Trong khi người tiêu dùng mới bắt đầu tiếp cận in 3D, nhiều công ty ứng dụng công nghệ này vào sản xuất và chế tạo đã thấy được cách thức mà nó thay đổi mạnh mẽ ngành công nghiệp của họ.
Tuần rồi, hãng sản xuất xe hơi Mỹ General Motors (GM) thông báo đang hợp tác với hãng thiết kế phần mềm Autodesk Inc chế tạo linh kiện in 3D trọng lượng nhẹ, cho phép GM chế tạo thêm dòng xe chạy bằng nhiên liệu sạch. Trong khi đó, General Electric (GE) cũng đầu tư hơn 3 tỉ USD vào hoạt động kinh doanh, nhằm quảng bá sức mạnh của công nghệ in 3D và khuyến khích sử dụng nó rộng hơn. Ngoài số tiền hơn 13 tỉ USD đầu tư vào in 3D trong 4 năm qua, GE cho biết họ sẽ chi thêm 280 tỉ USD cho công nghệ này trong 10 năm tới.
Ảnh: On 3D Printing
Mặc dù thừa nhận rằng nhiều lãnh đạo công nghiệp chỉ mới dấn thân vào lĩnh vực in 3D, song Jason Oliver - Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành GE Additive, công ty con của GE - cho biết mọi ngành công nghiệp nên tính đến lợi ích mà công nghệ này có thể nâng cao hiệu quả sản xuất của họ trong tương lai gần. Tại triển lãm “Ngành công nghiệp in 3D” tổ chức ở New York mới đây, GE Additive đã giới thiệu một số thành tựu ứng dụng công nghệ in 3D vào 3 lĩnh vực quan trọng:
Hàng không/vũ trụ
Đây là ngành tận dụng lợi thế của công nghệ in 3D nhiều nhất, khi kết hợp công nghệ vào việc tạo ra các bộ phận mới tùy ý mà trước đây không làm được. Khả năng dùng công nghệ in 3D sản xuất các bộ phận thu nhỏ, được thiết kế đặc biệt cho từng máy bay hoặc tàu vũ trụ, đang thay đổi đáng kể những phương tiện không vận này. Đơn cử, một động cơ máy bay trực thăng có đến 40% bộ phận được sản xuất bởi dịch vụ in 3D của GE, nhưng số lượng linh kiện đã giảm từ 400 xuống còn 16. Hay một động cơ khác được rút gọn từ 855 linh kiện còn 12, giảm bớt 2,25kg trọng lượng và tiết kiệm 80% chi phí.
Ở lĩnh vực vũ trụ, Launcher - công ty mới khởi nghiệp hồi năm ngoái ở Brooklyn (Mỹ) - đã chế tạo thành công một động cơ tên lửa nhỏ bằng công nghệ in 3D. Nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Launcher, Max Haot, khẳng định công nghệ này sẽ cho phép họ cạnh tranh với các công ty lớn, điều được cho là bất khả thi cách đây 5 năm.
Y tế
Mặc dù các bộ phận in 3D - chủ yếu là khớp gối và khớp vai - đã được dùng thay thế cho nhiều bệnh nhân, nhưng lĩnh vực sản xuất các bộ phận thay thế bằng công nghệ này đang tiến triển nhanh chóng trong năm qua. Các chuyên gia hiện đã tạo ra các bộ phận in 3D có khả năng ăn khớp và phát triển với xương để tạo ra một khớp nối chắc chắn hơn trước. Đặc biệt, một số công ty thậm chí còn tập trung vào việc tạo ra nội tạng in 3D, chẳng hạn công ty sản xuất thiết bị y tế in 3D Materialise (Bỉ) khẳng định đã in thành công thận. Tại Bệnh viện Mayo ở Minnesota (Mỹ), các bác sĩ và kỹ sư đã hợp tác chế tạo ra các thiết bị y khoa tương thích với từng bệnh nhân bằng in 3D. Chỉ riêng năm ngoái, bệnh viện này đã in 1.200 thiết bị cho khoảng 700 bệnh nhân, gấp đôi số lượng của năm trước đó.
Năng lượng
Trong lĩnh vực năng lượng dầu khí và năng lượng tái tạo, GE và các công ty khác đang tận dụng công nghệ in 3D để cắt giảm chi phí nguyên liệu và tăng tốc thời gian sản xuất. Theo đó, họ có thể in các bộ phận thay thế ngay tại chỗ thay vì chờ thay các bộ phận mới suốt nhiều tuần. Ngoài ra, công nghệ in 3D dùng nguyên liệu kim loại còn được sử dụng để sản xuất tua-bin gió và thiết bị khai thác mỏ.
HUY MINH (Theo Reuters, Inquisitr, Tech Republic)