29/09/2011 - 21:37

Cùng doanh nghiệp gỡ khó

Nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận với nguồn vay lãi suất thấp. 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ phối hợp với Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn tổ chức hội thảo “Ngân hàng-Doanh nghiệp và Kinh doanh nguồn vốn”. Tại đây, doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia kinh tế cùng trao đổi tìm cách khắc phục khó khăn, tiếp cận vốn để đầu tư cho phát triển kinh doanh thời gian tới.

* NHỮNG KHÓ KHĂN

Trong những tháng đầu năm 2011, DN phải đối mặt với gánh nặng gia tăng chi phí sản xuất do lãi suất cao, từ đó hiệu quả kinh doanh suy giảm mạnh. Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, cho rằng: “Hiện nay, bên cạnh khó khăn do các chi phí đầu vào gia tăng, DN lại gặp khó về đầu ra. Vì vậy, hàng hóa tồn kho có xu thế tăng khiến DN bị chôn vốn, doanh thu sụt giảm, DN buộc phải siết chặt sản xuất. Thời gian tới, nguồn vốn vay dồi dào, lãi suất giảm nhưng DN chưa chắc bán được hàng hóa do sức mua thị trường suy giảm”. 8 tháng năm 2011, doanh số bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng cả nước tăng 22,2%. Nếu loại trừ tăng giá, mức tăng này chỉ đạt 3,9%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước. Giá cả hàng hóa tăng cao, người tiêu dùng đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu, ảnh hưởng đến đầu ra của DN. Song song đó, sự cạnh tranh của DN cùng ngành nghề trong cung cấp hàng hóa, dịch vụ rất khốc liệt. Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô An Giang, cho biết: “Vài năm trở lại đây, ngành vận tải liên tục gặp khó khăn. Ở đầu ra, DN kinh doanh vận tải phải cạnh tranh về phí vận tải, chất lượng dịch vụ. Còn ở đầu vào, giá nhiên liệu tăng, chi phí trang bị xe, khấu hao phương tiện vận tải đè nặng lên DN”.

Với chủ trương siết chặt dư nợ cho vay phi sản xuất, các DN kinh doanh bất động sản (BĐS) bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo Nghị quyết 11, các ngân hàng thương mại (NHTM) phải giảm dư nợ cho vay phi sản xuất không quá 22%/tổng dư nợ (hạn cuối đến ngày 30-6-2011) và không quá 16% tổng dư nợ (hạn cuối đến ngày 31-12-2011). Như vậy, DN bất động sản- xây dựng sẽ còn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn tín dụng tăng thêm cho BĐS các tháng cuối năm sẽ rất thấp. Ngoài ra, việc siết chặt đầu tư công cũng kéo theo ngành xây dựng và các ngành có liên quan bị suy giảm mạnh. Theo ông Nguyễn Thái Học, Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh Thép Tây Đô, đầu năm đến nay, ngành sản xuất thép luôn gặp khó về đầu ra do ảnh hưởng Nghị quyết 11 về thắt chặt đầu tư công. Không chỉ ngành thép mà các ngành sản xuất vật liệu xây dựng cũng trong tình cảnh tương tự.

* CÙNG DN GỠ KHÓ

Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, trong những tháng cuối năm, các NHTM sẽ được phép cho vay ra nền kinh tế thêm khoảng 238.000 tỉ đồng, giải ngân khoảng 47.600 tỉ đồng/tháng, gấp đôi tiến độ giải ngân 7 tháng đầu năm 2011. Trong bối cảnh DN BĐS vẫn gặp khó, nguồn vốn của các NHTM sẽ được tập trung vào DN sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu và nông nghiệp được ưu tiên tăng cung ứng vốn. Hiện nay, một số ngân hàng đã bắt đầu hạ lãi suất, giúp DN thuận lợi tiếp cận vốn. Ông Đặng Vũ Anh Khoa, Giám đốc Vùng Đồng bằng sông Cửu Long - Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VPBank, cho biết: “Hiện nay, VPBank đã dành 3.000 tỉ đồng để cho vay với lãi suất ưu đãi 17-19%/năm đối với DN thuộc các lĩnh vực nông sản, thủy sản và xuất khẩu. Trên cơ sở cam kết đồng hành cùng DN, ngân hàng cũng tạo mọi điều kiện để giải ngân vốn cho các DN”.

Theo chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước, nếu NHTM nào xé rào huy động vượt trần lãi suất 14%/năm, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, để tạo tiền đề ban đầu để lãi suất cho vay có thể hạ xuống mức 17-19%/năm. Theo ông Đặng Vũ Anh Khoa, khi lãi suất huy động giữ ở mức 14%, người dân có thể sẽ lựa chọn một vài kênh đầu tư khác như vàng, BĐS, chứng khoán. Tuy nhiên, thời gian qua BĐS và chứng khoán đang đi xuống nên 2 kênh này sẽ không là kênh lựa chọn phù hợp và vàng sẽ là kênh được lựa chọn nhiều hơn. Tuy nhiên, giá vàng trong nước hiện nay ảnh hưởng rất nhiều vào giá vàng thế giới và luôn biến động thất thường cho nên vàng chưa hẳn là kênh đầu tư an toàn trong thời điểm này.

Ông Dương Minh Dũng, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 8, Chi nhánh Cần Thơ cho rằng: Hiện nay, DN muốn làm ăn hiệu quả, lãi suất vay dao động từ 10-13% là vừa, còn mức lãi suất vay từ 17-19% vẫn còn cao. Với mức lãi suất này, gần như DN chỉ làm giúp cho NH, những người gửi tiền, chứ DN chưa có lợi nhuận. Bởi lẽ, để DN kinh doanh đạt mức lãi ròng 20%/năm là rất khó”. Một số DN cho rằng, mặc dù lãi suất cho vay đã bắt đầu giảm nhưng DN vẫn “dè dặt” đi vay để mở rộng sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, không phải DN nào cũng tiếp cận được vốn với lãi suất ưu đãi này. Các DN cho rằng, giải pháp tối ưu hiện nay vẫn là cầm cự, chỉ sản xuất khi nhận được đơn hàng thay vì sản xuất hàng loạt để tránh hàng tồn kho, chôn vốn.

Theo Tiến sĩ Đinh Thế Hiển, trong giai đoạn khó khăn hiện nay, các DN cần cương quyết xử lý các khó khăn về tài chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh trước khi tìm cách huy động vốn, cắt bỏ các hoạt động sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, tăng cường liên kết trong cung ứng sản phẩm dịch vụ. Để thuận lợi trong việc tiếp cận vốn vay ngân hàng, DN cần lập phương án kinh doanh, dự án đầu tư đầy đủ, rõ ràng, phân kỳ đầu tư liên kết để khẳng định tính khả thi; phải báo cáo tài chính công khai, minh bạch gia tăng mức độ tin cậy đối với ngân hàng. Và khi đã tiếp cận được nguồn vốn, DN phải tối ưu hóa lượng vốn vay, sản xuất kinh doanh hiệu quả để từng bước vượt qua khó khăn, tăng trưởng ổn định, bền vững.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Nhiều DN, nhất là các DN nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận với nguồn vay lãi suất thấp. 

Chia sẻ bài viết