Tuy việc đẩy mạnh đưa hàng Việt Nam vào thị trường Campuchia chỉ mới khởi động lại gần 10 năm nay, nhưng đã tạo nhiều ra cơ hội mới cho doanh nghiệp của 2 nước. Trong đó, việc hỗ trợ tiếp cận thị trường, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm nhà phân phối đã tạo ra cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước tạo thế chủ động cạnh tranh tại thị trường Campuchia.
* THỊ TRƯỜNG TIỀM NĂNG
Chị Chanh Thươl, một khách hàng của tỉnh Tà Keo, Vương quốc Campuchia, cho biết: “Tại Tà Keo, trước đây chúng tôi chỉ xài hàng Trung Quốc, Thái Lan. Hàng Việt Nam rất ít, tuy nhiên vài năm gần đây thông qua quảng cáo, hội chợ... chúng tôi bắt đầu quen với hàng Việt Nam chất lượng cao. Theo tôi, các mặt hàng này không thua gì hàng Thái Lan và bảo đảm hơn hàng Trung Quốc, giá cả thì lại vừa phải”. Còn chị Kết Sô Thi, tỉnh KanĐal, nhận xét: “Tôi rất thích các mặt hàng thực phẩm của Việt Nam như mì gói, đồ đóng hộp, giày dép... Tuy nhiên bên Campuchia, nhất là vùng nông thôn tìm mua khó lắm. Nhờ đến mua hàng tại cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang, tôi mới có cơ hội thấy nhiều hàng Việt Nam với mẫu mã đẹp, chất lượng cao. Tôi sẽ tiếp tục đến để mua hàng Việt Nam trong thời gian tới”.
 |
Khách hàng Campuchia mua hàng tại cửa khẩu Tịnh Biên. |
Đây cũng là nhận định của hầu hết khách hàng khi đến Ngày hội Hàng Việt Nam chất lượng cao xuất khẩu sang Campuchia diễn ra vào tháng 8 năm 2009 tại cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Rõ ràng, thị trường Campuchia đang là một thị trường đầy tiềm năng, nơi đây tập trung không chỉ người dân Campuchia mà còn nhiều người tiêu dùng nước ngoài thông qua con đường du lịch. Mặt khác, phong cách mua sắm khá đơn giản của người tiêu dùng Campuchia là chọn mua hàng hóa theo nhận biết qua đặc điểm riêng của nhãn hiệu, logo... mà họ từng biết đến qua sử dụng hoặc được người khác giới thiệu.
Những năm gần đây, mối quan hệ giữa chính phủ 2 nước ngày càng được thắt chặt. Đây chính là điều kiện thuận lợi của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam mở rộng hợp tác đầu tư sang Campuchia. Hiện tại có trên 100.000 Việt kiều đang sinh sống tại Campuchia. Đây là cầu nối rất tốt để các doanh nghiệp Việt Nam bắt nhịp kinh doanh. Hoạt động thương mại Campuchia chủ yếu là xuất khẩu nông sản, nhập khẩu hàng tiêu dùng. Ông Châu Văn Chi, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Campuchia, cho biết: “Có thể xem thị trường Campuchia là trung tâm giao lưu hàng hóa của toàn khu vực. Hàng hóa từ Việt Nam, Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan... trước khi thâm nhập thị trường nước khác nào đó phần lớn đều đã đi qua đầu mối giao lưu này. Doanh nghiệp các nước Đông Nam Á đều xem Campuchia là thị trường “thử nghiệm” hàng hóa của họ trước khi đưa hàng đến với thị trường của một nước khác. Thí dụ khi hàng Việt Nam đã được thị trường Campuchia chấp nhận thì các doanh nghiệp sẽ dễ dàng đưa nhóm hàng hóa đó thâm nhập thị trường của nước thứ 3. Tuy nhiên, tại thị trường Campuchia hàng Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh nhiều hơn với hàng hóa Trung Quốc, Thái Lan...”. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam chất lượng cao, đánh giá: “Hiện nay, chúng ta có nhiều mặt hàng đang được người tiêu dùng Campuchia yêu thích và sức tiêu thụ mạnh hơn hàng Thái Lan, Trung Quốc là các mặt hàng hóa mỹ phẩm, vật tư nông nghiệp, thực phẩm. Nếu chúng ta tiếp tục có những chiến lược tiếp cận và quảng bá thương hiệu tốt thì đây sẽ là một thị trường rất tiềm năng không chỉ khách hàng là người tiêu dùng Campuchia mà chúng ta có thể thông qua thị trường này để xuất sang các nước khác”.
