02/02/2011 - 15:29

Công nghệ "Xanh" đua nở

THUẬN HẢI (Tổng hợp)

Năm qua, cuộc đua tìm giải pháp chống biến đổi khí hậu diễn ra vô cùng sôi nổi ở hầu hết các nơi trên thế giới với sự ra đời và cải tiến của hàng loạt công nghệ thân thiện môi trường. Yếu tố “xanh” đã trở thành xu hướng chi phối trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống.

Máy bay năng lượng Mặt trời Solar Impulse. Ảnh: Techi

Công nghệ năng lượng Mặt trời lên ngôi

Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), đến năm 2050, năng lượng Mặt trời sẽ chiếm khoảng 25% tổng sản lượng điện toàn cầu. Điều này đồng nghĩa thế giới có thể cắt giảm gần 6 tỉ tấn khí thải CO2 mỗi năm.

Đáng chú ý trong năm qua là sự kiện chiếc máy bay năng lượng Mặt trời có người lái đầu tiên trên thế giới Solar Impulse của Thụy Sĩ đã bay thử nghiệm thành công trong đêm và vòng quanh xứ sở đồng hồ. Dự kiến, năm nay Solar Impulse sẽ bay xuyên Đại Tây Dương và vòng quanh thế giới. Nó được đánh giá là bước tiến nhằm “xanh hóa” ngành hàng không, vừa tiết kiệm nhiên liệu vừa không gây ô nhiễm.

Trong khi đó, các hãng xe hàng đầu của Nhật, Mỹ, Pháp, Đức... không ngừng cải tiến và cho ra đời nhiều kiểu xe hơi mới sử dụng điện Mặt trời. Kiểu dáng xe được cải tiến gọn nhẹ, đẹp mắt, khắc phục nhược điểm chung về ngoại hình của xe chạy bằng quang điện trước đây. Ấn tượng nhất là xe Volkswagen của Đức, vừa hiện đại như một “siêu xế”, vừa mang phong cách của dòng xe gia đình.

Rác thải điện tử được tập trung tái chế tại nhà máy Dowa Holdings. Ảnh: NY Times

Đột phá trong công nghệ tái chế

Những đột phá trong công nghệ tái chế năm 2010 giúp thế giới tận dụng hàng ngàn tấn rác và hạn chế ô nhiễm môi trường do rác thải. Thành tựu đầu tiên là công nghệ tái chế rác thải điện tử vốn rất độc hại và ô nhiễm. Năm qua, Nhật tìm được cách tái chế kim loại và khoáng chất có giá trị trong điện thoại di động, ti-vi, máy vi tính cũ... Công ty Dowa Holdings tại Kosaka chiết tách thành công nhiều kim loại hiếm như idium dùng trong sản xuất màn hình tinh thể lỏng và antimon dùng trong công nghệ bán dẫn. Thành công này mở ra triển vọng xử lý triệt để lượng rác thải điện tử, đồng thời giảm phụ thuộc vào nguồn đất hiếm nhập khẩu.

Tòa tháp xoay sinh thái Dynamic tại Dubai. Ảnh: Green Pages

Xu hướng nhà ở sinh thái

Năm qua, trên thế giới cũng nở rộ nhiều mô hình nhà ở mới, tập trung vào việc trưng thu năng lượng tự nhiên, vừa tiết kiệm, vừa có lợi cho môi trường. Các loại vật liệu xây dựng, trang trí nội thất, dụng cụ sinh hoạt được chế tạo và sử dụng theo hướng bền vững, không độc hại, tiết kiệm năng lượng, dễ bảo dưỡng và tái sử dụng được. Không gian được thiết kế mở, hài hòa với thiên nhiên và tăng cường diện tích cây xanh xung quanh. Mô hình “Siêu căn hộ” do Viện Năng lượng bền vững (SEA) và Quỹ Năng lượng quốc gia Anh bảo trợ xây dựng là một điển hình. Ngôi nhà có thể tự túc được năng lượng nhờ mái nhà được lợp bằng tấm pin Mặt trời. Trần nhà, tường và cửa sổ có khả năng cách nhiệt hiệu quả và tận dụng được nguồn ánh sáng và gió tự nhiên. Nước mưa được trưng dụng trong sinh hoạt và tưới cây. Ngoài ra, căn hộ siêu cấp này có mức phát thải khí carbon thấp hơn ít nhất 60% so với các ngôi nhà thông thường.

Những tiến bộ về công nghệ xây dựng bền vững cũng cho phép hiện thực hóa một số mô hình nhà ở sinh thái trước đây chỉ là ý tưởng. Điển hình là kiến trúc cao ốc xoay tự túc năng lượng của kiến trúc sư người Ý David Fisher sắp hoàn tất tại Dubai (Các Tiểu Vương quốc A-rập thống nhất). Thiết kế xoay của Tòa tháp Dynamic giúp nâng cao hiệu suất hấp thu năng lượng nắng và gió. Đồng thời, do kết cấu như nhà tiền chế nên việc xây dựng ít tốn nhân lực với thời gian thi công rút ngắn hơn 30% so với các tòa nhà có cùng kích cỡ.

Chia sẻ bài viết