Trong khi ngành công nghiệp điện ảnh của nhiều quốc gia đang lo ngại trí tuệ nhân tạo (AI) có thể tác động lớn đến quá trình sáng tạo tác phẩm, thì tại Hàn Quốc, công nghệ này lại được chào đón. Nhiều đơn vị sản xuất, làm phim ở nước này đang vận dụng AI như là công cụ hỗ trợ cho các tác phẩm của họ một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Các nhân vật, phân cảnh trong “One More Pumpkin” đều được tạo bằng AI.
Phim ngắn “One More Pumpkin” của đạo diễn Kwon Han Seul được thực hiện chỉ trong 5 ngày. Ðạo diễn Kwon Han Seul đã sử dụng AI để tạo ra cảnh vật, âm thanh và các nhân vật, từ vị Tử thần cho đến ma bí ngô, đôi vợ chồng nhân vật chính. Kwon Han Seul cho biết “One More Pumpkin” không có diễn viên, cũng không cần quay người thật, thế nhưng phim lại rất được chú ý và thành công. “One More Pumpkin” đã chiến thắng 2 giải quan trọng: Giải thưởng lớn và Lựa chọn của khán giả tại Liên hoan phim (LHP) AI Dubai vào tháng 2-2024.
Tương tự, phim kỳ ảo khoa học viễn tưởng “Wonderland” của đạo diễn Kim Tae Yong cũng sử dụng AI như là trợ lực để phát triển phim. Trong đó, Kim Tae Yong sử dụng AI theo nhiều hình thức khác nhau. “Wonderland” kể về một công ty cung cấp dịch vụ cuộc gọi video với phiên bản AI của người thân đã qua đời. Do đó, có nhiều tình tiết, phân cảnh trong phim cần phải có AI. Cụ thể, AI đã tạo hình ảnh nam diễn viên Lee Eol - người đã mất từ năm 2022. Ðạo diễn Kim Tae Yong cho biết: “Những cảnh miêu tả thời trẻ của Lee Eol do AI tạo ra. Trước đây, các diễn viên phải hóa trang hoặc sử dụng vai đúp để thể hiện những phiên bản trẻ hơn. Giờ đây công nghệ AI giúp đơn giản hóa quá trình này”. Ngoài ra, phim cũng sử dụng AI để nhân bản giọng nói của nhiều diễn viên với sự cho phép của họ.
AI được nhiều nhà làm phim tại Hàn Quốc nhìn nhận là một công cụ có giá trị cho người sáng tạo. Công cụ này giúp tiết kiệm thời gian và chi phí sản xuất, đặc biệt là những phân cảnh khó. Ví như “Queen of Tears” đã sử dụng AI trong vài cảnh quay rất thành công. Trong đó có cảnh nhân vật chính nhìn thấy ảo ảnh bản thân đi bộ qua khu rừng bạch dương đầy tuyết. Cảnh này sử dụng AI và khi lên hình như được quay ở Thụy Sĩ.
Thực ra, AI chỉ mới bắt đầu thâm nhập vào ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc, tuy nhiên công cụ này rất được chào đón. Không chỉ các nhà làm phim mà các liên hoan phim trong nước cũng đang công nhận tiềm năng của AI. Tháng 6 vừa qua, LHP AI-Metaverse đầu tiên của Hàn Quốc đã được tổ chức ở Bắc Gyungsang. Tháng 7, LHP Kỳ ảo quốc tế Bucheon lần thứ 28 (Bifan) cũng đã diễn ra, trong đó giới thiệu hạng mục tranh giải mới dành cho phim AI và tổ chức một hội nghị có sự góp mặt của những người sáng tạo video AI. Hội thảo sản xuất phim AI của liên hoan này đã thu hút hơn 600 người đăng ký. Sắp tới, Trung tâm Ðiện ảnh Busan cũng tổ chức LHP AI quốc tế vào tháng 11.
Shin Chul, Giám đốc LHP Bifan, cho rằng: “Hollywood có thể thống trị ngành công nghiệp điện ảnh toàn cầu là nhờ nguồn vốn lớn. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên của AI, trí tưởng tượng sẽ trở thành yếu tố quan trọng nhất”. AI có thể sẽ tạo nên một cuộc thiết lập mới, song sự phát triển quá nhanh của công nghệ này cũng đi kèm những rủi ro, nhất là vi phạm về bản quyền. Các nhà làm phim tại Hàn Quốc vẫn thận trọng và chỉ sử dụng AI như là một công cụ hỗ trợ cho dự án.
BẢO LAM (Tổng hợp từ JoongAng Daily, Soompi, The Korea Times)