11/10/2012 - 19:57

BÁC SĨ BÙI NGỌC THUẤN, PHÓ TRƯỞNG KHOA CHẨN ĐOÁN HÌNH ẢNH BỆNH VIỆN ĐA KHOA TRUNG ƯƠNG CẦN THƠ:

Có thể phát hiện sớm ung thư bằng kỹ thuật chụp cắt lớp điện toán hoặc chụp cộng hưởng từ

Hiện nay, ở TP Cần Thơ đã có nhiều bệnh viện trang bị máy chụp cắt lớp điện toán (CT Scanner) và máy chụp cộng hưởng từ (MRI). Đây là những thiết bị y khoa hiện đại có thể giúp người có điều kiện kinh tế chủ động tầm soát được nhiều bệnh hiểm nghèo, đặc biệt là bệnh ung thư. Tuy nhiên, giá dịch vụ khá cao. Để giúp người dân hiểu và sử dụng hợp lý kỹ thuật CT Scanner và MRI, bác sĩ Bùi Ngọc Thuấn, Phó Trưởng khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết:

Đối với bệnh ung thư, việc chẩn đoán sớm, chẩn đoán đúng là yêu cầu cực kỳ quan trọng, giúp việc điều trị có hiệu quả, triệt để, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân. Chụp CT scanner và MRI là kỹ thuật chẩn đoán y khoa tạo ra hình ảnh giải phẫu của cơ thể, giúp bác sĩ phát hiện sớm các tổn thương u từ rất nhỏ hoặc bệnh lý khác từ rất sớm mà kỹ thuật chụp X quang thường quy và một số phương pháp chẩn đoán khác không sánh được. Những cơ sở được trang bị máy CT Scanner đa lát cắt và máy chụp cộng hưởng từ (MRI) có từ trường cao thì chất lượng hình ảnh càng rõ nét và khả năng dựng hình cơ thể đa chiều nâng cao được chất lượng chẩn đoán bệnh.

* Xin bác sĩ cho biết, trường hợp nào nên chụp CT scanner và trường hợp nào nên chụp MRI?

 

- Chụp MRI có ưu thế trong việc phát hiện tổn thương mô mềm: các tổn thương u, viêm ở não, các tổn thương thoát vị đĩa đệm cột sống, tổn thương hệ cơ xương khớp chẳng hạn như đứt, rách dây chằng, sụn chêm khớp gối, khớp vai… Tuy nhiên, do MRI tạo ra hình ảnh nhờ sử dụng từ trường và sóng radio nên không thể sử dụng đối với phụ nữ mang thai ở 12 tuần đầu hoặc người có cấy ghép kim loại trong cơ thể, như đặt máy tạo nhịp tim, van tim nhân tạo, stent, ghép đinh kẽm hoặc có mảnh đạn trong người.

Chụp CT scanner có ưu thế chụp nhanh, chẩn đoán tốt các trường hợp chấn thương sọ não, bệnh lý ở lồng ngực, hầu hết các cơ quan trong ổ bụng và mạch máu toàn thân,… Trường hợp bệnh nhân cần chẩn đoán phần mềm nhưng không thể sử dụng kỹ thuật MRI do có dị vật kim loại hoặc do không thể nằm bất động lâu khi chụp MRI thì có thể sử dụng kỹ thuật CT scanner để khảo sát.

* Thưa bác sĩ, chụp CT Scanner và MRI có giúp phát hiện bệnh lý động mạch vành?

- Động mạch vành là động mạch chính nuôi tim, giúp tim đập. Bệnh động mạch vành là một bệnh nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Nguyên nhân do cholesterol dư thừa và chất vôi lắng đọng lên thành động mạch vành, tạo ra những mảng được gọi là mảng xơ vữa động mạch. Khi các mảng xơ vữa đã hình thành, lớn dần theo thời gian và gây hẹp lòng động mạch. Khi động mạch vành bị hẹp, lượng máu đến nuôi tim không đủ, tim sẽ không hoạt động tốt, người bệnh có nguy cơ tử vong rất cao.

