17/10/2016 - 20:53

Cứ 30 giây, một người bệnh đái tháo đường bị cắt cụt chân

Theo tài liệu y học thế giới, cứ 30 giây, có một người bệnh đái tháo đường bị cắt cụt chân, do biến chứng loét bàn chân. Đây là một trong những biến chứng có tỷ lệ cao nhất, với ¼ bệnh nhân đái tháo đường sẽ tiến triển đến loét bàn chân tại thời điểm nào đó trong đời. Để hiểu rõ hơn về bệnh lý này, Thạc sĩ – bác sĩ Lê Tân Tố Anh, Khoa Tim mạch – lão học, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, chia sẻ những thông tin bổ ích, giúp người bệnh biết cách chăm sóc, điều trị đúng cách khi bị loét bàn chân.

Lâu nay, chị Xuân Mai (40 tuổi, ở huyện Phong Điền) mắc bệnh tiểu đường. Lúc trước, chị thường bị vết xước ở móng chân và tự rửa bằng dung dịch sát khuẩn. Gần đây, móng chân bị vết trầy nhỏ, do chị có việc bận cả ngày nên đến chiều mới về nhà rửa vết thương được. Vậy mà, mấy hôm sau, từ vết loét nhỏ, đã bị nhiễm trùng, cả bàn chân sưng vù, thâm tím. Chị phải điều trị thời gian dài chân mới bớt sưng và dần hồi phục.

Thường xuyên tập thể dục không chỉ giúp rèn luyện sức khỏe dẻo dai, còn phòng, tránh nhiều bệnh tật. Ảnh: M. HOÀNG  

Bệnh đái tháo đường gây ra nhiều biến chứng mạn tính như: tim mạch, thận, thần kinh, mạch máu và bàn chân; trong đó biến chứng thường gặp và tốn kém chi phí điều trị là loét bàn chân. Bệnh đái tháo đường đã và đang là gánh nặng y tế toàn cầu với tốc độ phát triển nhanh chóng. Theo thống kê của Liên đoàn Đái tháo đường thế giới, năm 2011, thế giới có 366 triệu người mắc bệnh đái tháo đường; ước lượng năm 2030, con số này sẽ tăng lên 552 triệu người.

Nhiễm trùng chân ở bệnh nhân đái tháo đường thường bắt đầu từ vết loét da nông ở bề mặt, nhưng khoảng 25% trường hợp sẽ lan xuống cơ và xương. Những vết loét bị nhiễm trùng là tiền đề dẫn đến đoạn chi. Nguy cơ đoạn chi ở người đái tháo đường nhiều hơn gấp 10 đến 30 lần so với dân số chung. Bệnh lý này là hậu quả của nhiều nguyên nhân như: tổn thương thần kinh ngoại biên, bệnh lý mạch máu, chấn thương và nhiễm trùng, tạo thành vòng xoắn kết hợp với nhau chặt chẽ. Trong loét bàn chân đái tháo đường, nhiễm trùng là yếu tố đe dọa đoạn chi. Nhiễm khuẩn gây ra những hoại tử mô rộng, là nguy cơ phải cắt cụt bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường dù điều trị kháng sinh tích cực. Những vết thương dù rất nhỏ, nếu không được theo dõi có thể tạo nên các nhiễm khuẩn âm ỉ, sau đó lan rộng nhanh chóng vào sâu trong bàn chân. Các nhiễm trùng sâu vào mô mềm, viêm xương tủy là nguyên nhân chính đe dọa phải đoạn chi dưới.

Theo bác sĩ Lê Tân Tố Anh, đối với các vết loét nhiễm trùng bàn chân dù nhỏ cũng phải được thăm khám và chăm sóc ở các cơ sở y tế. Bệnh nhân không nên tự thoa thuốc, cắt lọc, đặc biệt là không được ngâm chân trong dung dịch sát khuẩn (betadine), phải luôn đi giày, dép, ngay cả trong nhà, hạn chế vận động bàn chân trong thời gian nhiễm trùng. Các vết loét phải được cắt lọc sạch sẽ, sử dụng kháng sinh hợp lý, thay băng vết loét hàng ngày, tránh nhiễm trùng nông, thành các vết loét sâu, hoại tử lan rộng, nguy cơ phải cắt cụt chi.

Người bệnh đái tháo đường nên có chế độ ăn uống và vận động thể lực hợp lý, giúp ổn định lượng đường huyết, bảo vệ tim mạch, kiểm soát huyết áp, ngăn chặn và làm chậm các biến chứng của bệnh tiểu đường… Bệnh nhân tiểu đường cần hạn chế sử dụng các loại thực phẩm chỉ số đường huyết cao như:

- Các loại thực phẩm được chế biến với quá nhiều dầu mỡ có nguồn gốc động vật như các món ăn chiên, xào.

- Các loại thực phẩm quá ngọt như: bánh, kẹo, nước ép trái cây, mứt, trái cây chín ngọt…

- Hạn chế tinh bột: cơm, các loại khoai...

- Không ăn mặn, tránh xa các loại chất kích thích từ: thuốc lá, bia, rượu.

- Vận động thể lực, tập thể dục 30 - 45 phút/ngày.

Cần bổ sung vào thực đơn người tiểu đường một số thực phẩm tốt như:

- Các loại thịt nạc, đặc biệt là thịt bò bởi loại thịt này chứa rất nhiều axit linoleic với tác dụng hỗ trợ và kích thích quá trình chuyển hóa đường huyết. Hơn thế nữa, loại axit này được kiểm chứng có tác dụng ngăn ngừa ung thư.

- Các loại cá biển rất giàu protein, axit béo và đặc biệt là hàm lượng omega-3 rất cao.

- Những loại thực phẩm giàu chất xơ: các loại rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu với hàm lượng chất xơ cao với tác dụng giữ nước, hỗ trợ hạ đường huyết sau ăn cũng như kéo dài quá trình cơ thế hấp thu đường vào máu.

- Nên bổ sung vào chế độ ăn hằng ngày của người tiểu đường những loại trái cây ít ngọt như bưởi, cam, chanh, táo, mặc dù sẽ cung cấp một ít đường vào cơ thể người tiểu đường nhưng đó là những loại đường chậm, cung cấp rất nhiều vitamin và chất khoáng có lợi cho cơ thể người tiểu đường.

Mỗi bệnh nhân đái tháo đường có tình trạng sức khỏe, quá trình bệnh lý khác nhau, nên cần căn cứ vào đó để xây dựng chế độ dinh dưỡng riêng phù hợp.

THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết