12/03/2020 - 06:22

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng hiệu quả, thiết thực 

Cuối tháng 2 năm 2020, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (Cuộc vận động) đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động năm 2020. Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo đã nhìn nhận về thực tại khó khăn, thách thức và đưa ra những định hướng để Cuộc vận động ngày càng đi vào chiều sâu, lan tỏa và tiếp tục tạo ra những chuyển biến tích cực...

Khách hàng dùng thử sản phẩm chả cá thát lát của Công ty Cổ phần thực phẩm Phạm Nghĩa - một thương hiệu Việt được sản xuất tại Cần Thơ.

Hiệu quả thiết thực

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định, Cuộc vận động đã và đang mang lại những kết quả to lớn, hiện hữu cho doanh nghiệp sản xuất cũng như cho nền kinh tế của đất nước. Những kết quả đó góp phần hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu, bảo đảm cân đối cung- cầu. Đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng khan hàng, sốt giá, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết.

Năm 2020 là năm kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đặc biệt, ngay từ đầu năm, do tác động của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó, việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, khiến Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh kinh tế gay gắt. Từ những ký kết thương mại, hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn dẫn đến cạnh tranh với hàng trong nước, trong khi quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, sức cạnh tranh không cao. Đó thực sự là một thách thức lớn trong việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trong bối cảnh hiện nay, để Cuộc vận động ngày càng hiệu quả, cần chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử, kể cả thương mại điện tử qua biên giới. Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng, thị trường nội địa hiện nay lượng tiêu thụ hàng hóa rất lớn, chính vì vậy cần có nhiều chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất. Cùng đó, cần phải chú trọng tới công tác truyền thông từ doanh nghiệp với phương thức gần gũi, dễ hiểu. Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công thương, nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn ra tại nhiều nước, các doanh nghiệp Việt Nam càng cần phải phát huy hết năng lực sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngay tại thị trường trong nước. Do đó, việc cần nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, vận động, tận dụng thời cơ, phát huy thế mạnh, đối phó với thách thức, khó khăn khi Việt Nam đã chính thức tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA). Cùng đó, cần đưa ra những giải pháp triển khai hiệu quả chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết, hợp tác đầu tư…

Triển khai mạnh mẽ, sáng tạo

Nhằm đẩy mạnh công tác thực hiện Cuộc vận động, ngày 18-2-2020 Bộ Công thương ban hành Quyết định số 527/QĐ-BCT về kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Bộ Công thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2020 (Quyết định 527). Theo đó, các cơ quan đơn vị của Bộ Công thương sẽ triển khai nhiều hoạt động, tập trung vào 4 nhóm: đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của WTO; hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt đông xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; đổi mới công tác quản lý, tăng cường công tác quản lý thị trường bảo vệ người tiêu dùng.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động năm 2020, ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, cho biết, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động sẽ trình Ban Bí thư, Bộ Chính trị ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện Cuộc vận động trong giai đoạn 2020-2025. Ban hành hướng dẫn triển khai Cuộc vận động đến các tỉnh, thành ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương. Tổ chức khảo sát cách làm hay để chỉ đạo nhân rộng; đồng thời tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương để tham mưu khắc phục trong thời gian tới.

Tại TP Cần Thơ, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động được triển khai tích cực và đồng bộ. Bà Nguyễn Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Cần Thơ, cho biết, hoạt động trọng tâm năm 2020 đó là, cải tiến và nâng cao phương thức hoạt động của Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp trong thành phố theo hướng chủ động, tập trung. Công tác tuyên truyền phải được thực hiện lâu dài, bền bỉ, sâu rộng trong nhân dân, tạo được sự đồng bộ trong lĩnh vực truyền thông, nhằm tác động mạnh vào tâm lý, hành vi người tiêu dùng. Vận động các doanh nghiệp đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng, sản phẩm có thế mạnh ở địa phương, quan tâm xây dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa Việt Nam. Khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống phân phối hàng Việt, tổ chức hội thảo, triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại, đưa hàng Việt về nông thôn, khu đông dân cư. Đồng thời, tăng cường cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho doanh nghiệp và người dân…

Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, cũng đề nghị, Cuộc vận động cần được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, sáng tạo, thiết thực hơn nữa trong năm 2020. Công tác tuyên truyền về Cuộc vận động phải được đẩy mạnh, nhất là trên hệ thống báo chí cả nước với nội dung phong phú, đổi mới, hình thức hấp dẫn, qua đó nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân về Cuộc vận động trong bối cảnh mới. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đề cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng; chú trọng ứng dụng khoa học- công nghệ, đổi mới quản lý, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; coi trọng quảng bá sản phẩm, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chiếm lĩnh thị trường nội địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng... Song song đó, cần thực hiện tốt hơn việc giám sát tiêu thụ hàng hóa, nông sản của Việt Nam nhằm tránh tình trạng hàng nước ngoài lợi dụng uy tín dán mác hàng Việt Nam để tiêu thụ, bởi nó còn làm ảnh hưởng xấu nhiều mặt đối với nền kinh tế đất nước... Đặc biệt, các cơ chế, chính sách về cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh cần sớm được nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tháo gỡ khó khăn, tập trung kết nối cung- cầu; đẩy mạnh liên kết giữa nhà sản xuất- phân phối- người tiêu dùng… Tiếp tục có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, tăng cường chế tài xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo  an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bài, ảnh: KHÁNH NAM

Chia sẻ bài viết