02/06/2024 - 13:30

Chút tình “Hương sắc phù sa” 

“Với Đặng Tuyết, thơ trước hết là cuộc đời”, nhà phê bình văn học Lê Xuân đã cảm nhận như vậy sau khi đọc tập thơ “Hương sắc phù sa” của nhà thơ Đặng Tuyết (Hội Nhà văn TP Cần Thơ), NXB Hội Nhà văn ấn hành. Cuộc đời gửi trọn trong những vần thơ, có lẽ vậy, nên thơ Đặng Tuyết luôn đọng chút tình với vùng châu thổ phù sa.

Tập thơ “Hương sắc phù sa” tại Nhà sách Phương Nam Cần Thơ. Ảnh: NVCC

Nhà phê bình văn học Lê Xuân chia sẻ rằng, thơ với nhà thơ Đặng Tuyết “như khí trời, nước uống không thể thiếu được”, bà luôn muốn dùng thơ để làm vơi đi những trăn trở, băn khoăn, nỗi niềm trong cuộc sống. Thơ như là điểm tựa, chắp cánh để bà đi trên mỗi bước đường.

Quả vậy, cuộc đời của nhà thơ Đặng Tuyết có những khoảng chông chênh, bất hạnh, có những hạnh phúc, an yên. Sau tất cả, bà trải lòng vào những câu thơ giàu xúc cảm. Trong đó, đề tài lớn nhất trong thơ Đặng Tuyết chính là tình yêu xứ sở sông nước Cửu Long. Là người con của quê hương Hà Tĩnh, chọn Cần Thơ làm quê hương thứ hai từ thời còn son trẻ, nay đã 62 tuổi, nên với nhà thơ Đặng Tuyết: “Tình người vùng đất Chín Rồng/ Hương phù sa quyện giữa lòng Tây Đô” (“Hương sắc phù sa”).

Tập thơ “Hương sắc phù sa” như một hành trình trên đất phù sa, đưa người đọc đến và cảm nhận những nét đẹp riêng biệt của mỗi vùng đất, con người mà tác giả đặt chân đến. Hình ảnh một cội ô môi vào mùa trổ bông rực một góc trời đi vào thơ Đặng Tuyết: “Về thăm miền sông Hậu/ Nhìn sáo sậu sang sông/ Bông ô môi thắm đỏ/ Đằm thắm một tình quê” (“Nhớ bông ô môi đỏ”).

Với “Miền quê nước nổi”, nhà thơ Đặng Tuyết đã vẽ nên bức tranh miền sông nước tuyệt đẹp bằng thơ, cùng mối tình đằm thắm, xuyến xao: “Mùa bông điên điển nở hoa/ Em đi em nhớ giọng ca tiếng đờn”. Về U Minh Hạ, về xứ Bạc Liêu - quê hương “Dạ cổ hoài lang”, về Phong Điền, Cái Răng, Bình Thủy, Ninh Kiều… mỗi nơi đi qua là bao nỗi nhớ niềm thương, được nhà thơ Đặng Tuyết gửi lòng vào thơ. Để rồi rốt cục trong những vần thơ đó, mới hay rằng: “Về miền sông Hậu mênh mông/ Tìm trong câu hát đục trong hỡi người” (“Sông ơi ta hẹn ngày về”).

Cũng như trong các tập thơ trước, “Hương sắc phù sa” tỏ rõ sở trường thơ lục bát của nhà thơ Đặng Tuyết. Đó là những câu lục bát giàu nhạc điệu, uyển chuyển và tình cảm. Có những bài lục bát ngắt dòng, lục bát cách điệu trong tập thơ này đọc rất thú vị. Đặc biệt, trong phần sau của tập thơ này, có phần chùm thơ 1-2-3. Mỗi bài thơ 1-2-3 gồm 3 đoạn, 6 câu. Đoạn 1 có 1 câu, tối đa 11 chữ/câu, cùng là tên bài thơ; đoạn 2 có 2 câu, tối đa 12 chữ/câu; đoạn 3 có 3 câu, tối đa 13 chữ/câu. Đây là thể thơ mới, hiện được nhiều tác giả lựa chọn sáng tác, trong đó có nhà thơ Đặng Tuyết. Ở phần cuối, tập thơ chọn giới thiệu một số ca khúc phổ từ thơ Đặng Tuyết của các nhạc sĩ Huy Thọ, Phan Bá Kiệt.

Thơ với nhà thơ Đặng Tuyết, đó là đời. Nhưng cuộc đời ấy thật lạc quan, nhân hậu và bao dung. Như bà viết trong bài “Đi tìm câu chữ”: “Nhặt câu lục bát tặng người/ Vần thơ hóa kiếp nụ cười trăm năm”.

DUY KHÔI

Chia sẻ bài viết