* CƠ HỘI NÀO CHO HÀNG VIỆT?
Quan hệ kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Vương quốc Campuchia vốn có từ lâu. Việc mở rộng quan hệ thương mại đã tạo ra cơ hội tốt nhất để hàng Việt Nam thâm nhập thị trường tiềm năng này. Ông Lâm Minh Chiếu, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, chi biết: “Kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Campuchia thời gian qua thông qua các cửa khẩu tại An Giang chiếm 65-70% và tăng dần qua các năm cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu quan tâm đến việc đưa hàng Việt Nam qua thị trường này. Việc tổ chức Ngày hội Hàng Việt Nam chất lượng cao xuất khẩu sang Campuchia không chỉ giúp các doanh nghiệp tiếp cận thị trường, tìm nhà phân phối mà quan trọng là chúng ta khẳng định thương hiệu, quảng bá hình ảnh và tìm kiếm cơ hội lâu dài để hàng Việt Nam đứng chân vững chắc tại Campuchia”.
Bà Trương Thị Bích Liên, Giám đốc kinh doanh của Công ty Bitas, cho biết: “Trước đây chúng ta đưa hàng qua đó manh mún và thiếu sự hợp tác. Giờ đây, khi tổ chức CLB hàng Việt Nam chất lượng cao và tìm kênh phân phối hàng qua Campuchia với thương hiệu đã được biết đến là Hàng Việt Nam chất lượng cao, nếu quảng bá tốt sẽ có cơ hội lớn không chỉ cạnh tranh với hàng Thái Lan, Trung Quốc mà còn có khả năng chiếm lĩnh thị trường đầy tiềm năng này”.
Đã có mô hình mới cho xuất khẩu biên mậu thông qua một khu bảo thuế vừa hình thành tại cửa khẩu Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Theo đó, các nhà sản xuất trong nước nếu đưa hàng hóa vào khu vực phi thuế quan khu bảo thuế, sẽ được miễn giảm các loại thuế (kể cả khi xuất khẩu sang Campuchia). Điều này sẽ tạo động lực để kích thích những nhà sản xuất tham gia vào hoạt động xuất khẩu biên mậu tích cực hơn, do hàng hóa được giảm giá thành đáng kể từ việc giảm thuế và tiết kiệm được vốn lưu động. Trước mắt, các doanh nghiệp có thể đưa hàng vào bán tại các siêu thị miễn thuế (theo hợp đồng thỏa thuận trước) hoặc tham gia lễ hội quảng bá hàng Việt Nam chất lượng cao. Đây là một thị trường hấp dẫn, vì khách tham quan du lịch trong và ngoài nước được mua hàng miễn thuế đến 500.000 đồng/người/ngày; riêng nhà phân phối Campuchia được mua không giới hạn. Những chính sách mới đi kèm theo mô hình này chắc chắn sẽ mang lại nhiều cơ hội thuận lợi để doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh giao thương mà ít tốn kém và ít thủ tục hơn so với xuất khẩu bình thường.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu An Giang, việc tỉnh khai trương Khu thương mại Tịnh Biên kết hợp với ngày hội Hàng Việt Nam chất lượng cao xuất khẩu sang Campuchia như vừa qua là cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế biên mậu giữa hai nước một cách mạnh mẽ hơn. Hàng hóa Việt Nam đã tạo được uy tín, sự tin dùng nhất định đối với người dân Campuchia và qua sự kiện này sẽ tạo ra địa chỉ tập trung để các nhà phân phối Campuchia có thể tìm kiếm đối tác. Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ nhiệm CLB Hàng Việt Nam lượng cao, cho biết: “Chúng tôi tiếp tục nghiên cứu thị trường tiềm năng này để cung cấp nhiều thông tin có lợi cho doanh nghiệp. Song song đó, những chiến dịch quảng bá thường xuyên, bằng hình ảnh thương hiệu tập thể là Hàng Việt Nam chất lượng cao sẽ giúp hàng Việt Nam có thêm sức mạnh cạnh tranh tại thị trường Campuchia”.
Bài, ảnh: BÌNH NGUYÊN