06/09/2019 - 18:38

Công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi Việt Nam

Tiến tới công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi Việt Nam là Tọa đàm do Tổ chức Hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế tại Việt Nam, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam và Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa Gia đình tổ chức sáng 6-9 tại Hà Nội.

Tại Tọa đàm, các đại biểu, chuyên gia đã cập nhật tình trạng già hóa dân số, đồng thời thảo luận về các ưu tiên và hành động cụ thể nhằm tăng cường chăm sóc sức khỏe toàn dân để ứng phó với già hóa dân số, phát triển bền vững về y tế.

Chia sẻ ý kiến về quyền y tế và tiếp cận chăm sóc sức khỏe toàn dân cho người cao tuổi từ góc nhìn của Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kim Bảo Giang, Đại học Y Hà Nội, cho biết: Môi trường chính sách Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi ngay từ Hiến pháp năm 1946, 1980, 1992 hay Luật Người cao tuổi năm 2009. Việc cung cấp các dịch vụ y tế cũng vậy, số bệnh viện có khoa, đơn vị lão khoa độc lập hoặc ghép, tăng từ 40 vào năm 2015 đến hơn 70 vào năm 2017. Năm 2018 có 97 bệnh viện có khoa chăm sóc bệnh nhân lão khoa và 918 khoa có phòng, ban riêng cho người cao tuổi. Năm 2016, cả nước có gần 38.000 giường bệnh nội trú dành cho người cao tuổi.

Cập nhật thông tin về nền tảng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Kim Bảo Giang cũng chỉ ra một số vấn đề về hệ thống như: Khoảng trống trong chăm sóc bệnh không lây; chăm sóc chuyên khoa cho người cao tuổi; chăm sóc, hỗ trợ dài hạn; chăm sóc dựa vào gia đình; hệ thống thông tin. Trong đó, vấn đề về hệ thống với chăm sóc chuyên khoa cho người cao tuổi là nhiều bệnh viện tuyến tỉnh không có khoa lão khoa; tuyến huyện không có bác sĩ chuyên khoa được đào tạo về lão khoa; nhận thức về chính sách, chương trình và các khía cạnh xã hội của cán bộ hạn chế…

Theo bác sĩ Vũ Đình Huy, chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tình trạng già hóa dân số đang ảnh hưởng, tác động đến tất cả các khía cạnh trong xã hội, trong đó có mục tiêu bao phủ sức khỏe toàn dân. Báo cáo mới đây của WHO cho thấy, người cao tuổi chiếm tỷ lệ ngày càng cao trong hầu hết các xã hội. Nếu như hiện nay, Nhật Bản có tỷ lệ người già vượt quá 30% thì đến năm 2050 hầu hết các quốc gia, không chỉ châu Âu, Bắc Mỹ mà cả Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Chi Lê, Nga và Việt Nam sẽ đều đạt đến con số này. Do đó, cần cân nhắc việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi nếu muốn đạt tham vọng Bao phủ sức khỏe toàn dân của WHO và mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau” của Liên Hiệp Quốc.

Để bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, theo bác sĩ Vũ Đình Huy, phải thay đổi quan niệm về tuổi tác và sức khỏe. Bởi tuổi già không đồng nghĩa với sức khỏe yếu và không có nghĩa là bị phụ thuộc. Ở tuổi 70, nếu người cao tuổi được chăm sóc tốt thì vẫn hoàn toàn khỏe mạnh. Bên cạnh việc thay đổi quan niệm, cũng cần thực hiện việc già hóa khỏe mạnh. “Già hóa khỏe mạnh là quá trình xây dựng và duy trì năng lực thực tế ở người cao tuổi, nhằm mang lại sự thoải mái cho họ. Năng lực thực tế của người cao tuổi bao gồm năng lực nội tại và các điều kiện của môi trường như học tập, đi lại, quyết định, duy trì các mối quan hệ, đóng góp vào xã hội…” - bác sĩ Vũ Đình Huy cho biết.

HẠNH QUỲNH (TTXVN)

Chia sẻ bài viết