04/05/2016 - 20:48

Đặc sắc “Hương vị miền Tây”

Tâm đắc với những món ăn ngon và đặc sản của vùng sông nước Cửu Long, một nhóm tác giả gồm các nhà báo, nhà văn, nhiếp ảnh gia… cùng chung tay thực hiện cuốn sách "Hương vị miền Tây". Qua đó, giới thiệu đến độc giả những món ngon đặc sắc của 13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và công sức, tâm huyết của những người làm ra món ngon ấy.

Sách do Đoàn Hữu Đức chủ biên, NXB Văn hóa – Văn nghệ xuất bản tháng 4-2016.

 

Ấn tượng đầu tiên khi cầm cuốn sách trên tay chính là sự chỉn chu, công phu trong khâu thiết kế, trình bày. Sách được in màu trên giấy couche với những hình ảnh minh họa sống động, đẹp mắt và có tính nghệ thuật cao. Các bài viết lôi cuốn người đọc bởi cách viết tỉ mỉ nhưng phóng khoáng, văn phong báo chí nhưng không kém phần mượt mà, tình cảm.

Miền Tây – vùng đất nổi tiếng với nhiều món ngon dân dã, nhiều đặc sản hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Thế nhưng, ở mỗi tỉnh, thành, nhóm tác giả chỉ chọn giới thiệu một món ăn hoặc đặc sản tiêu biểu nhất. Đó là bánh tét lá cẩm (Cần Thơ), cháo lòng Cái Tắc (Hậu Giang), rượu Phú Lễ (Bến Tre), khô bổi U Minh (Cà Mau), hủ tiếu dai Mỹ Tho (Tiền Giang), xá pấu (củ cải muối) Sóc Trăng, cốm dẹp Trà Vinh, tàu hủ ki Bình Minh (Vĩnh Long), mắm Châu Đốc (An Giang), cá nhám Kiên Giang, lạp xưởng Long An, bột Sa Đéc (Đồng Tháp), muối Gành Hào (Bạc Liêu).

Từ mùi vị của các món ăn, đặc sản cho đến công phu chế biến, quá trình lập nghiệp, xây dựng thương hiệu… của những con người chăm chỉ, hồn hậu vùng sông nước được các tác giả: Huỳnh Biển, Trần Tiến Dũng, Ngân Hà, Hoàng Lan, Ngữ Yên, Thượng Tùng, Phạm Bình khắc họa chi tiết qua 21 bài viết. Người đọc có thể cảm nhận được vị ngọt, ngon của cốm dẹp được làm từ những hạt nếp đầu mùa ngậm sữa, ngậm sương tinh khiết; hương thơm và vị béo của tô cháo lòng Cái Tắc; màu tím đặc trưng và vị đậm đà của bánh tét lá cẩm; vị mặn ngọt của các loại mắm, độ dai của hủ tiếu Mỹ Tho hay sự cay nồng của rượu Phú Lễ… Những món ngon ấy càng ngon hơn, càng được trân quý hơn khi người ăn biết được các công đoạn chế biết cùng bao công sức khó nhọc của người làm. Muốn làm được rượu phải có men, muốn rượu ngon phải có hồ, muốn rượu chuẩn phải lấy cho đúng độ. Để có được bánh tét lá cẩm như ý ngoài nếp, đậu, thịt, trứng… thì giai đoạn nấu lá cẩm để bánh có được màu sắc đẹp cũng không kém phần công phu. Sở dĩ cháo lòng Cái Tắc ngon hơn cháo lòng nơi khác vì cháo được nấu với thịt lòng nóng và huyết nọng heo nóng mới ra lò, người nấu cho vào nồi quậy đều tay cho đến khi cháo nhừ, tạo nên hương vị và điểm khác biệt hấp dẫn thực khách. Có thấu hiểu nỗi vất vả của diêm dân ở Gành Hào khi bị cháy xém thịt da mới làm ra hạt muối thì càng tự hào khi muối Bạc Liêu đã xuất khẩu ra Nhật, Mỹ...

Các bài viết càng thêm thêm phong phú, hấp dẫn khi các tác giả chú trọng tìm hiểu các yếu tố lịch sử, môi trường, cũng như những giai thoại lưu truyền trong dân gian. Đặc biệt, khắc họa sống động chân dung của lớp người đầu tiên sáng tạo, chế biến ra các món ăn cho đến những thế hệ nối nghiệp gia đình, giữ gìn làng nghề truyền thống; những doanh nhân năng động đưa thương hiệu sản phẩm đến với khách hàng trong ngoài nước.

"Hương vị miền Tây" không chỉ có hương vị của món ngon, của sản phẩm mà còn thấm đượm tấm lòng, tâm huyết của người làm, người viết. Đặc sắc, thú vị và đậm chất văn hóa, "Hương vị miền Tây" không chỉ đem đến cho người đọc tinh hoa của ẩm thực mà còn góp phần tiếp thị, quảng bá hình ảnh, thương hiệu cho các địa phương trên thị trường và cả trong bản sắc văn hóa vùng miền.


Độc giả, đơn vị có nhu cầu, có thể liên hệ, đặt hàng mua sách (129.000 đồng/ cuốn) qua địa chỉ: https://www.facebook.com/foodlabAsia/ 

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết