Truyện ngắn: Khuê Việt Trường
Phòng tranh nhìn ra một ngã tư cực kỳ ồn ào, bởi ngã tư ngay trung tâm thành phố, mỗi ngày biết bao nhiêu xe cộ qua lại và đôi khi những người lái xe lại chạm vào nhau để chen một khoảng trống đi nhanh hơn người khác. Từ phòng tranh Huệ vẫn hay nhìn ra ngã tư, đôi khi tự nhủ xem có ai quen đang đi qua, dù ai cũng bịt kín khẩu trang.
Một ngã tư thì chắc chẳng có gì đáng nói, bởi chỉ riêng ở thành phố đã có biết bao nhiêu ngã tư, nhưng mọi người lại đặt cho nơi đây cái tên “Ngã tư nhiều chuyện”. Và câu chuyện của Huệ với Kim được kể trong số đó.
Huệ và Kim là duyên nợ, người mà dễ chừng đã vuột khỏi tầm tay nhau, rồi như định mệnh lại về chung một mái nhà. Vào cái thuở mà mọi người gọi là thanh xuân đó, Huệ và Kim học chung từ lớp 10 đến lớp 12. Thuở học trò ngây thơ quá đỗi kia, Kim thầm thương trộm nhớ Huệ. Nhưng tuổi học trò nhút nhát, chỉ dám ngắm nhìn thay vì tiến tới bên cạnh Huệ. Ðể rồi mối tình câm nín khờ khạo ấy cũng trở thành kỷ niệm khi cả hai rời khỏi sân trường, tiến những bước chân đi về hướng đời khác nhau.
Tuy nhiên tạo hóa có những sự sắp đặt mà mọi người tưởng chừng như vô cớ, rồi đột nhiên một ngày nào đó ở một nơi nào đó, hai người lại gặp nhau. Mối duyên rơi vào quên lãng cùng với mùa hoa phượng cũ đã bị đánh thức. Mười năm sau, khi Huệ và Kim đều sắp đến tuổi 30, lại gặp nhau trong ngày họp kỷ niệm của trường cũ. Lạ là bạn bè năm xưa ai cũng có gia đình, có người tay bồng tay bế thì cả hai vẫn còn lẻ loi trên đường đời. Ðịnh mệnh cũng run rủi để hôm đó hai người cùng đến trễ ở một thời điểm và ngồi ở hai chiếc ghế trống kề nhau cuối hội trường. Nhân duyên là vậy, như có người hay triết lý rằng định mệnh ghép hai người phải về với nhau, thì dẫu ở cách xa muôn trùng, cũng có ngày sẽ gặp.
Huệ và Kim gặp nhau và tức khắc nhận ra, dẫu muộn màng, rằng họ vẫn dành cho nhau khi tháng năm trôi qua mà họ vẫn chưa hề bị ràng buộc. Chàng trai khờ khạo năm xưa nay đã trở thành một ông chủ nhỏ của phòng tranh, chuyên mua đi bán lại các sáng tác và cả chép tranh. Kim có năng khiếu hội họa từ thuở học trò, trong ngăn cặp của Kim có rất nhiều bức ký họa vẽ lén Huệ. Cái thời yêu đương xa lắc ấy tưởng đã vùi trong lãng quên, nay chợt tươi mới khi Kim nói: “Em không biết đâu, bây giờ anh vẫn còn giữ những bức tranh, mà anh không hiểu tại sao khi đó anh không dám đem tặng em”. Huệ trả lời: “Giờ anh tặng cũng đâu có muộn”. Thế là bức tranh tặng muộn khởi đầu cho một tình yêu định mệnh.
Vài tháng sau cái ngày họp mặt đó, họ thành vợ chồng. Huệ về ngôi nhà nhìn ra ngã tư đó, nơi đó còn có một phòng tranh. Họ về với nhau sau bao nhiêu năm không gặp, họ về với nhau khi lòng không còn sốc nổi vì những giông tố bên ngoài. Ðể chộn rộn cùng những sắc màu và ngàn âm thanh của phố chen vào mỗi ngày.
Ở tuổi 30 thì tình yêu không còn thần thánh như cái thuở mới lớn. Nhưng ở cái tuổi đó người con gái khi lấy chồng chỉ biết một con đường về, không quan tâm đến những lả lơi bên ngoài. Trong ngần ấy năm của tuổi thanh xuân không phải Huệ không từng yêu, không từng hoảng hốt vì những tay nắm trong ngày mưa hay những vòng ôm bất chợt. Huệ vẫn đi làm ở một công ty du lịch và rất bận rộn vào những mùa cao điểm, có khi về nhà rất tối hoặc cả ngày biền biệt ở một nơi nào đó vì công việc. Còn Kim thì tối ngày loay hoay với màu sơn và trao đổi công việc với khách hàng. Nói chung là sau khi về với nhau, hai vợ chồng vẫn làm công việc của mình, không có gì thay đổi ngoài việc Huệ đã cùng Kim ở chung nhà.
