02/09/2010 - 15:44

Cuộc sống mới ở những khu dân cư tiên tiến...

Nhân dân khu vực 5 (phường An Cư, quận Ninh Kiều) tổng vệ sinh cho khu phố sạch đẹp chào mừng Quốc khánh 2-9. Ảnh: NGỌC QUYÊN

Những năm qua, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” (TDĐKXDĐSVHƠKDC) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) các cấp phát động ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, khá toàn diện trong đời sống nhân dân. Qua đó, cuộc vận động đã góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, ra sức góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển của các tầng lớp nhân dân. Trong không khí thành phố tưng bừng kỷ niệm Quốc khánh 2-9, chúng tôi xin giới thiệu “cuộc sống mới” ở hai khu dân cư tiêu biểu trong số 559 khu dân cư tiên tiến của thành phố.

Đến khu vực 5, phường An Cư, quận Ninh Kiều, nơi nhiều năm giữ vững danh hiệu khu dân cư tiên tiến, chúng tôi khá bất ngờ trước sự đổi mới nhanh chóng của bộ mặt đô thị. Theo những người sống lâu năm ở đây, bây giờ bộ mặt đô thị, cuộc sống người dân đã đổi mới gấp trăm lần so với những năm đầu mới giải phóng. Thay cho những căn nhà lụp xụp, tạm bợ, đường sá lầy lội ngày nào là những ngôi nhà tường khang trang, những con hẻm bê tông sạch đẹp. Ông Phan Văn Nguyện, một cán bộ hưu trí định cư tại khu vực 5 từ năm 1989 đến nay, cho biết: “Trước đây, mấy con hẻm trong khu vực đều nhỏ hẹp, đi lại khó khăn. Từ khi được nhà nước đầu tư nâng cấp mở rộng các hẻm, bà con cũng sửa sang nhà cửa, làm cho khu phố thêm bừng sáng”. Ở khu vực 5, cùng với 8 con hẻm nằm trong Dự án Nâng cấp đô thị được đầu tư xây dựng sạch đẹp, 9 con hẻm nhánh còn lại đều do nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng. Bà Nguyễn Thị Lắm, nhà trong hẻm nhánh của hẻm 38 thuộc khu vực 5, cho biết: “Con hẻm nhánh này dài khoảng 50 mét, do mặt hẻm khá thấp nên trước đây thường bị ngập khi mưa xuống. Được chính quyền địa phương vận động, bà con đã góp khoảng 10 triệu đồng nâng cấp hẻm cao ráo”. Phong trào xây dựng các con hẻm đẹp do quận, phường phát động được nhân dân trong khu vực hưởng ứng tích cực. Đồng chí Lâm Thanh Hùng, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng khu vực 5, nói: “Sau khi các hẻm được nâng cấp, mở rộng, chúng tôi phát động bà con xây dựng hẻm đẹp. Các hộ đều đồng tình, cam kết thực hiện đúng các quy định như: thường xuyên quét dọn, không thả rong súc vật ra đường, phóng uế bừa bãi, không vứt rác, không được phơi quần áo trước mặt tiền nhà...”.

Đến thăm một số gia đình trước đây từng nghèo khó, nay vươn lên đủ ăn, khấm khá, càng cảm nhận được sự chuyển biến về nhiều mặt trong đời sống người dân. Sự chuyển biến ấy không chỉ ở ý thức phấn đấu vươn lên, sự tích cực góp phần xây dựng khu dân cư mà còn ở tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp nhau trong cuộc sống. Với sự hợp sức giúp đỡ của cán bộ phường, khu vực và các đoàn thể, nhiều hộ đã được giúp đỡ thoát nghèo, có cuộc sống ổn định hơn. Điển hình như Hội Phụ nữ khu vực đã kết hợp với phường giới thiệu cho 51 lượt hộ vay vốn ngân hàng với số tiền hơn 150 triệu đồng. Cùng với quan tâm giới thiệu việc làm cho lao động, hàng năm khu vực thường xuyên vận động nhân dân, các mạnh thường quân giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn hơn một ngàn ký gạo, nhiều phần quà, phối hợp sửa chữa nhà cho hộ nghèo. Nếu như năm 2008, khu vực có 12 hộ nghèo và 26 hộ cận nghèo nhưng đến cuối năm 2009 khu vực chỉ còn 2 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo và trong khu vực không còn nhà lá.

