30/11/2016 - 20:48

Cười mà đau

Sau 2 tập truyện cười "Cười rồi khóc, khóc rồi cười", "Chí Phèo và Facebook", tác giả Võ Tòng Đánh Mèo (tên thật là Đinh Long, sinh năm 1982) tiếp tục mang đến cho độc giả tiếng cười hài hước, trào phúng qua tập truyện thứ ba: "Từ trong nhà ra ngoài ngõ" (NXB Lao Động, 2016). Tuy nhiên, sau những tiếng cười với đủ sắc thái, những câu chuyện về gia đình, xã hội lại khiến người đọc xót xa, suy ngẫm.

Sách gồm 33 truyện, chia làm 2 phần: Trong nhà và Ngoài ngõ. Tất cả đều được viết theo phong cách thậm xưng hoặc ẩn dụ, nhưng chất liệu câu chuyện đều lấy từ hiện thực cuộc sống nên vừa gần gũi, thân quen, vừa hài hước, thâm thúy.

 

Với những câu chuyện "trong nhà", tiếng cười đậm chất bình dân. Đó là chuyện hài hước nhẹ nhàng về những ông chồng sợ vợ nhưng vẫn thích nhậu nhẹt, trai gái nên luôn tìm kế đối phó vợ; những bà vợ truyền nhau "bí quyết giữ chồng" nhưng kết quả nằm ngoài mong muốn. Nhưng có lúc cười ra nước mắt với những chuyện không ngờ khi sinh con một bề, khi đưa vợ đi đẻ, khi so sánh vợ mình với vợ hàng xóm. Rồi lúc cảm thông với tâm sự của những cô gái độc thân lớn tuổi, những người phụ nữ cực nhọc cảnh làm dâu… Nhưng đằng sau những chuyện có vẻ tếu táo và vụn vặt đó là phút suy ngẫm về hạnh phúc gia đình, về những điều tưởng đâu cỏn con nhưng lại rất quan trọng, về cách đối nhân xử thế ở đời.

Bởi có ai học được chữ ngờ, như hai ông bố trong "Chuyện trai gái": người vui sướng, tự hào khi sinh 3 con trai; người buồn rầu, chán nản khi có 3 con gái. Vậy mà cuối cùng, sự yêu chiều thái quá đã khiến những cậu con trai lớn lên hư hỏng, bất hiếu; giúp người bố có ba cô con gái nhận ra con cái là duyên, không thể cưỡng cầu. Hoặc như anh chồng suốt ngày chê vợ mình, ngưỡng mộ vợ người ta để cuối cùng mới biết đâu mới là người vợ tốt ("Vợ chồng hàng xóm"). Thế nên, chuyện vợ chồng, con cái, gia đình không phải ai cũng được như ý. Nếu chưa vừa lòng thì hãy cố gắng vun vén, xây đắp, đừng "đứng núi này mà trông núi nọ". Không chỉ gửi gắm những thông điệp ý nghĩa, tác giả còn là người rất ý nhị, tinh tế trong cách chuyển tải thông điệp đó.

Không còn cười thoải mái như "trong nhà", khi bước chân ra "ngoài ngõ", những vấn đề nhức nhối của xã hội, những góc khuất trong mối quan hệ giữa người với người khiến người đọc cười mà đau. Ai mà không giận khi trong vòng xoáy kinh doanh đa cấp, người ta nhẫn tâm lừa đến cả những hộ nghèo ("Tâm sự thanh niên đa cấp") hay những kẻ khỏe mạnh, lành lặn nhưng lười lao động, ban ngày hóa trang đi ăn xin, đêm về đi ăn chơi sung sướng ("Lòng đắng"). Ai không buồn khi chứng kiến một bộ phận giới trẻ sớm sa ngã vào thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội (truyện "Tâm sự chiếc laptop", "Anh ba đáng sợ", "Con ma ở trên cây đa"). Ai không hoảng hốt khi con người quá lệ thuộc vào điện thoại, mạng xã hội, máy tính ("Ngày không Phây"); không than thở khi lương, thưởng không đủ chi cho xăng, ga, điện ("Những đứa con bất hiếu")… Từng vấn đề được tác giả bóc tách khéo léo, giễu nhại sâu cay qua những trang viết tỉnh như không.

Với tập truyện này, Võ Tòng Đánh Mèo tiếp tục khẳng định tên tuổi trong làng viết trào phúng hiện nay.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết