Đằng sau cửa hang hình mái vòm cao hàng chục mét là cả một hê sinh thái rừng mênh mông. Ở đó, có cả rừng già, dòng thác và con sông chảy xuyên qua hang đá. Người ta bảo, đó là tiểu Sơn Đoòng của đồng bào Cơ Tu bản địa.
Cuối một nhánh sông là ngọn thác ngăn sông với núi thơ mộng giữa rừng già.
Vượt xuống một con dốc chiều thẳng đứng cách đường vào làng chừng hai mươi phút đi bộ, trước mắt chúng tôi là một thế giới khác lạ, như bước ra khỏi cánh cửa thần kỳ trong truyện tranh, cổ tích. Đi ngược dòng sông chảy lượn lờ trong vắt dưới tán cây rừng cảm giác như vùng đất này chưa có dấu chân người. Vạn vật thuần khiết thiên nhiên. Chừng trăm bước chân không vội vã, tôi rùng mình khi nhìn thấy phía trước là một cửa hang rộng lớn. Hay đúng hơn đó là chiếc cầu vồng được trang trí bằng vô số thạch nhũ đá vôi bắt qua dòng sông uốn khúc. Những tưởng, sông chảy ngầm trong lòng đất khi thoát ra khỏi cửa hang mới lộ thiên và chảy phía bản làng ở hạ nguồn. Không có ánh sáng bảy màu của đèn điện nghệ thuật như ở động Phong Nha, Thiên Đường (Quảng Bình), ánh sáng tự nhiên hắt vào những khối thạch nhũ muôn hình vạn trạng xen lẫn màu xanh của lộc non. Chạm dần đến cửa hang mới vỡ òa. Sau mái vòm khổng lồ ấy là cả một khu rừng già xanh tốt và con sông vẫn xa tít tắp.
Dù đã tìm hiểu một số thông tin về hang Cổng Trời từ người Cơ Tu ở Mà Cooih (huyện Đông Giang, Quảng Nam), nhưng trí tưởng tượng bay bổng của những kẻ mê xê dịch vẫn không đủ để hình dung khung cảnh đang diễn ra trước mắt. Mới thấy, tạo hóa luôn hào phóng với con người. May thay, đồng bào bản địa ngày ngày đi qua cánh cổng vòm đá này để lên rừng, đi rẫy vô cùng quý trọng và xem đó như báu vật của Giàng. Không một đụng chạm búa rìu vách đá, kể cả cây rừng xanh tốt xung quanh. Và may mắn hơn, chốn này nằm giữa rừng già của Trường Sơn, đường xa cách trở nên không có nhiều du khách đặt chân đến. Chỉ có vào dịp lễ, một số người Kinh ở Đông Giang mới tìm đến đây tắm sông rừng, bắt cá, bắt cua.. như một chuyến trở về thiên nhiên hoang dã.
Chiều muộn nên chúng tôi không tiếp tục hành trình mà giăng lều ngủ lại ở cửa hang. Bãi cát mịn màng bằng phẳng đủ chỗ cho hơn mười người dựng lều qua đêm. Đêm chỉ có tiếng lá rừng xào xạc, tiếng róc rách của dòng sông chảy qua khe đá. Thỉnh thoáng có tiếng chim đập cánh, dường như nó chới với từ cành cây trong giấc ngủ say. Sau bữa tối bên sông rừng, nằm trong lều nghe rõ tiếng lộp độp của nước rỉ ra từ khe đá vôi của hang động. Chính những giọt nước này đã kiến tạo nên thạch nhũ núi đá vôi, trải qua hàng ngàn năm để để trang trí cho cổng mái vòm hùng vĩ mà người Cơ Tu gọi đó là Cổng Trời. Tiếng loong toong của nước va vào vách lều như điệu ru của rừng vỗ những kẻ xê dịch vào giấc ngủ ngon lành, không một chút lo lắng, suy nghĩ. Đêm giữa rừng bình yên đến lạ.
Buổi sáng. Chúng tôi bị đánh thức bởi những bước chân bì bõm trong làn nước của người Cơ Tu đi rừng. Thấy có lều trại, dường như họ bước khẽ và nói chuyện nhỏ hơn như sợ làm phiền. Mở cửa lều, chúng tôi chào nhau như thể chào người thân. Đồng bào Cơ Tu rất thân thiện và tận tình hướng dẫn đường đi nước bước cho hành trình phía trước. Sau bữa điểm tâm bằng mì gói và cà phê sáng giữa không gian sang chảnh này, chúng tôi để lại toàn bộ hành lý, chỉ mang duy nhất máy ảnh theo hành trình bởi biết chắc rằng chẳng ai lấy đi những thứ không phải của mình ở chốn này. Theo ngược dòng sông về phía thượng nguồn, chúng tôi nhiều lần zích - zắc qua lại hai bờ sông để tránh những vách đá bít lối đi. Dọc bờ sông, có nhiều hang động mà cửa hang nhỏ xíu chừng vài gang tay nhưng bên trong là cả một hệ thống đá vôi khổng lồ đang được kiến tạo. Mất khoảng một giờ đi bộ, một lần nữa lại ngỡ ngàng. Giữa rừng già là một thác nước cao chừng năm mươi mét đổ xuống một cái hồ sâu hút bên dưới. Dòng nước sâu và lạnh nên không ai chạm được tới chân thác. Người Cơ Tu bảo đó là nước của Giàng. Họ chỉ sử dụng nước ở dòng sông chứ không chạm đến thác. Khu vực này còn có nhiều thác như vậy tạo thành nhiều dòng nhưng cùng đổ về một con sông trước khi chảy ngang qua Cổng Trời.
Vượt qua Cổng Trời đi dọc con sông đến vách đá ngăn sông với núi là cả một hành trình lý thú, thách thức sự kiên nhẫn của kẻ xê dịch. Ngồi ngay cửa Cổng Trời, tôi phân vân trước thông tin địa phương kêu gọi đầu tư du lịch khai thác điểm này để thu hút du khách khám phá thiên nhiên độc đáo của Mà Cooih. Hy vọng rằng, sẽ có một quy tắc ứng xử với Cổng Trời như người ta đã làm với Sơn Đoòng – hãy để mọi thứ hoang sơ tự nhiên nhất có thể; và con người phải có ý thức khi khám phá!
Bài, ảnh: MIÊN HẠ