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến nhiều năm qua được nhân dân khu vực tích cực hưởng ứng, đạt hiệu quả ngày càng cao, hàng năm nhân dân đóng góp các nguồn quỹ đạt 100%, tỷ lệ hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa chiếm 98,68% (năm 2009). Những năm gần đây, nhờ phường cùng với nhân dân thực hiện nhiều giải pháp quyết tâm bài trừ tệ nạn xã hội, xây dựng khu vực văn hóa, an toàn mà tình hình an ninh trật tự ổn định hơn. Đội bảo vệ dân phố cũng thường xuyên tuần tra canh gác, giải quyết kịp thời những vụ việc xảy ra trong khu vực. Theo đồng chí Lâm Thanh Hùng, Phó Bí thư chi bộ, Trưởng khu vực 5, những lần họp dân, khu vực đều kết hợp tuyên truyền các chính sách pháp luật để nhân dân hiểu không vi phạm. Đối với những đối tượng gây mất an ninh trật tự, trộm cắp, vướng vào các tệ nạn xã hội thì tổ chức công khai hóa hành động để bà con đóng góp ý kiến xây dựng, nếu tái phạm sẽ báo về trên đưa vào trường giáo dục. Thời gian qua, có những trường hợp như T.Q.L từng bị bạn bè lôi kéo hư hỏng, được cán bộ khu vực và bà con giúp đỡ, cảm hóa đã sửa đổi, có nhiều tiến bộ và được kết nạp vào Đoàn. Những vụ mâu thuẫn, xích mích nhỏ trong nội bộ nhân dân đều được Ban hòa giải khu vực giải quyết kịp thời, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm... Kể về những chuyển biến mới ở khu vực 5, đồng chí Trần Văn Kiên, Chủ tịch UBMTTQVN phường An Cư, ghi nhận: “Khu vực 5 là một trong những khu vực luôn hoàn thành tốt chỉ tiêu, các phong trào thi đua đề ra hàng năm. Nhiều năm liền khu vực được công nhận khu dân cư tiên tiến và giữ vững danh hiệu khu vực văn hóa; đồng thời được công nhận là khu vực 4 không (không tội phạm, ma túy, mại dâm, người lang thang ăn xin).

Rời trung tâm thành phố Cần Thơ, chúng tôi đến ấp Thầy Ký, thị trấn Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, nơi nhiều năm liền được xem là mô hình tiêu biểu trong các khu dân cư tiên tiến của thành phố. Con đường từ trung tâm thị trấn vào ấp Thầy Ký ngày nào nắng bụi, mưa sình nay đã được trải nhựa phẳng lỳ. Dọc hai bên bờ kinh Thầy Ký, nhiều căn nhà tường khang trang thấp thoáng ẩn hiện trong biển lúa xanh rì hút tầm mắt... Theo ông Trương Văn Nhai, một trong những người dân cố cựu ở đây, ấp Thầy Ký được hình thành từ hơn 54 năm trước. Hầu hết dân trong ấp theo đạo Thiên chúa, quê ở tỉnh Hải Dương và Hải Phòng, theo Linh mục Nguyễn Hưng vào lập nghiệp tại vùng đất này từ năm 1956. Khi ấy, vùng đất Thầy Ký toàn là đất hoang, cỏ lác, lau sậy mọc quá đầu người, chưa có đường vào, vài chục hộ dân đến đây sống tập trung ở đầu tuyến kinh Thầy Ký (cặp Quốc lộ 80 bây giờ - PV). Sau nhiều năm cần cù khai phá, diện tích đất trồng trọt các hộ dần mở rộng, dân số cũng ngày một tăng thêm. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cùng với cả nước, nhân dân ấp Thầy Ký ra sức lao động, sản xuất, đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ngày một no ấm, tiến bộ hơn...

Theo ông Hoàng Văn Nhơn, Trưởng ấp Thầy Ký, hiện nay toàn ấp có 419 hộ, 2.261 nhân khẩu, cuộc sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Toàn ấp có trên 558 ha đất ruộng. Năm 1989 trở về trước, do chỉ trồng một vụ lúa mùa, đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, hàng năm phần lớn gia đình trong ấp đều thiếu ăn từ 6 tháng trở lên. Từ năm 1990, dưới sự lãnh đạo của chính quyền địa phương, nhân dân trong ấp từng bước chuyển đổi sản xuất, làm 2 vụ lúa/năm, cuộc sống dần được nâng lên. Từ năm 2000 đến nay, bà con đã tích cực đóng góp công sức, tiền của đầu tư xây dựng hệ thống đê bao khép kín, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống lúa mới vào sản xuất nên năng suất lúa đạt từ 14,5-15 tấn/ ha (tăng hơn trước 6 tấn/ ha). Song song đó, nhiều hộ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi heo. Hiện nay có đến 95% hộ nuôi heo nái. Nhờ áp dụng các mô hình làm kinh tế hiệu quả, đời sống nhân dân ngày càng khấm khá. Đến nay, ấp có 80% hộ có mức sống giàu khá, chỉ còn 1,3% hộ nghèo; 100% hộ đã có nhà tường kiên cố, 95% hộ có xe gắn máy. Đi đến đâu, chúng tôi cũng dễ dàng tìm thấy những mô hình làm kinh tế hiệu quả cho thu nhập cao. Điển hình như hộ ông Vũ Văn Vinh, nhờ chuyển 3 ha ruộng từ trồng một vụ lúa/năm sang trồng 2 vụ lúa chất lượng cao và phát triển chăn nuôi heo nái (mỗi năm xuất chuồng gần 200 con heo giống) cuộc sống gia đình ông ngày càng khá giả.

