03/03/2021 - 15:35

Chung tay xây dựng văn hóa giao thông 

Chị Ngọc Minh ở quận Ninh Kiều, kể: Chủ nhật tuần rồi, chị chở con gái 14 tuổi lưu thông trên đường Nguyễn Trãi, gặp tình huống va chạm giữa ô tô và xe gắn máy chở khá nhiều hàng hóa phía sau đang lưu thông cùng chiều. Vụ tai nạn khiến phần bên trái ô tô bị trầy xước, móp méo, còn người thanh niên điều khiển xe gắn máy ngã kềnh ra đường. Trong khi mọi người giúp người thanh niên dựng xe, thu gom hàng hóa văng tứ tung thì người lái ô tô lớn tiếng cho rằng người thanh niên chạy xe sai luật, chở hàng cồng kềnh mới dẫn đến tai nạn giao thông nên phải chịu trách nhiệm sửa xe cho mình. Người thanh niên cố tranh cãi mình không có lỗi, do người lái ô tô thình lình từ lề đường băng ra, khiến anh không tránh kịp. Cả hai đưa ra lý lẽ, không thừa nhận mình sai, dẫn đến thiếu kiểm soát, thách thức nhau. Nếu thời điểm đó không có nhiều người kịp thời can ngăn, khuyên giải, có thể sẽ xảy ra ẩu đả… Trên đường về nhà, chị Ngọc Minh nói với con gái, các chú lúc nãy đều sai, chú lái xe máy chở hàng cồng kềnh, chú lái ô tô bất ngờ băng ra đường; còn con gái nói, các chú nóng tính, ứng xử không đúng văn hóa giao thông. Theo chị Minh, có thể con chị chưa hiểu hết các vấn đề liên quan pháp luật về giao thông nhưng qua nội dung tiết giảng của cô giáo hay sự giải thích của các phụ huynh về an toàn giao thông cũng thấy được tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn giao thông, văn hóa giao thông.

Tuân thủ Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông là một trong những biểu hiện của văn hóa giao thông.

Tuân thủ Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông là một trong những biểu hiện của văn hóa giao thông.

Trong thực tế, những vụ va chạm dẫn đến tai nạn giao thông dù nặng hay nhẹ đều xuất phát từ sự bất cẩn, thiếu quan sát, phán đoán của người tham gia giao thông. Thay vì giữ bình tĩnh giải thích, xử lý ôn hòa thì trong nhiều vụ việc lại xảy ra cãi vã, đánh nhau gây thương tích... như thông tin trên mạng xã hội thường đăng tải, gây bức xúc trong dư luận. Theo quy định các tiêu chí văn hóa giao thông đường bộ gồm: đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; đi đúng phần đường, làn đường quy định, không đi xe trên vỉa hè, chấp hành nghiêm hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông; không sử dụng bia, rượu trước khi điều khiển xe và không chạy quá tốc độ quy định; tuyên truyền, vận động người tham gia giao thông tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, ý thức xây dựng môi trường giao thông thân thiện, an toàn... Ðiều cần quan tâm, khi tham gia giao thông, gặp phải những tình huống do bất cẩn, thiếu quan sát, người điều khiển phương tiện không làm chủ tay lái, xảy ra va chạm nhẹ nhưng không tổn hại vật chất, tính mạng, mỗi người cần có thái độ hợp tác, chọn giải pháp ôn hòa, ứng xử văn minh, lịch sự, biết nhường nhịn và giúp đỡ người gặp tai nạn…

Bài, ảnh: MAI THY

 

Chia sẻ bài viết