Nhưng căn nhà nào chỉ có hai vợ chồng. Kim là con út trong gia đình có năm anh chị em. Các anh chị khác đều có gia đình và ra riêng, nhà còn có mẹ già và chị lớn nay đã hơn 40, là chị Thục. Mẹ rất hiền, bà hay đi chùa làm từ thiện. Nhưng chị Thục thì có vẻ khó chịu với sự xuất hiện của Huệ trong căn nhà nhìn ra ngã tư ấy. Chị Thục không làm điều gì quá đáng, cũng không nói lời khó nghe như những bà cô bên chồng trong phim truyền hình, nhưng Huệ cảm nhận được chị không thích Huệ. Ðôi lần muốn trò chuyện với chị Thục để hỏi han, nhưng Huệ không biết mở lời như thế nào.
Chị Thục ở nhà chăm sóc mẹ là chủ yếu. Kinh tế không khó khăn vì gia đình có mấy căn nhà cho thuê và tất nhiên là một tay chị Thục nắm giữ. Huệ và Kim cưới nhau rồi, điều đó vẫn không thay đổi. Huệ còn góp tiền chợ, điện nước trong nhà. Thế nhưng chị Thục lúc nào cũng chăm chăm quan sát Huệ, như thể Huệ có thể lấy đi thứ gì đó quý giá nhất của chị. Quả thật sống với một người chị chồng như thế chẳng khác nào sống trong một mùa mưa mà không biết khi nào cơn mưa dừng. Lại thêm cái ngã tư này nhiều quán xá: hàng tạp hóa của chị Thắm, quán cà phê của chị Mỹ, tiệm may của chị Ðiệp và cả cả tiệm làm tóc của chị Lan. Mỗi ngày, chị Thục cứ đến mấy chỗ đó mà kể chuyện em dâu, những câu chuyện chị tưởng tượng vô cùng phong phú. Mà phàm miệng lưỡi con người lại thích nói qua nói lại. Cho nên hôm chị Thục đưa mẹ đi chùa, Huệ qua tiệm tóc của chị Lan gội đầu, thế là chị Lan tuôn ra hết những câu chuyện săm soi được từ em dâu của chị Thục. Chị Lan vừa gội đầu cho Huệ, vừa tỉ tê: “Nó nói em ăn hiếp chồng, nói gì thằng Kim cũng nghe. Nói em ăn mặc quần áo phí phạm. Rồi có bao nhiêu tiền đem về cho nhà mẹ hết”. Nghe thì nghe vậy, thật ra thì Huệ chẳng giận chị Thục, mà trong lòng dấy lên một sự băn khoăn. Có phải chăng khi người phụ nữ đã qua tuổi xuân thì rất lâu, trái tim bơ vơ vì chưa một lần yêu, đều thấy khó hòa đồng với ai đang hạnh phúc? Huệ nhủ rằng nếu có một người đàn ông ngỏ lời với chị Thục, để chị có một lần yêu và hạnh phúc, thì chị sẽ không còn những suy nghĩ không vui.
Nhưng cuộc đời luôn có những ẩn số không ai giải thích được. Chẳng hạn một ngày nắng ran bỗng dưng trời đổ một cơn mưa rào. Cũng như không thể nào nghĩ ra rằng chị Thục đã yêu rất điên dại, giống như một cây ở sa mạc bỗng reo vui khi có một cơn mưa. Mà thật ra tình yêu vốn dĩ là chất xúc tác làm cho con người sống trở nên tốt đẹp hơn. Chị Thục có quyền yêu. Nhưng chị yêu ai? Huệ không có lời giải đáp.
Rồi chị Thục bị đánh ghen. Chị yêu một anh chàng trai trẻ, anh chàng có mái tóc nhuộm vàng và đeo bông tai giống như tài tử xi-nê. Không biết mối duyên nào đẩy đưa chị với anh chàng này. Cũng có thể bởi trái tim cô đơn quá lâu, bỗng dưng tỉnh thức vì được chăm sóc nên nghiêng về. Chị yêu như thế nào không ai biết, nhưng cuộc đánh ghen lại diễn ra ở quán bar, nơi anh chàng làm nghề rót rượu cho khách. Người đánh ghen là cô bồ của anh ta. Chị Thục chanh chua thế, thánh soi đến thế mà cứ gục mặt xuống bàn khóc. Rồi chị bấm điện thoại gọi cho Huệ. Huệ đưa chị vào một quán cà phê, ngồi ở góc khuất mờ cho chị khóc. Huệ ôm vai chị, thấy chị nhỏ nhoi quá, lòng Huệ bỗng xót xa. Chị buột miệng nói trong tiếng khóc: “Em không ghét chị sao?”. Huệ nói: “Không sao đâu chị”. Huệ khuấy ly đá chanh tan đường, đưa chị uống cạn, lau nước mắt cho chị rồi đưa chị về.
Huệ vẫn thỉnh thoảng nhìn ra ngã tư từ phòng tranh. Chị Thục đôi lúc sau khi bóp chân cho mẹ cũng ra ngồi nói chuyện cùng Huệ. Chị đã một lần yêu và chị có nhiều chuyện để kể với em dâu...