Hiện nay, tại TP Cần Thơ có 2 cơ sở y tế (BVĐK Trung ương Cần Thơ và BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long) thực hiện kỹ thuật đặt stent mạch vành. Những bệnh nhân ở ĐBSCL bị nhồi máu cơ tim cấp được cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng, vì không phải lên các bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, đặt stent mạch vành không giúp chấm dứt tình trạng xơ vữa động mạch. Do vậy, muốn tránh tái cơn nhồi máu cơ tim, ảnh hưởng tính mạng, người bệnh phải có cuộc sống lành mạnh, nhất là tuyệt đối tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ.
 |
Tập thể dục dưỡng sinh giúp người cao tuổi nâng cao sức khỏe. Ảnh: LỆ THU |
Từ tháng 12-2012 đến nay, BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đã thực hiện trên 100 ca đặt stent mạch vành cho bà con bệnh nhân ở ĐBSCL. Sau mỗi ca điều trị, qua công tác tư vấn, trao đổi với người bệnh và thân nhân, các y, bác sĩ BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đã phát hiện trên 60% bệnh nhân chưa hiểu tầm quan trọng của chế độ chăm sóc sức khỏe sau đặt stent. Nguy hại hơn, nhiều bệnh nhân cho rằng, đặt stent đã chấm dứt bệnh mạch vành, có thể sinh hoạt bình thường như người được mổ nội soi. Bác sĩ Trần Minh Hậu, Trưởng khoa Nội Tim mạch BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long, cho biết: Đó là sai lầm rất nguy hiểm, vì đặt stent chỉ giúp giải quyết vị trí tắc nghẽn của dòng máu, mà không giúp điều trị những chỗ hẹp khác đã có rất lâu trước đó do xơ vữa động mạch (là nguyên nhân gây bệnh). Do vậy, nếu bệnh nhân chủ quan không tuân thủ chế độ chăm sóc sức khỏe theo tư vấn của bác sĩ thì nguy cơ tái bệnh rất cao, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
Hiện nay, trong số những bệnh nhân được đặt stent nong mạch vành có nhiều người là bác sĩ; mang trong người từ 1 - 3 stent nhưng vẫn sinh hoạt, làm việc như người khỏe mạnh, người ngoài khó nhận biết. Bản thân bác sĩ luôn biết cách chăm sóc sức khỏe một cách hiệu quả nhất. Tuy nhiên, bất kỳ ai khi lên cơn nhồi máu cơ tim, bị đột quỵ và đặt stent nong mạch vành kịp thời, khi tỉnh lại sau cơn thập tử nhất sinh đều có tâm trạng phấn khởi. Trạng thái này dễ làm người bệnh rơi vào tâm lý quá chủ quan về sức khỏe. Đây là vấn đề nguy hiểm đối với người vừa được đặt stent nong mạch vành. Còn nhớ trường hợp bác sĩ H.H đã tử vong khoảng 10 ngày, sau khi được cấp cứu đặt stent mạch vành thành công tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Do bác sĩ H.H. quá chủ quan, đi bộ thể thao trong vườn nhà và lên cơn đau ngực, gia đình không kịp đưa đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh cấp cứu (việc cấp cứu mạch vành phải được xử lý bằng máy DSA để chụp mạch máu số hóa xóa nến. Thời điểm đó chỉ có các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh mới có máy DSA). Hiện nay, tại ĐBSCL, ngoài BVĐK Trung ương Cần Thơ và BVĐK Hoàn Mỹ Cửu Long đã trang bị máy DSA còn có BVĐK tỉnh Kiên Giang. Thời gian qua, ba bệnh viện này không chỉ thực hiện các ca đặt stent mạch vành theo diện cấp cứu cho bệnh nhân lên cơn đột quỵ vì bị nhồi máu cơ tim, mà còn đặt stent mạch vành cho người có sử dụng thẻ bảo hiểm y tế, chủ động khám bệnh - chụp DSA vì có cơn đau lói ở ngực trái và phát hiện bệnh lý mạch vành, đã chủ động điều trị sớm (đặt stent). Với trường hợp đặt stent mạch vành khi chưa lên cơn nhồi máu cơ tim, bệnh nhân càng "khỏe mạnh" hơn, do mỗi ca đặt stent mạch