18/10/2020 - 10:00

Cuộc chiến trực tuyến đang chuyển hướng 

Chưa bao giờ thị phần phát trực tuyến được quan tâm như hiện nay, bởi thị trường liên tục biến động, trong đó có ảnh hưởng từ dịch COVID-19. Các hãng, đơn vị sản xuất đều không còn nắm quyền chủ động trong việc dự báo tình hình như trước. Cuộc cạnh tranh phân chia lại thị phần vẫn đang diễn ra quyết liệt.

Ứng dụng Netflix Party.

Tháng 10-2019, thống kê cho thấy người dùng chỉ chịu chi trả sử dụng bình quân khoảng 4 dịch vụ phát trực tuyến, giảm 2 dịch vụ so với năm 2018. Thống kê này ảnh hưởng đến chiến lược kinh doanh của nhiều đơn vị phát trực tuyến. Khi đó, Apple+ và Disney+ vẫn chưa ra mắt, nhưng cả hai đều đã sẵn sàng xâm nhập vào mảng trực tuyến. Tuy nhiên, thống kê cũng cho thấy mức giá bình quân người dùng chịu chi trả mỗi tháng cho dịch vụ phát trực tuyến cũng thay đổi, tăng từ 36 USD (năm 2018) lên 42 USD (2019). Ðiều này có nghĩa là người dùng sẽ sẵn sàng bỏ tiền chi cho dịch vụ thuê bao mà họ thích. Như vậy, để cạnh tranh, các nền tảng trực tuyến phải tập trung đầu tư vào chất lượng và nội dung.

Một trong những đơn vị tiên phong và hiểu khách hàng nhất trong lĩnh vực trực tuyến chính là Netflix. Sở hữu đến 190 triệu người dùng ở hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ, Netflix đang chiếm thị phần phát trực tuyến lớn nhất ở mảng giải trí. Với mục tiêu hướng vào thị trường bình dân, Netflix xây dựng nội dung đa dạng với đủ thể loại: kinh dị, tâm lý, tình cảm, hài hước… có sự tham gia của đầy đủ các ngôi sao, đạo diễn ở nhiều thứ hạng. Năm 2019, Netflix đã chi đến 15 tỉ USD vào sản xuất nội dung, đến năm 2020 con số này đã lên 17 tỉ USD, tăng gấp đôi so với năm 2018 (khoảng 8 tỉ USD). Năm 2019, đơn vị này sản xuất đến 371 tác phẩm (truyền hình và điện ảnh), bình quân mỗi ngày có một tác phẩm mới. Ðó chính là lý do vì sao người dùng hay chọn Netflix, với nội dung luôn được cập nhật, đa dạng. Ðặc biệt, gần đây Netflix còn tấn công vào mảng nội dung bản địa khi hướng đến các thị trường ở châu Á, Trung Ðông. Nhiều phim đã được tìm kịch bản tại Nhật, Hàn, Singapore, Ấn Ðộ, Syria… sử dụng đạo diễn, diễn viên người bản địa, cho phép sự tiếp cận thị trường gần gũi và hiệu quả hơn.

Trong khi Netflix hướng đến thị trường bình dân, thì Disney lại có chiến lược khác, bởi sinh sau đẻ muộn hơn. Nền tảng trực tuyến Disney+ phải lựa chọn cách tiếp cận người dùng, với “chiêu bài” là những phim thương hiệu. Nếu nói Netflix là “vua” về nội dung phim nguyên tác mới, thì Disney luôn giữ thế độc tôn về nội dung phim thương hiệu lớn. Hệ thống vũ trụ các phim anh hùng của Disney đủ sức lôi kéo người dùng và tạo kho dữ liệu khổng lồ cho Disney+. Nội dung của nền tảng này có thể cung cấp đến hơn 7.000 phim, đa dạng các thể loại, từ phim thương hiệu riêng của hãng đến các thương hiệu tích hợp từ Pixar, Fox. Thế nên, chỉ mới ra mắt chưa đầy 1 năm, Disney+ đã có hơn 60 triệu người dùng.

Rõ ràng trong cuộc chiến về nội dung, Netflix và Disney+ đều có những hướng đi phù hợp với thế mạnh của mình và tiếp cận được thị hiếu khán giả. Nếu so về nội dung, Apple và Amazon đều yếu thế trong mảng giải trí, nên họ lựa chọn chiến lược theo hệ thống độc quyền. Ðiều này hoàn toàn phù hợp với Apple khi trước nay giữ thế độc tôn về phương pháp và công nghệ này với hàng loạt các sản phẩm: iPhone, iTunes, iPad, AirPops… Cho nên Apple+ là một phép cộng trong chuỗi hệ thống và điều này làm cho những khách hành trung thành của thương hiệu hài lòng. Amazon không có thế độc tôn như Apple, nên áp dụng hình thức tặng kèm Prime. Ðiều này có vẻ như trong cuộc cạnh tranh về phát trực tuyến, Apple và Amazon chỉ giữ mục tiêu không bị bỏ ngoài cuộc đua.

Nhiều dự đoán rằng, trong lĩnh vực giải trí, các dịch vụ trực tuyến sẽ ngày càng chiếm thị phần hơn, so với hệ thống rạp đang rơi vào tình trạng trì trệ. Các dịch vụ phát trực tuyến không chỉ ngày càng đa dạng mà còn đánh vào tâm lý của người dùng. Các đơn vị đang triển khai mô hình tương tác để giữ chân người dùng, trong đó Netflix tiên phong ứng dụng Netflix Party dành cho những người muốn trò chuyện khi xem một nội dung cùng nhau. Vấn đề cá nhân hóa người dùng và những tương tác trực tuyến đang trở thành mối quan tâm mới, khiến các nền tảng trực tuyến không ngừng thay đổi và phát triển.

BẢO LAM (Theo Forbes,  Hollywoodreporter, Variety)

Chia sẻ bài viết