29/04/2011 - 09:05

Côn trùng - giải pháp chống suy dinh dưỡng toàn cầu

Châu chấu chiên, một trong những món được yêu thích ở Lào. Ảnh: AFP

Ông Serge Verniau - đại diện Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) tại Lào - kêu gọi thế giới ngưng ăn thịt gia súc và gia cầm, thay vào đó hãy dùng côn trùng vì chúng rất giàu đạm và vitamin. Theo ông Verniau, gần 50% dân số thế giới hiện nay sống tại thành thị nên việc sản xuất đủ gia súc và gia cầm để nuôi sống cả hành tinh ngày càng trở nên khó khăn.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, hiện nay trên thế giới có khoảng 925 triệu người suy dinh dưỡng. Chế độ ăn chủ yếu dựa vào cơm gạo không cung cấp đủ dưỡng chất cho người dân, đặc biệt là trẻ em. Song, sự thiếu hụt này có thể được bù đắp bằng các loại côn trùng vì chúng rẻ nhưng lại giàu các dinh dưỡng như đạm, vitamin và ít béo. Thực tế, việc dùng dế, châu chấu, kiến... làm thực phẩm từ lâu đã phổ biến ở các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Campuchia...

Theo ông Oudom Phonekhampeng - trưởng khoa nông nghiệp Đại học Quốc gia Lào, dù côn trùng đã trở thành một phần ẩm thực của xứ Vạn Tượng nhưng người dân chủ yếu khai thác côn trùng có sẵn trong tự nhiên chứ chưa biết cách nuôi chúng. Để bảo đảm nguồn cung bền vững, ông và đồng nghiệp đã nuôi thử nghiệm vài giống côn trùng mới như nhộng bọ cánh cứng, bọ dừa... Nhóm cũng thử nghiệm nhiều loại thức ăn khác nhau nhằm giảm chi phí chăn nuôi nhưng vẫn giữ được chất lượng thịt của côn trùng.

Ngoài giá trị dinh dưỡng, việc nuôi côn trùng còn đem lại thu nhập cao cho nông dân. Ông Phouthone Sinthiphanya ở Thủ đô Viêng Chăn là một ví dụ. Là một trong 20 chủ trại nuôi dế ở Lào, ông sản xuất khoảng 35 kg dế mỗi tháng với giá 60.000 kip (khoảng 150.000 đồng)/kg. Ông bán dế cho các nhà hàng, chợ và người dân quanh vùng. Phouthone cho biết nuôi dế khá dễ, không cần nhiều không gian, thu nhập cao lại có thể tận dụng rau cải hay chất thải từ quá trình sản xuất bia để làm thức ăn. Trong khi đó, Yupa Hanboonsong, chuyên gia về côn trùng làm việc cho dự án thí điểm dùng côn trùng làm thực phẩm của FAO, khẳng định nuôi côn trùng ít ảnh hưởng đến môi trường. Ông cho rằng lợi ích về dinh dưỡng, môi trường và kinh tế có thể khiến các nước cân nhắc việc nuôi và dùng côn trùng để làm thực phẩm.

Được biết, FAO dự định tổ chức một hội nghị về các loài côn trùng ăn được để giới thiệu dự án thí điểm tại Lào vào năm 2012.

CÔNG HIẾU (Theo AFP, Worldhunger.org)

Chia sẻ bài viết