vành chỉ diễn ra trong khoảng 30 phút, bệnh nhân không phải gây mê. Bác sĩ đưa stent vào người bệnh nhân qua động mạch từ cổ tay hoặc từ đùi, cách làm (luồng ống) đơn giản như tiêm thuốc , bệnh nhân có thể quan sát qua màn hình. Chính sự quá "hiện đại" này, càng làm cho bệnh nhân chủ quan. Anh hùng lực lượng vũ trang - Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Văn Út, hiện là Chủ tịch Hội Y học TP Cần Thơ, đã đặt 2 stent vào năm 64 tuổi (năm 2007), tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Là người đặt stent mạch vành theo diện chủ động, 7 năm qua, bác sĩ Nguyễn Văn Út đã cẩn trọng trong việc chăm sóc sức khỏe tim mạch và đã rút ra những kinh nghiệm thật hữu ích. Đó là, do đời sống công nghiệp, bệnh mạch vành đang dần xuất hiện ở người trên 50 tuổi. Ở tuổi này, hầu hết đều là người chủ gia đình, cần duy trì mối quan hệ làm ăn ngoài xã hội nên việc tuân thủ lối sống lành mạnh, không hút thuốc và tránh xa rượu bia là điều khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Văn Út đã đưa ra những lời khuyên hữu ích như sau:
Xơ vữa động mạch là bệnh lý xuất phát từ tình trạng lắng đọng của mỡ máu trên thành mạch dẫn đến hẹp lòng mạch, ảnh hưởng lên động mạch toàn thân, trong đó có động mạch vành. Đặt stent giúp giải quyết vị trí tắc nghẽn của dòng máu mạch vành, nhưng không giúp điều trị được tình trạng xơ vữa động mạch. Sự tắc nghẽn động mạch vành có thể tiếp tục xảy ra ở những vị trí khác của hệ thống mạch vành. Do vậy, sau khi được đặt stent, người bệnh phải dùng một loại thuốc đặc biệt chống tạo cục máu đông tại vị trí stent, chống tái hẹp trong lòng động mạch vành hoặc thuốc điều trị các căn bệnh mãn tính khác (nếu có) như đái tháo đường. Việc uống thuốc chỉ một lần/ngày và để phát huy tối đa tác dụng của thuốc, người bệnh không được quên - không được bỏ cử và phải uống thuốc đúng giờ sau bữa ăn. Ví dụ, uống vào 8 giờ sau bữa điểm tâm hoặc sau bữa ăn trưa thì phải giữ đều đặn như vậy. Nên cài giờ uống thuốc vào điện thoại di động và phải thủ một phần thuốc để sẵn trong bóp đựng tiền, để khi đi công tác, đi chơi xa thì vào giờ đó vẫn nhớ và vẫn có thuốc để uống. Trong chế độ dinh dưỡng phải dùng nhiều trái cây, rau quả và ngũ cốc thô hay còn gọi là hạt toàn phần (whole grains) là những loại hạt còn lớp vỏ lụa bên ngoài. Giảm ăn mỡ và muối, nên ăn cá thường xuyên. Không nên ăn quá no vì gây chèn ép cơ hoành, nhịp tim sẽ tăng hơn bình thường. Không nên ăn cơm sau 18 giờ, chỉ nên uống sữa hoặc các chế phẩm của sữa. Không nên thức khuya. Khi ngủ nên tập tạo thói quen có giấc ngủ sâu. Tránh bị táo bón. Nếu có đái tháo đường đi kèm, người bệnh nên tuân thủ chế độ ăn của bệnh nhân đái tháo đường để kiểm soát tốt đường huyết. Nên kiểm soát huyết áp bằng cách làm dân gian, đơn giản là tự bắt mạch ở cổ tay trái, huyết áp tốt nhất là 65 nhịp tim/phút. Phải tập thói quen tự "bắt mạch" mỗi ngày như thói quen uống thuốc đúng giờ. Nhiều trường hợp người đặt stent trong độ tuổi lao động, nên sau khi đặt stent, người bệnh phải từng bước thích nghi với cuộc sống, như: không nên khuân vác hoặc các hoạt động thể lực nặng. Đặc biệt, trong tháng đầu tiên, bệnh nhân cố gắng nghỉ ngơi, đi bộ không quá 20 phút/ngày; được làm bếp, nấu ăn nhưng không nên đứng lâu quá 20 phút. Điều quan trọng nhất là người đã đặt stent phải luôn giữ tâm lý ổn định, tự kiểm soát căng thẳng; trường hợp gặp tình huống căng thẳng, nên hít thở sâu, tự bình ổn tâm lý.
Đình Khôi