19/09/2008 - 20:19

Czech muốn trở thành "Thung lũng Silicon" về công nghệ sinh học

Cộng hòa Czech đang có kế hoạch biến thành phố Brno lớn thứ hai của mình và là quê hương của Gregor Mendel - người tiên phong trong lĩnh vực di truyền học cách đây 150 năm – thành một trung tâm công nghệ sinh học hiện đại tầm cỡ thế giới.

Hiện nay, có hơn 60 công ty công nghệ sinh học (CNSH) đóng tại Czech, phần lớn tập trung gần Brno và Thủ đô Praha. Tuy nhiên, chìa khóa để đưa Brno trở thành trung tâm CNSH là liên doanh với Bệnh viện Mayo ở Mỹ. Bệnh viện Mayo nổi tiếng về chữa trị các chứng bệnh hiếm gặp và từng điều trị cho các yếu nhân, trong đó có cựu Tổng thống George H.W. Bush (Bush cha). Dự án hợp tác với Bệnh viện Mayo, được công bố năm 2006, sẽ giúp Czech phát huy thế mạnh lịch sử trong lĩnh vực nghiên cứu y học và trở thành nam châm thu hút các nhà đầu tư không chỉ vì yếu tố nhân công rẻ. Tomas Sedlacek, chiến lược gia trưởng về kinh tế vĩ mô của Ngân hàng CSOB – người từng có thời gian làm cố vấn cho chính phủ Czech – cho rằng việc phát triển đất nước thành trung tâm nghiên cứu CNSH có thể góp phần giữ vững nền kinh tế trong bối cảnh tiền lương tăng, khiến không ít nhà sản xuất chuộng giá nhân công thấp “dời đô” đi nơi khác.

Các bác sĩ Bệnh viện St. Anna ở Brno tiếp nhận bệnh nhân được trực thăng chuyển đến. 

Chính phủ Czech dự kiến đầu tư 500 triệu USD cho 4 dự án hợp tác giữa Brno và Bệnh viện Mayo. Trong đó bao gồm trung tâm khoa học đời sống “Medipark” ở Đại học Masaryk, trung tâm chuyên về CNSH cấp khu vực, máy gia tốc electron hỗ trợ việc bào chế dược phẩm và đáng chú ý nhất là trung tâm nghiên cứu lâm sàng quốc tế. Trung tâm nghiên cứu lâm sàng này tọa lạc gần tu viện có từ thế kỷ 14 - nơi Mendel thực hiện các cuộc thử nghiệm mở đường cho cuộc cách mạng gien mang lại cho thế giới dược phẩm công nghệ sinh học và cây trồng biến đổi gien như ngày nay. Đây sẽ là một trong những dự án nghiên cứu công nghệ sinh học và y học lớn nhất châu Âu.

Theo tiến sĩ Tomas Kara, giám đốc trung tâm nghiên cứu lâm sàng đồng thời là chuyên gia nghiên cứu của Bệnh viện Mayo, khi được đưa vào sử dụng năm 2010, trung tâm sẽ cung cấp trang thiết bị và chương trình đào tạo giúp các nhà khoa học trên khắp thế giới đẩy nhanh quá trình biến ý tưởng trong phòng thí nghiệm trở thành dược phẩm và công nghệ mà mọi người có thể sử dụng. Trung tâm sẽ nghiên cứu chuyên sâu về bệnh tim, ung thư, bệnh thần kinh, và một chương trình máy tính kê đơn thuốc dựa theo đặc điểm gien của từng người. Đến nay, các nhà nghiên cứu Bệnh viện Mayo và Brno đã công bố 14 đề tài nghiên cứu và được cấp 3 bằng sáng chế cho các thiết bị y khoa, trong đó có thiết bị theo dõi mối quan hệ giữa não và tim.

Theo Tomas Kara, trung tâm sẽ đi theo hướng phát triển những công nghệ mới tương tự như vậy và thực hiện nghiên cứu độc lập, hơn là phát triển thuốc, đồng thời cung cấp trang thiết bị để các nhà khoa học quốc tế thực hiện nghiên cứu của họ tại Brno và sau đó trở về nước họ. “Trung tâm sẽ phát triển theo mô hình giống như Trạm vũ trụ quốc tế, nghĩa là điều chỉnh hoạt động dựa theo nhu cầu của từng dự án. Chúng tôi muốn tập trung các nhà khoa học xuất sắc nhất thế giới lại một chỗ. Hy vọng rằng một ngày nào đó Brno có thể trở thành một Thung lũng Silicon của y học và công nghệ sinh học”, giám đốc Tomas cho biết.

H.A (Theo Reuters)

Chia sẻ bài viết