25/02/2009 - 20:58

Thực hiện phân cấp công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục

Chuyển biến chậm

Đầu năm 2008, UBND TP Cần Thơ triển khai chủ trương phân cấp công tác tổ chức và quản lý viên chức ngành giáo dục theo quy định tại Quyết định số 62/2007/QĐ-BGDĐT ngày 26-10-2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gọi tắt là QĐ 02). Theo đó, UBND thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo xem xét chọn một số đơn vị làm điểm thực hiện tuyển dụng viên chức bằng hình thức thi tuyển, nhằm tuyển dụng những người đủ năng lực, trình độ, phù hợp yêu cầu, điều kiện của đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện chủ trương này, thực tế chưa có chuyển biến, chưa góp phần đổi mới công tác giáo dục như mục tiêu đã đề ra…

Phân cấp “treo”

Năm học 2008-2009, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ tổ chức tuyển dụng viên chức hai đợt, đều bằng hình thức xét tuyển về công tác tại các trường trực thuộc Sở. Căn cứ vào quy định, việc tổ chức tuyển dụng viên chức bằng hình thức xét tuyển không trái với quy định tại QĐ 02. Tuy nhiên, nếu theo yêu cầu của UBND thành phố là tổ chức thực hiện thí điểm trong tuyển dụng viên chức giáo dục bằng hình thức thi tuyển thì vẫn chưa được thực thi nghiêm túc.

Người dân đến liên hệ bộ phận “một cửa” của Sở Giáo dục và Đào tạo nhờ hướng dẫn thủ tục cải chính văn bằng, tuyển dụng, tuyển sinh.  

Theo kết quả thanh tra công tác tổ chức và quản lý viên chức giáo dục năm 2008 của Sở Nội vụ tại Sở Giáo dục và Đào tạo và một số quận, huyện và trường học, công tác này còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, tại quận Ô Môn, Phòng Giáo dục quận vẫn thực hiện việc ký hợp đồng lao động (hợp đồng hàng tháng) với các chức danh bảo vệ, phục vụ, văn thư... cho các trường, trái với quy định về việc phân cấp cho các trường học chủ động ký kết hợp đồng với các chức danh này theo nhu cầu. Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục quận Ô Môn còn điều động một số giáo viên hưởng lương tại các trường học về làm công tác quản lý nhà nước tại Phòng Giáo dục trái với quy định về quản lý, sử dụng biên chế hành chính và biên chế sự nghiệp.

Tại huyện Thốt Nốt, Trưởng phòng Giáo dục còn trực tiếp ký kết hợp đồng tuyển dụng viên chức, trong khi đó theo Công văn hướng dẫn số 192 của Sở Nội vụ và Sở Giáo dục và Đào tạo, việc ký kết hợp đồng tuyển dụng phải do Hiệu trưởng các trường học ký. Do ôm đồm, bao biện “làm thay” một số phần việc đã được phân cấp cho các trường học, nên tình trạng quá tải đã xảy ra ở Phòng Giáo dục huyện Thốt Nốt, dẫn đến phải điều giáo viên hưởng lương tại trường học về Phòng giáo dục làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục!

Đối với Sở Giáo dục và Đào tạo, mặc dù thời gian qua Sở đã hướng dẫn tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục cho các trường học trực thuộc, nhưng chưa tổ chức kiểm tra việc thực hiện. Công tác tuyển dụng viên chức, mặc dù UBND thành phố chỉ đạo chọn trường trọng điểm để hướng dẫn tuyển dụng bằng hình thức thi tuyển nhưng cũng chưa được triển khai thực hiện. Việc tuyển dụng viên chức cho các trường học vẫn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức xét tuyển.

Tại các buổi làm việc trực tiếp với một số đơn vị trường học, đại diện các Ban giám hiệu đã than phiền về tình trạng phân cấp “treo”: Quy định phân cấp trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức giáo dục, nhưng khi thực hiện các công tác này, trường vẫn phải tiến hành quy trình, thủ tục “xin – cho” như trước đây, kéo dài thời gian chờ đợi, gây phiền hà. Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, phân cấp tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức giáo dục là công tác mới mẻ, có khả năng các trường học làm không nổi, dẫn đến sai sót. Tuy nhiên, hiệu trưởng một số trường học lại cho rằng, việc tổ chức tuyển dụng viên chức bằng hình thức thi tuyển các trường hoàn toàn có thể thực hiện được.