Việc chụp CT Scanner hoặc MRI có thể phát hiện mảng xơ vữa, tình trạng chít hẹp động mạch vành. Tuy nhiên, chỉ nên thực hiện tầm soát ở những người có nguy cơ cao, có biểu hiện thiểu năng vành hoặc bị bệnh lý tim mạch có liên quan đến nguyên nhân mạch vành mà các bác các bác sĩ thấy cần thiết phải kiểm tra.

* Còn đối với trường hợp bị ung thư đại, trực tràng, thưa bác sĩ?

- Ung thư đại tràng và ung thư trực tràng là bệnh lý phổ biến và đứng hàng thứ hai trong các trường hợp ung thư hệ tiêu hóa. Đặc biệt, bệnh lý này xảy ra ở nhóm dân số trẻ và có liên quan đến yếu tố gia đình. Một số các ung thư đại, trực tràng phát sinh từ những khối thịt dư lành tính lồi lên khỏi thành ruột, được gọi là polyp. Các polyp có kích thước lớn hơn 1cm được xem là những khối tiền ung thư. Chúng không gây ra bất kỳ triệu chứng gì cho đến khi biến thành ung thư. Do vậy, khi các polyp này được phát hiện và cắt bỏ sớm, tỷ lệ tử vong do ung thư đại, trực tràng giảm xuống đáng kể. Do đó, việc tầm soát để phát hiện sớm và loại bỏ kịp thời polyp này là yêu cầu cực kỳ quan trọng để giúp người mắc ung thư duy trì tuổi thọ. Ngoài phương pháp nội soi trực tiếp lòng ruột, chụp CT Scanner với phương pháp bơm hơi vào lòng ruột (hay còn gọi là nội soi ảo), hay bơm nước hoặc chất tương phản vào lòng ruột cũng giúp đánh giá khá chính xác được thành ruột, cũng như toàn bộ các cơ quan trong ổ bụng. Mặt khác, CT Scanner cũng giúp bác sĩ ngoại khoa có cái nhìn tổng quan về kích thước, hình thái, giai đoạn xâm lấn của khối u trước khi phẫu thuật. Đây là thủ thuật không xâm lấn, không gây cho bệnh nhân cảm giác đau đớn và khó chịu như dùng ống soi. Việc tầm soát phát hiện tổn thương đại tràng giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư sớm đại, trực tràng. Với các trường hợp bị rối loạn tiêu hóa kéo dài và tái phát, bị tiêu ra máu chưa xác định nguyên nhân và tái phát, bị viêm đại tràng mãn, cần chủ động đến khám tại các bác sĩ chuyên khoa.

* Khi chọn kỹ thuật CT scanner hoặc MRI để tầm soát ung thư, bệnh nhân cần chuẩn bị gì?

- Bệnh nhân cần cung cấp cho bác sĩ đầy đủ nhưng thông tin như có tiền sử các bệnh (nếu có): hen suyễn, mề đay, tim mạch, tiểu đường, bệnh lý thận, tiền sử dị ứng với thuốc. Trước khi chụp bệnh nhân có thể ăn uống bình thường. Bệnh nhân cũng cần cung cấp thông tin về việc đặt máy tạo nhịp, đặt Stent, hay dị vật kim loại trong cơ thể trước khi chụp MRI.

Trong các trường hợp đặc biệt như cần gây mê, cần tiêm thuốc cản quang, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân phải nhịn đói từ 6-8 giờ trước khi chụp CT scanner, MRI. Hoặc phải làm sạch lòng đại tràng trong trường hợp cần bơm hơi, nước hay chất tương phản vào lòng ruột.

* Xin cảm ơn bác sĩ!

Đ. KHÔI (thực hiện)

Chia sẻ bài viết