22/03/2017 - 21:29

PGS. TS. Trương Quốc Phú – Trưởng Khoa Thủy sản – Trường Đại học Cần Thơ:

Có thể phát triển 1 triệu héc-ta nuôi tôm

Chiến lược phát triển tôm nuôi trở thành ngành Kinh tế chủ lực. Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra "đích ngắm" đến năm 2025 xuất khẩu tôm đạt 10 tỉ USD. Các hoạt động nghiên cứu thủy sản hỗ trợ vùng nuôi thủy sản lớn nhất cả nước những năm qua hướng tới mục tiêu tăng trưởng, phát huy lợi thế tiềm năng.
Chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS. TS. Trương Quốc Phú - Trưởng Khoa Thủy sản - Trường Đại học Cần Thơ.

* Thực tiễn quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong vùng hơn 20 năm qua, ngành tôm đã tăng trưởng không ngừng đóng góp vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp-nông thôn ở nhiều tỉnh vùng ven biển vùng ĐBSCL. Ông có nhận xét gì về kết quả này?

- Những thành công thời gian qua của ngành tôm liên quan nhiều đến yếu tố chính sách và kỹ thuật có thể kể đến các nguyên nhân sau: Việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong giai đoạn 1999-2000, nhiều vùng sản xuất lúa được chuyển đổi sang mô hình nuôi tôm-lúa, hay nuôi tôm chuyên tôm theo hình thức quảng canh cải tiến (QCCT) làm cho diện tích nuôi tôm gia tăng nhanh chóng. Từ đó góp phần tăng sản lượng tôm nuôi. Sự phát triển của công nghệ sản xuất giống và mô hình nuôi tôm công nghiệp (bán thâm canh và thâm canh) giúp tăng năng suất và sản lượng nuôi. Bên cạnh đó, việc di nhập và phát triển tôm thẻ chân trắng cũng góp phần tăng năng suất và sản lượng nuôi cho ngành tôm.

* Có ý kiến cho rằng, hiện nay ngành nuôi tôm ở ĐBSCL đã bắt nhịp tăng tốc, với sự chuyển đổi phương thức đầu tư nuôi tôm đa dạng và hướng tới các hình thức nuôi tôm thâm canh, siêu thâm canh áp dụng công nghệ cao nhằm gia tăng năng suất, sản lượng… Tuy nhiên, bên cạnh những thành công còn có thất bại. Vì sao, thưa ông?

- Có thể nói, nghề nuôi tôm ở Việt Nam đang ở giai đoạn tăng tốc nếu các bước đi tiếp theo là phù hợp. Những thành công chủ yếu là do thời tiết thuận lợi, những công nghệ nuôi bền vững được áp dụng (nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm hữu cơ, nuôi tôm công nghệ cao...). Ngược lại, những thất bại là do phát triển của nghề nuôi theo hướng tự phát, nhỏ lẻ, công nghệ nuôi gây ô nhiễm môi trường đang được áp dụng phổ biến hiện nay. 

Mô hình tôm lúa ở Bạc Liêu. Ảnh: HĐ

* Còn nhớ vùng nuôi tôm ĐBSCL từng trải qua những năm dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề, nhất là nuôi tôm bán thâm canh. Theo ông, rủi ro đáng lo nhất đối với ngành tôm hiện nay là gì?

- Rủi ro lớn nhất là quy trình nuôi đang được áp dụng phổ biến hiện nay không bảo vệ được môi trường nuôi. Chất thải nuôi tôm bị thải trực tiếp ra môi trường, từ đó làm cho môi trường xung quanh vùng nuôi bị suy thoái, mầm bệnh tích tụ trong nguồn nước cấp cho các vùng nuôi.

* Đâu là những mô hình nuôi tôm bền vững, thưa ông?

