đến các chức sắc trong làng, quan lớn ở phố, trí thức ở huyện… Điểm chung của họ là trải qua cuộc đời nhiều thăng trầm trong sự nghiệp hoặc sóng gió trên tình trường. Mỗi người tùy theo hoàn cảnh, tính cách mà có ứng xử riêng, tạo nên những bước ngoặt số phận khác nhau.

Bi kịch tình yêu là chủ đề được thể hiện xuyên suốt trong các truyện ngắn. Có lúc được thể hiện rõ ràng qua những chuyện tình ngang trái mà nam nữ không đến được với nhau ("Hội làng", "Gái đảm", "Mùa thi", "Giấc mơ"); có lúc là nguyên nhân cho những mâu thuẫn, bất đồng giữa các mối quan hệ anh em, bạn bè dẫn đến những thay đổi trên đường đời của nhân vật ("Sương đêm cuối ngõ", "Hoa gạo tháng ba", "Hương đêm"). Nhưng dù thế nào, những mối tình ấy vẫn mang vẻ đẹp chân chất hương quê, của vị ngọt tình yêu đầu đời đầy mãnh liệt, để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc.

Tác giả cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo với những con người lầm đường lạc lối, về những hủ tục lạc hậu, những tệ nạn xã hội còn tồn tại trong làng quê… Như Số trong truyện "Ngay trong đêm", Vi trong truyện "Ngôi biệt thự bỏ hoang". Cả hai đã có gia đình êm ấm với các cô con gái ngoan hiền, nhưng vẫn mong muốn có con trai nối dõi nên lén lút đi lại với người phụ nữ khác, gây ra những tai họa khôn lường. Người thì "mất cả chì lẫn chài", người bị chính những đứa con trai mà họ khao khát làm cho tan nhà nát cửa. Cờ bạc cũng là một trong những nguyên nhân gây nên cảnh điêu đứng cho bao gia đình ở làng Ngọc. Trong đó, câu chuyện về một vị chánh án về hưu sa vào đam mê cờ bạc khiến gia sản cả đời tích cóp bị mất trắng, khiến đứa con trai cầm dao rượt chém (truyện "Có trời") là một minh chứng sống động về hậu quả tất yếu của trò đỏ đen này. Luật nhân quả cùng sự vay trả của cuộc đời cũng là điều tác giả muốn gửi gắm trong những tác phẩm của mình mà "Sếp Tổng" là một trường hợp tiêu biểu. Từ chuyện làm ăn gian lận, tham nhũng đến chuyện yêu đương lừa lọc của nhân vật sếp Tiến cuối cùng đều phải trả giá. Một cái giá quá cay đắng, phũ phàng mà không ai ngờ tới…

Với các truyện: "Kỳ nhân làng Ngọc", "Hoa núi", "Hương đêm", "Hoa gạo tháng ba", số phận của các nhân vật gắn liền với những biến động của thời cuộc và các giai đoạn lịch sử của đất nước. Tác giả vẽ nên một bức tranh liền mạch từ thời kỳ Pháp thuộc, Cách mạng Tháng Tám, kháng chiến chống Mỹ, cải cách ruộng đất, thời kỳ bao cấp cho đến thời kinh tế thị trường. Trong đó, các nhân vật phải bơi theo dòng xoáy của định mệnh và có những ngã rẽ làm thay đổi cả cuộc đời.

Có thể nói "Kỳ nhân làng Ngọc" là một tập truyện đặc sắc, đa chiều, mang lại cho người đọc nhiều cảm xúc, suy ngẫm về phận người, cách sống và cả triết lý nhân sinh.

Cát Đằng

Chia sẻ bài viết