“Nghe đài báo có áp thấp nhiệt đới nhưng mình chẳng lo chút nào. Được phục vụ văn nghệ cho các chiến sĩ Trường Sa, mình cảm thấy tự hào và hạnh phúc lắm
”. Tâm sự của diễn viên Thạch Thị Ngọc Xuân (Đoàn Văn công Quân khu 9) cũng là suy nghĩ của nhiều diễn viên trong Đoàn. Có những người đã đến Trường Sa lần thứ hai, thứ ba, nhưng trong họ vẫn vẹn nguyên cảm xúc phấn chấn, và khát khao được ca hát phục vụ những người lính đảo kiên cường, ngày đêm bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc
Trong chuyến đi thăm Trường Sa lần này, Đoàn Văn công Quân khu 9 có 12 người. Đặc biệt, trong 9 diễn viên thì đã có 8 nữ. Vừa mang vali quần áo xuống tàu, diễn viên Đào Ngọc Đầy, phấn khởi chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên mình ra Trường Sa phục vụ văn nghệ. Nghe các anh chị trong đơn vị kể những chuyến đi phục vụ trước đây rất vui. Các cán bộ, chiến sĩ, nhân dân đón tiếp nồng hậu và cổ vũ rất nhiệt tình. Đây là động lực lớn lao để anh chị em trong đoàn hăng hái luyện tập, biểu diễn”. Đại úy Nguyễn Thanh Thúy, diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 9, tiếp lời: “Mấy ngày qua, chúng tôi ráo riết luyện tập, chuẩn bị 15 tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước... Đây là tình cảm chân thành của những người ở đất liền dành tặng cán bộ, chiến sĩ và bà con ở Trường Sa”.
 |
Chiến sĩ Phạm Ngọc Dự (đảo Sinh Tồn) song ca bài “Trường Sơn Đông
Trường Sơn Tây) với ca sĩ Đào Ngọc Đầy (Đoàn văn công QK9). |
Tâm huyết của các diễn viên càng được khẳng định qua những ngày vật lộn với sóng biển. Hầu hết mọi người chỉ ăn uống qua quýt vì say sóng, vì lạnh... Thế nhưng tại phòng số 17 của tàu HQ957, không khí luôn rộn ràng, nhộn nhịp, các diễn viên say sưa tập hát. Đại úy Nguyễn Thanh Thúy kể: “Hai ngày nay chị em chúng tôi chỉ uống nước và ăn mì gói “cầm hơi” chứ không đến nổi phòng ăn. Nhưng ngay lúc lên tàu chúng tôi đã xác định nhiệm vụ phải biểu diễn thật hay để phục vụ các chiến sĩ Trường Sa, nên từng thành viên đều nỗ lực hết mình”. Sau 3 ngày vượt biển, tàu cập bờ xã đảo Song Tử Tây. Các diễn viên của Đoàn reo hò vui mừng, ai cũng nôn nóng được lên bờ để giao lưu cùng các cán bộ, chiến sĩ. Tiếc thay, ngay trong đêm, do thời tiết xấu, nên mọi người không thể lên bờ được. Trung úy Lâm Thanh Thảo tiếc rẻ: “Đành phải chờ đến ngày hôm sau vậy. Mình sẽ tập lại các tiết mục để biểu diễn cho thật hay”.