Kinh tế phát triển bà con ấp Thầy Ký đã có điều kiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Theo ông Hoàng Văn Nhơn, Trưởng ấp Thầy Ký, ấp có 558 ha ruộng, trước đây, sau khi thu hoạch xong vụ lúa hè thu, các chủ nuôi vịt ở Nông trường Cờ Đỏ, tỉnh An Giang, Đồng Tháp... thường đưa vịt chạy đồng về đây nuôi. Để tạo thêm nguồn quỹ phúc lợi cho ấp, từ năm 1996, Chi ủy và Ban Nhân dân ấp đã họp dân thống nhất cho các chủ vịt thuê ruộng nuôi vịt. Từ năm 2001 đến nay, bình quân mỗi ha ruộng Ban Nhân dân ấp cho các chủ nuôi vịt thuê 800 ngàn đồng, mỗi năm ấp thu được gần 400 triệu đồng. Số tiền thu được, dành 60% cho các tổ tự quản để bơm nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân và tu sửa hệ thống thủy lợi nội đồng, 40% còn lại lập quỹ phúc lợi của ấp, được gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Khi quỹ phúc lợi tích lũy được số tiền khá lớn, Chi ủy và Ban nhân dân ấp họp dân bàn bạc xuất quỹ để xây dựng các công trình phúc lợi, phục vụ dân sinh. Ông Vũ Đức Minh, Bí thư Chi bộ ấp Thầy Ký, kể: “Năm 2002 đến nay, được sự thống nhất của nhân dân, chúng tôi đã trích hơn 1,5 tỉ đồng quỹ phúc lợi và vận động nhân dân hiến hàng ngàn mét vuông đất cùng với nhà nước trải nhựa và bê tông 5,9 km đường giao thông. Ngoài ra, chúng tôi còn trích quỹ phúc lợi 240 triệu đồng xây dựng 6 cầu bê tông; trích 30 triệu đồng để lắp đèn chiếu sáng, trồng hoa điệp vàng trên các tuyến đường trong ấp và trích 23 triệu đồng nâng cấp, sửa chữa cụm trường mẫu giáo trên địa bàn”. Ông Bùi Trọng Sáu, một người dân trong ấp, phấn khởi nói: “Chính quyền đưa ra chủ trương đúng, có lợi cho dân, nên chúng tôi luôn ủng hộ và sẵn sàng góp công, góp của để xây dựng các công trình, góp phần cùng nhà nước xây dựng quê hương phát triển”. Đến nay, 100% các tuyến đường trong ấp Thầy Ký đều được trải nhựa, bê tông rộng từ 3 đến 3,5 mét, 100% cầu được xây dựng kiên cố, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, khang trang.

Phong trào TDĐKXDĐSVHƠKDC được nhân dân hưởng ứng tích cực, với thành tích đạt được rất toàn diện. Theo các đồng chí lãnh đạo ấp Thầy Ký, bên cạnh những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương, các vị Linh mục và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, các quy định của địa phương, và trong giáo dục công dân sống lành mạnh, có ích... Hàng năm trong ấp có trên 97% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Ấp 5 năm liền được công nhận đạt danh hiệu ấp “3 không” và 6 năm liền đạt danh hiệu ấp văn hóa tiêu biểu. Đây cũng là ấp nhiều năm có phong trào khuyến học rất mạnh. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng hầu hết các gia đình đều chăm lo cho con ăn học đến nơi đến chốn, không cam chịu để con cái thất học. Tiêu biểu như gia đình chị Bùi Thị Mỹ Linh, có 3 con tốt nghiệp đại học có việc làm ổn định và 1 con đang học đại học tại TP Hồ Chí Minh; hay như gia đình ông Cao Văn Chất, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng ông đã quyết tâm lo cho 6 người con vào đại học. Theo thống kê của Ban Nhân dân ấp, hiện nay, các hộ trong ấp có 2 tiến sĩ, 6 thạc sĩ, 42 kỹ sư các ngành, 72 giáo viên các cấp, 6 bác sĩ, 1 luật sư và trên 150 con em đang học tại các trường đại học, cao đẳng, THCN. Với vẻ tự hào, trân trọng, đồng chí Đoàn Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Thạnh An, nói với tôi khi chia tay: “Ấp Thầy Ký là đơn vị tiêu biểu nhất của thị trấn Thạnh An về thực hiện các phong trào. Hàng năm, các chỉ tiêu trên giao ấp luôn hoàn thành vượt mức. Hai năm nay, ấp Thầy Ký đang được huyện Vĩnh Thạnh chọn điểm xây dựng ấp văn hóa toàn diện của huyện...”.

Những thành quả mà hai khu dân cư tiên tiến đã đạt được là kết quả của quá trình nỗ lực rất lớn của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ban, ngành đoàn thể địa phương cùng với sự đóng góp to lớn của nhân dân. Sự chuyển biến thật sự ở từng khu dân cư tiên tiến chính là biểu hiện sinh động quyết tâm của các thế hệ cách mạng hôm nay nhằm thực hiện mục tiêu mà Đảng ta và Bác Hồ xác định là đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

THANH THY - ANH DŨNG

Chia sẻ bài viết