20/11/2021 - 08:21

Cùng nhau vượt khó 

Dịch COVID-19 ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều gia đình. Không ít người phải tạm dừng công việc hiện tại, mất đi thu nhập. Tuy nhiên, cũng có nhiều cặp đôi đã xoay xở, chuyển hướng thích ứng với tình hình dịch bệnh để đảm bảo kinh tế gia đình.

Vợ chồng chị Kim Cúc soạn đơn hàng để chuẩn bị giao cho khách. Ảnh: nhân vật cung cấp

Duy trì công việc, đảm bảo nguồn thu nhập là vấn đề mà gia đình chị Võ Thị Phương Thảo ở quận Ninh Kiều, luôn quan tâm. Chị Phương Thảo là giáo viên mầm non, công tác tại một trường tư thục. Chồng chị - anh Lê Hiếu Lộc làm thợ điện nước, thường xuyên theo những công trình. Những ngày đầu dịch bùng phát, vợ chồng chị mang tâm lý nghỉ ở nhà, chờ hết dịch đi làm lại. Nhưng sau vài tháng, tiền tích lũy cạn dần, hơn nữa, qua các phương tiện truyền thông, chị Thảo hiểu dịch sẽ còn kéo dài. Do vậy, chị xác định không thể ngồi không chờ hết dịch mà phải chuyển hướng thích ứng để cải thiện kinh tế gia đình.

Chị Phương Thảo kể: “Vợ chồng tôi có hai con nhỏ. Trước kia, thu nhập mỗi tháng của chúng tôi góp lại khoảng 10 triệu đồng, vừa đủ chi phí sinh hoạt. Chưa kể tháng nào con bệnh, gia đình sẽ thiếu hụt. Cho nên, chúng tôi không thể ngồi chờ”. Vợ chồng chị bàn bạc, rồi quyết định chị Phương Thảo sẽ tập tành bán thức ăn “online” cho người quen. Ban đầu, chủ yếu là phụ huynh ủng hộ, rồi dần dần mở rộng khách hàng. Chị khéo tay, trình bày món ăn bắt mắt, đảm bảo chế biến hợp vệ sinh, giá cả phải chăng nên khách hàng ngày càng nhiều. Sau này, chị mở rộng bán thêm các mặt hàng bột giặt, nước rửa chén, đồ chơi trẻ em… Chị Thảo cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi thấy các gia đình  thường muốn mua sắm nhiều sản phẩm cùng một nơi cho tiện lợi, nên tôi mở rộng thêm sản phẩm. Từ đó, tôi có thêm nhiều khách đặt hàng theo kiểu “combo”. Khi công việc của tôi ổn định, chồng cũng vào làm bảo vệ cho một quán cà phê gần nhà. Nhờ vậy, gia đình tôi duy trì được thu nhập để lo cho các con, không phải chịu áp lực như hồi tạm nghỉ việc”.

Anh Nguyễn Thanh Bé và chị Nguyễn Thị Kim Cúc ở quận Cái Răng, cũng chuyển hướng làm kinh tế. Hiện anh chị kinh doanh khá thuận lợi với việc bán các mặt hàng từ thủy hải sản đến tiêu dùng, mỹ phẩm. Chị Kim Cúc kể, chị làm viên chức nhà nước, nên khi dịch bệnh, chị vẫn đi làm, được hưởng lương. Tuy nhiên, ông xã chị làm trong tổ hiện trường cho các đoàn phim, thường xuyên rày đây mai đó. Khi dịch bùng phát, anh Bé phải nghỉ việc. Trong thời gian này, anh chị kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như cá, thịt, rau củ quả... tại nhà. Sau này, chị Cúc tìm hiểu, lựa chọn những đặc sản từng vùng, chất lượng đã được người tiêu dùng đánh giá, rồi tự tay chế biến, dùng thử. Khi nào vợ chồng ưng ý mới giới thiệu cho khách. Do vậy, mỗi sản phẩm chị “tung ra” đều hút khách. Ðến nay, anh chị đã chính thức làm chủ “shop”, duy trì hai kênh, vừa bán hàng trực tiếp vừa bán qua mạng.

Bên cạnh những cặp đôi có trình độ, nhạy bén trong kinh doanh, vốn liếng ổn, công việc mới không làm khó họ nhiều thì đối với nhiều người trước giờ lao động chân tay, thời vụ, khi dịch bệnh diễn ra, cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng rất lớn. Ngay thời điểm khó khăn, các tổ chức đoàn thể địa phương đã kịp thời hỗ trợ, giúp nhiều gia đình tìm hướng đi mới để tạo thu nhập. Ðiển hình như vợ chồng chị Võ Thị Bích Vân và anh Nguyễn Minh Tâm ở phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng. Trước kia, anh chị đều làm phụ hồ, rày đây mai đó theo những công trình, nhà có hai con nhỏ phải nhờ họ hàng trông nom tiếp. Chị Bích Vân bàn với chồng, mạnh dạn vay 10 triệu đồng của Hội LHPN phường, để bán rau củ, trái cây. Nhờ vậy, mấy tháng dịch bệnh, vợ chồng chị vẫn duy trì được thu nhập, dù không nhiều nhưng ổn định, để vượt qua khó khăn. Hiện tại, sạp rau củ và trái cây của chị Vân đã có nhiều khách hàng ủng hộ. Anh Tâm cũng bắt đầu có công trình làm lại. Theo chị Nguyễn Ngọc Cẩm Em, Chủ tịch Hội LHPN phường Hưng Thạnh, quận Cái Răng, không riêng chị Vân, nhiều phụ nữ trên địa bàn đã năng động, linh hoạt tìm hướng đi mới, ổn định kinh tế gia đình.

Duy trì công việc giúp cho các cặp đôi không mắc phải stress vì cảm giác bức bối khi không làm gì ra tiền, cuộc sống khó khăn, bế tắc. Nếu các cặp đôi đang có những khó khăn, loay hoay về hướng kinh doanh, nguồn vốn, có thể liên hệ các đoàn thể địa phương để được tư vấn, hỗ trợ. Trước khó khăn của gia đình, điều quan trọng là vợ chồng đồng lòng, có sự bàn bạc, góp ý cùng nhau. Trong quá trình chuyển hướng làm ăn, sẽ phát sinh nhiều vấn đề, phải cùng nhau “gỡ rối”. Ðồng lòng, sẻ chia, quyết tâm vượt khó, chu toàn cho “tổ ấm” là động lực để nhiều cặp đôi biến ý tưởng thành hiện thực…

TÂM KHOA

Chia sẻ bài viết