- Để phát triển nghề nuôi tôm bền vững, có thể phát triển theo hai hướng đồng hành với nhau: Phát triển theo chiều rộng, mở rộng diện tích nuôi với các mô hình nuôi thân thiện với môi trường, như: nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm hữu cơ (mô hình tôm-lúa, tôm - rừng...). Cần chú ý, trong các mô hình này nên duy trì mật độ nuôi thấp, không sử dụng thức ăn, hóa chất công nghiệp. Phát triển theo chiều sâu, nâng cao mức độ thâm canh bằng cách áp dụng các mô hình nuôi thâm canh, siêu thâm canh công nghệ cao, như: công nghệ biofloc, công nghệ tuần hoàn, công nghệ nuôi nhà màng… Điểm mấu chốt của các công nghệ nuôi mới là có hệ thống xử lý và tái sử dụng chất thải, hoàn toàn không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.

* Các công trình nghiên cứu của các viện, trường về giống, công nghệ nuôi, bệnh và môi trường; các mô hình nuôi tôm thâm canh phòng tránh bệnh, luân canh tôm-lúa… đã đáp ứng những yêu cầu của thực tiễn như thế nào?

- Thời gian qua, kết quả nghiên cứu của các viện, trường phần nào đã đáp ứng được những đòi hỏi bức bách từ thực tiễn sản xuất. Tuy nhiên, những thành tựu nghiên cứu chưa được áp dụng một cách đầy đủ. Do đó, các kết quả nghiên cứu chỉ giải quyết được "phần ngọn" của vấn đề, đặc biệt là vấn đề môi trường và dịch bệnh. Còn "phần gốc" là chưa giải quyết được. Để giải quyết phần gốc thì cần phải thay đổi quy trình nuôi - áp dụng quy trình nuôi bền vững, đồng thời cũng phải giải quyết vấn đề phát triển tự phát.

* Để đạt mục tiêu của Chính phủ nuôi tôm trở thành ngành Kinh tế chủ lực chúng ta phải làm gì, thưa ông?

- Về tiềm năng, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển 1 triệu héc-ta nuôi tôm. Nhưng để đạt được chỉ tiêu của Chính phủ đề ra đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, chính sách, dịch vụ hỗ trợ… Thuận lợi lớn nhất đó là những thành tựu nghiên cứu của thế giới (công nghệ nuôi bền vững) hoàn toàn có áp dụng để nâng cao hiệu quả sản xuất tôm. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là làm thế nào để áp dụng một cách đầy đủ vào điều kiện ở Việt Nam khi nghề nuôi tôm ở nước ta còn nhỏ lẻ, tự phát. Nếu chúng ta có thể phát triển nghề nuôi tôm theo hai hướng đã nêu trên, đồng thời phát triển các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ hỗ trợ, vốn… để chuyển đổi từ mô hình nuôi hiện nay sang mô hình nuôi công nghệ cao, công nghệ bền vững thì chúng ta hoàn toàn có thể đạt được.

* Nếu chúng ta phấn đấu đạt 10 tỉ USD, tức là chiếm tới 25% thị trường tôm thế giới. Điều này có nghĩa, phải cạnh tranh rất lớn. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Theo dự báo, thị trường tiêu thụ tôm toàn thế giới tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới vì nhu cầu tiếp tục tăng. Vì vậy, tôm vẫn là mặt hàng tiềm năng. Tuy nhiên, để tham gia thị trường thế giới, Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh từ những quốc gia sản xuất tôm lớn, như: Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ecuador… Đối với tôm sú, Việt Nam có lợi thế hơn vì sản lượng nuôi lớn với chi phí thấp do áp dụng mô hình nuôi QCCT (tôm-rừng, tôm-lúa…). Trong khi đó, sự cạnh tranh khốc liệt hơn đối với đối tượng tôm thẻ chân trắng vì chi phí sản xuất của chúng ta hơi cao hơn so với các nước khác.

* Xin cảm ơn ông!

HỮU ĐỨC (thực hiện)

Chia sẻ bài viết