Bà Trịnh Thị Mỹ Nhung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó trưởng Đoàn thanh tra công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục, cho biết: “Cơ sở thực hiện phân cấp đối với công tác này đã được quy định cụ thể trong các văn bản. Điều còn lại là vấn đề thực thi phân cấp của những người có trách nhiệm, phải tạo điều kiện cho các đơn vị, trường học được thực hiện quyền hạn đã phân cấp”.

Không phân cấp, khó nâng cao chất lượng giáo dục!

Tại các cuộc thanh tra, nhiều hiệu trưởng trường học đã bày tỏ được chủ động tuyển dụng viên chức bằng hình thức thi tuyển trực tiếp (thay cho hình thức xét tuyển như hiện nay của Sở Giáo dục và Đào tạo). Bởi, như thế trường học có cơ hội được tuyển dụng người có năng lực, trình độ đúng yêu cầu thông qua việc thành lập hội đồng thi tuyển, ra đề, chấm thi và phỏng vấn trực tiếp. Còn theo hình thức xét tuyển như hiện nay, người tuyển dụng nộp hồ sơ, chờ đợi xét và ra quyết định tuyển dụng phân công của Sở Giáo dục và Đào tạo đưa về các trường, các trường dù muốn hay không đều phải nhận vào giảng dạy.

Một số Hiệu trưởng cho rằng, hình thức tuyển dụng giáo viên thông qua việc trường trực tiếp tổ chức thi tuyển còn tránh được tình trạng tiêu cực, gửi gắm, chạy trường... Khi đã tổ chức hội đồng thi tuyển, với sự giám sát của cơ quan chức năng, chắc chắn trường sẽ phải chọn người cao điểm nhất, nếu không thì chính trường sẽ phải gánh chịu hậu quả “chất lượng kém” suốt thời gian công tác của giáo viên đó.

Hiện nay, trong cả nước đã có một số tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... thực hiện phân cấp mạnh cho các trường học, để các trường trực tiếp tuyển dụng giáo viên phù hợp yêu cầu thông qua hội đồng thi tuyển. Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ tiến hành hoàn tất khâu cuối cùng là ra quyết định tuyển dụng khi có đề nghị của hiệu trưởng. Việc phân cấp này cũng được một số trường học đánh giá là giảm thiểu tiêu cực, tạo công bằng, công khai, minh bạch, hiệu quả, chất lượng trong tuyển dụng giáo viên.

Bà Trịnh Thị Mỹ Nhung, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cho biết: “Phân cấp công tác tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức ngành giáo dục được xác định là bước cải cách mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước về giáo dục trên địa bàn thành phố. Sở Nội vụ đang tổ chức rà soát các quy định có liên quan, để tham mưu cho UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác phân cấp này. Theo tôi, nếu làm tốt công tác phân cấp, sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn thành phố”.

Ngoài ra, thời gian qua, ngành giáo dục và đào tạo còn thực hiện chưa nghiêm quy định phân cấp quản lý tài chính. Cụ thể là giao quyền tự chủ về tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP cho các trường học, đến nay, số trường được giao quyền tự chủ tài chính chỉ đếm trên đầu ngón tay! Theo kế hoạch cải cách hành chính năm 2009 của UBND thành phố, trong năm nay, thành phố sẽ giao nhiệm vụ cho người đứng đầu Sở chủ quản quán triệt thực hiện giao quyền tự chủ về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp, đặc biệt là các trường học. Nếu đơn vị nào chậm trễ, lãnh đạo Sở phải giải trình rõ nguyên nhân và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố. Thiết nghĩ, thành phố cần có biện pháp chỉ đạo sát sao hơn nữa, để công tác phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục được thực hiện nghiêm túc, góp phần nâng cao chất lượng cải cách trong lĩnh vực giáo dục trên địa bàn.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết