11/09/2020 - 22:22

Của để dành

Năm nay đám giỗ má trùng dịp nghỉ lễ, chị Hai sắp xếp dẫn các con về thăm quê, phụ cậu Năm dọn dẹp nhà cửa. Mới đó má đã mất 13 năm. Má ra đi, mang theo hơi ấm của gia đình, buồn chưa kịp vơi thì ba cũng qua đời vì bạo bệnh. Các con dù có chuẩn bị tinh thần nhưng vẫn sốc bởi nỗi đau quá lớn.

Chị Hai nói trước với các em, đám giỗ kỳ này tuyệt đối không đem chuyện phân chia tài sản, đất đai ra bàn luận. Chị muốn mọi người gặp nhau tình cảm như trước đây, khi lợi ích vật chất chưa xen vào mối quan hệ ruột thịt. Hồi đó, do ba má không để lại di chúc nên khi đất lên giá, ai cũng muốn phần hơn trong phần đất chung ba má để lại. Mấy năm rồi, đám giỗ má, thay vì là ngày con cháu họp mặt ấm cúng thì lại xảy ra cãi vã, người giận bỏ về, người thì nói lẫy không đến nhà thờ nữa… Cuối ngày, chỉ còn cậu Năm và chị Hai buồn bã ra mộ thắp hương ông bà. Cứ thế, mấy công đất chưa chia phần khô cằn, xác xơ như đất hoang, người trong nhà không gieo trồng, canh tác, mà người ngoài cũng không dám thuê mướn làm ăn vì đang tranh chấp.

Chị Hai gọi các cháu về phụ sắp xếp đồ đạc, chợ búa, bày biện nấu nướng, rồi kể kỷ niệm xưa. Thấy mấy dì cháu trò chuyện rôm rả, ba má tụi nhỏ cũng góp lời. Hình ảnh gia đình như thước phim quay chậm ùa về, thương biết bao nhiêu! Làm sao quên dáng má cặm cụi ngoài đồng hay giong ruổi trên chiếc ghe nhỏ bán hàng xáo mưu sinh, lưng áo đẫm mồ hôi. Ðêm má không ngủ được nhiều, chừng 3 giờ sáng đã dậy bắc cơm, có khi nấu xôi, cháo hoặc khoai mì cho các con ăn, rồi tất tả lên đường. Mấy chị em được má dạy nhiều thứ, con gái phải biết nấu nướng, nữ công gia chánh; con trai giỏi việc ruộng vườn, coi sóc trong ngoài. Ðiều má mong mỏi nhất là anh em phải biết thương yêu, nhường nhịn nhau.

Chị Hai nhắc những ngày giáp hạt, trong tình cảnh khó khăn chung, phải ăn cơm độn khoai. Lúc đó, anh em dù còn nhỏ nhưng biết nghĩ cho nhau, nhường phần cơm cho những người làm việc nặng hơn, ai rảnh thì đi kiếm cá, hái rau… đỡ đần ba má. Ðến khi lập gia đình, ra riêng, dù mỗi năm chỉ gặp đôi lần nhưng cư xử có trước sau. Trong nhà xảy ra chuyện gì cũng có ba má lên tiếng giải quyết. Thế mà ba má mất không lâu, khi đất đai lên giá, tình nghĩa rạn nứt. Chị Hai vừa kể vừa khóc, mấy đứa cháu cũng sụt sùi, những người lớn có mặt cũng quay đi giấu đôi mắt đỏ hoe.

Sau bữa cơm chiều, cậu Năm trình bày muốn sửa lại nhà thờ để thờ cúng cho tươm tất, con cháu ai có muốn ở chung thì về. Cậu Năm nói, miễn sao anh em vui, cậu không nề hà thiệt hơn. Nghe vậy, chị Hai mừng lắm, hứa phụ tiền sửa nhà, mấy anh em khác cũng sẵn sàng đóng góp. Nhìn anh em hòa thuận trở lại, chị Hai tin má ở nơi xa sẽ vui lòng. Còn chuyện đất đai, người lớn sẽ giữ gìn để con cháu thêm trân trọng hơn của để dành mà ông bà tạo dựng.

CÁT TƯỜNG

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Của để dành