05/04/2022 - 08:12

CPEC trong quan hệ thương mại Trung Quốc - Pakistan 

TRÍ VĂN (Tổng hợp)

Xuất khẩu kim loại của Pakistan sang Trung Quốc tăng mạnh, trong khi Islamabad nhập khẩu hàng hóa sản xuất từ Bắc Kinh cũng tăng không kém. Ðây được xem là “trái ngọt” của Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC), một trong 6 nhánh của Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa.

Một tuyến đường thuộc CPEC. Ảnh: Reuters

Kể từ khi CPEC chính thức đi vào hoạt động hồi năm 2016, xuất khẩu kim loại từ Pakistan sang Trung Quốc tăng đột biến. Theo Cơ quan Giám sát đa dạng kinh tế, trước khi CPEC được công bố, kim loại của Pakistan được xuất khẩu sang Afghanistan, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, sau 2 lần giảm liên tiếp vào năm 2015 và 2016, xuất khẩu kim loại của quốc gia Nam Á này đã tăng đều đặn kể từ năm 2017, chủ yếu là sang Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc hiện nhận được lượng kim loại xuất khẩu của Pakistan nhiều hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Mức tăng đột biến này là do đầu tư mạnh mẽ của Trung Quốc vào Pakistan thông qua CPEC. Thật vậy, dự án trị giá 64 tỉ USD này đã cải thiện đáng kể khả năng kết nối và sản xuất năng lượng của Pakistan, đồng thời giúp phục hồi lĩnh vực khai thác của Islamabad, vốn phải chịu chi phí vận tải cao, đầu tư thấp và cơ sở hạ tầng không đầy đủ.

Trong số kim loại được Pakistan xuất khẩu sang Trung Quốc, đồng chiếm đa số. Năm 2014, Pakistan xuất khẩu đồng sang Trung Quốc đạt chưa tới 50 triệu USD. Ðến năm 2020, con số đó lên đến 410 triệu USD, qua đó giúp Pakistan chuyển từ nhà nhập khẩu ròng đồng tinh chế thành nhà xuất khẩu ròng. Ðối với Trung Quốc, dù lượng đồng nhập khẩu từ Pakistan chiếm chưa tới 3% tổng lượng đồng nhập khẩu nhưng nó giúp làm lắng dịu các mối lo ngại về môi trường do sản xuất đồng tại địa phương gây ra, đồng thời có thể duy trì nguồn cung cấp cần thiết, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm công nghệ xanh của Bắc Kinh như tấm pin năng lượng mặt trời hay ôtô điện.

Tuy nhiên, nguồn thu từ đồng của Pakistan cũng gây ra nhiều bất bình. Theo The Diplomat, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra tại mỏ khai thác đồng và vàng Saindak, một liên doanh giữa Bắc Kinh với Islamabad nằm ở khu vực Balochistan của Pakistan. Công nhân yêu cầu tăng lương lên 15.000 rupee Pakistan (khoảng 81USD). Chính sự gia tăng sản xuất và xuất khẩu kim loại của Pakistan sang một quốc gia phát triển và giàu có hơn đã dẫn đến các cuộc tranh luận về tác động của sáng kiến “Vành đai, Con đường (BRI)” của Trung Quốc. Những người hoài nghi xem sự gia tăng trong xuất khẩu đồng của Pakistan sang Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy lợi ích bá quyền của Bắc Kinh. Theo đó, Trung Quốc thường nhập về nguồn nguyên liệu thô giá rẻ, trong khi xuất khẩu trở lại các sản phẩm đắt tiền, từ đó tạo ra sự bất đối xứng. Giới phân tích nhận thấy rằng thị phần các nguồn nhập khẩu hàng đầu từ Trung Quốc của Pakistan tăng gấp đôi kể từ năm 2012, từ mức 15% lên hơn 30%, trong khi các đối thủ như UAE và Mỹ vẫn ở mức xấp xỉ trước khi BRI được phát động.

Thế nhưng, những gì mà CPEC tạo ra không thể khiến Pakistan trở nên giàu có. Thay vào đó, Islamabad sẽ phải cố gắng trả khoản nợ “khủng” cho Bắc Kinh. Theo Asia Times, Pakistan hiện nợ Trung Quốc lên tới 14 tỉ USD, gần một nửa trong số này là nợ các ngân hàng thương mại Trung Quốc, phần lớn là cho các dự án liên quan đến BRI.

Hiện dự trữ của Chính phủ Pakistan đang bị căng thẳng khi phải trả khoản vay đa phương trị giá 2,6 tỉ USD, khoản vay của chính phủ và các ngân hàng thương mại Trung Quốc là 9,1 tỉ USD và 1 tỉ USD vay của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) - những khoản  sẽ đến hạn vào cuối tháng 6-2022. Pakistan cũng nợ Câu lạc bộ Paris 11,3 tỉ USD, các nhà tài trợ đa phương 33,1 tỉ USD và các trái phiếu quốc tế như Eurobond và Sukuk 12 tỉ USD.

Chia sẻ bài viết