Nhắc đến sự kiên cường của 8 cô gái đến từ Đoàn Văn công Quân khu 9, tôi cũng không khỏi khâm phục về tinh thần phục vụ của hai nữ diễn viên Đoàn Cải lương Long An. Suốt chuyến đi hầu như hai chị chỉ có thể nằm võng, chốc chốc lại chạy vào nhà vệ sinh nôn thốc nôn tháo vì say sóng. Đến bữa ăn, chị Mai Thắm một trong những diễn viên của Đoàn Cải lương Long An phải ăn cơm trên võng. Một tay chị Thắm cầm đũa, tay kia giữ cho chiếc võng đừng lắc lư theo tàu. Đợi sóng vừa yên, chị lùa vội cơm vào miệng rồi đặt chén xuống. Cứ thế, chị đặt mục tiêu cho mình mỗi bữa phải cố gắng ăn một chén cơm để có sức biểu diễn. Mệt nhọc đến vậy, nhưng chị vẫn cùng với anh Thanh Nhường (Đoàn Văn công Quân khu 9) tập luyện nhuần nhuyễn bài vọng cổ “Dòng sông quê em”. Nhìn chị hai tay nắm chặt cánh võng, vẻ mặt xanh xao nhưng cất giọng hát ngọt lịm, mọi người trên tàu đều xúc động. Chị Mai Thắm bộc bạch: “Chúng tôi rất khâm phục tinh thần chiến đấu, chịu đựng gian khổ, hy sinh của các chiến sĩ. Mong chút quà mọn từ đất liền do chúng tôi mang ra sẽ góp phần động viên các anh vững chân trên biển, đảo quê hương”.
Ngay từ khi đặt chân lên đảo Song Tử Tây, các diễn viên đã được các chiến sĩ và nhân dân đón tiếp nồng hậu. Hội trường xã đảo Song Tử Tây không còn một chỗ trống. Buổi biểu diễn văn nghệ càng thêm sôi nổi, ấm áp nghĩa tình với những ca khúc truyền thống. Cùng với diễn viên, ngồi bên dưới hội trường, các chiến sĩ siết chặt tay nhau, hát vang những bản anh hùng ca. Trong không khí rộn ràng ấy, chiến sĩ Trịnh Văn Tú (quê Hải Phòng), bày tỏ niềm vui: “Rất lâu rồi chúng tôi mới có một buổi văn nghệ hoành tráng như thế. Cám ơn các anh, chị đã không ngại đường sá xa xôi đến phục vụ văn nghệ ở Trường Sa. Chúng tôi nguyện sẽ cống hiến hết sức mình để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ!” .
Tại xã đảo Sinh Tồn, do số lượng cán bộ, chiến sĩ và bà con quá đông nên lãnh đạo xã phải tổ chức sân khấu ngoài trời để các diễn viên tiện phục vụ văn nghệ. Dù mệt mỏi sau một ngày lưu diễn trên đảo Song Tử Tây, nhưng đến đảo Sinh Tồn các diễn viên vẫn nhiệt tình hát múa suốt gần ba tiếng đồng hồ. Không khí càng lúc càng náo nhiệt, khi các chiến sĩ liên tục đăng ký lên sân khấu song ca cùng diễn viên. Chiến sĩ Phạm Ngọc Dự chia sẻ: “Được hát cùng các chị tôi thấy rất vui. Mong các chị luôn mạnh khỏe để hát thật hay trong suốt hành trình”.
Trong niềm vui, xen lẫn tự hào về những người đồng chí của mình, Trung tá Nguyễn Thành Bính, Phó Trưởng Đoàn Văn công Quân khu 9, cho biết: “Trong chuyến đi này, đa số là các đồng chí mới vào Đoàn, nhưng khi được phân công nhiệm vụ đi Trường Sa phục vụ văn nghệ, tất cả đều vui vẻ nhận lời. Mấy ngày qua, nhiều người bị say sóng, sức khỏe không tốt, tôi cũng lo việc biểu diễn phục vụ quân dân trên đảo không được chu đáo. Thế nhưng khi chương trình bắt đầu, đồng chí nào cũng hăng hái đăng ký hát thêm vài bài ngoài chương trình”. Trên các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa Lớn, Cô Lin, bài hát “Gần lắm Trường Sa” của nhạc sĩ Hình Phước Long được các ca sĩ Đoàn văn công Quân khu 9 và cán bộ, chiến sĩ nơi đây hát vang như tình đất liền-hải đảo luôn keo sơn gắn bó. Những người từ đất liền ra cũng như những chiến sĩ Trường Sa đều cảm thấy tim mình rung lên niềm tự hào khi được hát cho nhau nghe giữa biển trời Tổ quốc:
“Không xa đâu Trường Sa ơi!
Không xa đâu Trường Sa ơi!
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em!”.
Bài, ảnh: PHẠM VĂN TRUNG