10/11/2017 - 20:03

Công nghệ “đánh hơi” chẩn đoán bệnh dễ dàng 

Trong tương lai, mùi hơi thở có thể là “chìa khóa” của các loại xét nghiệm cho kết quả chính xác hơn, rẻ hơn và không xâm lấn, được dùng chẩn đoán mọi căn bệnh từ sốt rét cho đến ung thư. Điển hình là thông qua phân tích hơi thở, các nhà khoa học Israel đã sáng chế ra thiết bị tầm soát nhiều bệnh “Na-Nose”, trong khi các nhà khoa học Mỹ thì có công cụ xét nghiệm bệnh sốt rét.

Các nhà khoa học từ lâu phát hiện bệnh tạo ra mùi riêng và hơi thở của mỗi người tạo thành từ nhiều hợp chất hóa học đặc trưng, có thể phụ thuộc vào giới tính, tuổi tác, chủng tộc và các yếu tố sinh học khác. Cả 2 thiết bị đang được phát triển đều sử dụng chung một phương thức, đó là so sánh các hợp chất tìm thấy trong hơi thở của người khỏe mạnh với các hợp chất trong hơi thở của một người nhiễm bệnh.

Cụ thể, thiết bị Na-Nose của nhóm sáng chế đến từ Viện công nghệ Technion (Israel) được thiết kế để nhận diện lên tới 17 căn bệnh khác nhau dựa vào phân tích hơi thở. Nhóm phát triển khẳng định công nghệ mới có thể “đánh hơi” ra một số dạng ung thư, chứng đa xơ cứng và bệnh Parkinson với kết quả chẩn đoán chính xác đến 86%.

Khi cần tầm soát bệnh, người dùng chỉ việc thổi hơi vào thiết bị.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu tại Đại học Washington tại St. Louis (Mỹ) đã xác định được 6 hợp chất đặc trưng trong hơi thở của các bệnh nhi mắc sốt rét. Nhờ đó, bộ phân tích hơi thở mà họ phát triển có thể phân tích số hợp chất này, cũng như xác định xem liệu một người có mắc căn bệnh lây truyền qua muỗi này hay không. Đến nay, xét nghiệm mới cho kết quả chính xác tới 83% và đang tiến gần tỷ lệ 90-95% của các xét nghiệm máu truyền thống dùng tầm soát bệnh sốt rét. Kết quả này đáng chú ý, bởi hiện nay, việc xét nghiệm máu để chẩn đoán bệnh sốt rét đang có nguy cơ bị vô hiệu do một số chủng vi-rút sốt rét đã biến đổi theo hướng không sản sinh ra loại prôtêin cần để nhận diện bệnh.

Nhóm nghiên cứu tin tưởng khi tỷ lệ chẩn đoán được cải thiện hơn, thiết bị “đánh hơi” sốt rét có thể dùng rộng rãi như một phương pháp chẩn đoán không xâm lấn, đáng tin cậy, nhanh chóng và rẻ tiền đối với căn bệnh đang hoành hành ở nhiều quốc gia tại khu vực Sahara châu Phi và Nam Á.

HUY MINH (Theo Daily Mail, New York Daily)

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Na-Nose