08/10/2024 - 08:29

Cựu chiến binh chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế hiệu quả 

Hội Cựu chiến binh (CCB) TP Cần Thơ vừa tổ chức hội nghị đầu bờ năm 2024 tại thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh. Cán bộ, hội viên CCB các quận, huyện tham quan, trao đổi cách xây dựng, duy trì hiệu quả các mô hình kinh tế.

CCB Lê Văn Cuôl (bìa phải) giới thiệu mô hình trồng khóm với các đại biểu tham dự hội nghị đầu bờ năm 2024.

Gia đình CCB Lê Văn Cuôl ở ấp Phụng Quới A, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh có 45 công đất trồng lúa. Năm 2018, ông Cuôl chuyển đổi 7.500m2 đất từ trồng lúa sang trồng khóm, với phương thức trồng 3.000-3.500 cây khóm/công đất. Ông Cuôl chọn giống khóm cho năng suất cao nên mỗi năm thu hoạch 1.800-2.000 trái/công. Hiện nay, mỗi năm ông Lê Văn Cuôl thu lãi 16-18 triệu đồng/công khóm. Bên cạnh đó, ông Cuôl còn bán khóm giống, trồng xen canh chuối để tăng thu nhập. “Hiệu quả kinh tế từ mô hình trồng khóm của gia đình tôi trên 1 công đất tăng khoảng gấp 4 lần so với trồng lúa. Tôi còn tạo việc làm thêm cho 4 lao động, thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng” - CCB Lê Văn Cuôl cho biết.

Tổ hợp tác (THT) nuôi cá thát lát cườm của Hội CCB thị trấn Thới Lai, huyện Thới Lai, được thành lập năm 2023, có 3 thành viên. Các thành viên nuôi 3.000 con cá. Sau 8 tháng, các CCB thu lãi gần 60 triệu đồng. Mô hình bước đầu có hiệu quả nên THT đã kết nạp thêm 6 thành viên. Hiện nay, các thành viên THT nuôi cá thát lát cườm trong vèo và trên kênh rạch. Theo các CCB, nuôi cá thát lát trên kênh rạch thì cá mau lớn hơn so với trong vèo. Tuy nhiên, nguồn nước kênh rạch có thể bị ô nhiễm khi vào vụ lúa. Hiện nay, tùy vào thời điểm, các CCB nuôi cá luân phiên trong vèo và trên kênh rạch để cá lớn nhanh, không bị ảnh hưởng nguồn nước...

Theo ông Huỳnh Thanh Phương, Chủ tịch Hội CCB TP Cần Thơ, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tinh thần tương thân, tương ái, tính tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, các cấp Hội CCB TP Cần Thơ đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo trong phát triển kinh tế. Đến nay, các cấp Hội vận động thành lập và duy trì hoạt động 11 hợp tác xã (HTX), 60 THT, 5 mô hình kinh tế trang trại, 247 mô hình kinh tế gia trại, 829 hộ kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, có nhiều mô hình đang được nhân rộng, thu hút nhiều CCB, người dân tham gia, như: mô hình trồng sầu riêng của CCB xã Tân Thới, huyện Phong Điền; mô hình nuôi lươn không bùn của CCB phường Thới An Đông, quận Bình Thủy; mô hình làm mắm, muối của CCB quận Ninh Kiều…

Từ đầu năm 2024 đến nay, các cấp Hội CCB thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm giúp hội viên CCB phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Hội CCB thành phố phối hợp tổ chức 8 lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về kinh tế tập thể và lớp học kinh doanh cho CCB; làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy tinh thần vượt khó của hội viên CCB trong phát triển kinh tế gia đình; tổ chức nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả do CCB làm chủ; xây dựng quỹ hùn vốn giúp nhau không lãi hoặc lãi suất thấp được 11 tỉ đồng. Hội CCB thành phố quan tâm chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình kinh tế HTX, THT; nghiên cứu ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên CCB, thực hiện không dùng tiền mặt trong giao dịch…

Thời gian tới, Hội CCB TP Cần Thơ tập trung chỉ đạo và nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả do CCB làm chủ; hỗ trợ hội viên CCB, cựu quân nhân vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, xây dựng các quỹ góp vốn giúp nhau không lãi, lãi suất thấp; chú trọng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho CCB, cựu quân nhân và con em CCB. Đồng thời nâng cao chất lượng hoạt động của các mô hình kinh tế tập thể, nòng cốt là các HTX, THT do CCB làm chủ. Qua đó từng bước giúp hội viên và nhân dân nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng.

Bài, ảnh: CHUNG CƯỜNG

 

Chia sẻ bài viết