23/09/2011 - 09:40

Giải đặc biệt cuộc thi Holcim Prize 2011

Chưng cất nước ngọt cho người dân miền biển

Xuất sắc vượt qua 100 đề tài của cuộc thi Holcim Prize 2011, đề tài “Thiết kế thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô hộ gia đình cho người dân miền biển” của nhóm tác giả Nguyễn Ngọc Anh và Phạm Duy Linh, sinh viên Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên Trường ĐH Cần Thơ, đã đoạt giải Đặc biệt và được nhận thêm chi phí hỗ trợ của Công ty Holcim để ứng dụng vào thực tế. Đề tài này đoạt giải không chỉ vì khả năng ứng dụng cao mà còn có ý nghĩa giúp ích cho cộng đồng…

Ngọc Anh (giữa) và Duy Linh (bìa trái) nhận giải Đặc biệt trong cuộc thi. Ảnh: B.Ng 

Trong một lần về quê của một người bạn ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, nhóm Ngọc Anh- Duy Linh đã chứng kiến cảnh “đồng khô, cỏ cháy” vì thiếu nước, người dân nơi đây phải chật vật tìm nguồn nước sử dụng. Xuất phát từ đó, ý tưởng về một “thiết bị chưng cất nước ngọt” phục vụ cho các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn đã nhen nhóm trong đầu hai bạn. Thế là, khi hay tin có cuộc thi Holcim Prize 2011 (phát động tháng 10-2010), Ngọc Anh- Duy Linh đã mạnh dạn đăng ký đề tài “Thiết kế thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô hộ gia đình cho người dân miền biển”. Theo Ngọc Anh, những năm qua, tình trạng thiếu nước ngọt sinh hoạt vào mùa khô ở các khu vực ven biển, hải đảo, vùng bị xâm nhập mặn đáng báo động. Để có được nước ngọt sinh hoạt, người dân phải đi xa nơi ở để mua nước với giá cao, có nơi lên đến 116.000 đồng/1m3 nước, vào mùa khô. Bài toán về việc cấp nước sạch sinh hoạt giá rẻ cho các hộ dân sống trong các vùng khó khăn là hết sức bức thiết. Ngọc Anh bộc bạch: “Bản thân chúng tôi lớn lên từ vùng nông thôn nên rất hiểu sự khó khăn của bà con. Đây cũng là “sợi dây” vô hình khiến nhóm chúng tôi quyết tâm thực hiện đề tài này. Chúng tôi cùng nhau thảo luận, mày mò tìm, đọc tài liệu qua sách vở, mạng internet, tham khảo ý kiến của thầy cô... và làm việc cật lực gần một năm để hoàn chỉnh đề tài”.

Thiết bị chưng cất nước được nhóm của Ngọc Anh- Duy Linh làm từ các vật liệu đơn giản (nhựa, kính, ván ép, ván...) và tái sử dụng một số các vật liệu có khả năng tái sử dụng như: xơ dừa, ống nhôm cũ... Thiết bị có nhiều hình dạng khác nhau: dạng hộp chữ nhật hoặc dạng tháp có mặt tiếp xúc (tấm kính - hứng nước) có độ nghiêng là 5% nhằm mục đích để việc thu nước ngưng tụ nhanh hơn và chống lượng nước đã ngưng tụ bốc hơi ngược trở lại. Theo Ngọc Anh, các mức hiệu suất thiết kế sẽ tương ứng với diện tích đất sử dụng: chưng cất 90 lít/ ngày (16m2); 120 lít/ ngày (24m2); 150lít/ ngày (30m2); tỷ lệ hiệu suất chưng cất nước trên diện tích bề mặt: từ 4,0 - 6,0 lít/m2/ngày (vì nước ta là nước nhiệt đới). Thời gian chưng cất, mỗi ngày từ 7-17 giờ vào mùa khô. Lượng nước thu được không còn độ mặn, độ đục đều là 0,2 NTU và không còn tổng coliform. Nước có thể sử dụng trong ăn uống, sinh hoạt... Ngọc Anh khẳng định: “Chúng tôi sử dụng năng lượng của bức xạ mặt trời (nắng) để chưng cất nước. Với lượng nước thu được hằng ngày đủ đáp ứng nhu cầu sử dụng của hộ dân”. Điều này đã được nhóm Ngọc Anh- Duy Linh chứng minh qua những đợt thí nghiệm tại Bộ môn Kỹ Thuật Môi Trường, Khoa Môi Trường và Tài nguyên Thiên nhiên – ĐH Cần Thơ và thí nghiệm thực tế tại nhà của một hộ dân ở xã Mỹ An, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre.

Theo Duy Linh, so với các thiết bị chưng cất nước khác, thiết bị này có giá thành thấp hơn nhiều, phù hợp với nhiều hộ dân ở thôn quê, có hoàn cảnh khó khăn, người dân miền biển... Thiết bị có thể sử dụng từ 5-10 năm, dễ sử dụng, dễ bố trí. Chẳng hạn đối với các tàu, thuyền hoạt động trên biển, ở khu vực buồng lái luôn có một khoảng trống (rộng khoảng 5m2) đủ để vừa thiết bị này. Khi ấy, họ có thể lọc nước từ thiết bị này để uống, rất tiện lợi, ít tốn kém và không sợ thiếu nước uống trong những ngày đi biển. Nói về dự định sắp tới, Duy Linh bộc bạch: “Chúng tôi sẽ ưu tiên thực hiện đề tài tại tỉnh Kiên Giang, bởi đây là nơi có nhiều bà con đi biển, những hộ dân sống ven biển, các hải đảo và có nhiều khu vực thường xuyên bị xâm nhập mặn... Đi đôi với yếu tố phát triển cộng đồng, thiết bị này còn giúp bảo vệ môi trường bởi sử dụng nguồn năng lượng duy nhất là bức xạ mặt trời, sử dụng nhiều vật liệu có sẵn trong tự nhiên và không sử dụng hóa chất,... Đây sẽ là một thiết bị thân thiện với môi trường, góp phần nâng cao đời sống của người dân và góp phần thúc đẩy xã hội phát triển ngày bền vững”.

***

Chia tay với Ngọc Anh- Duy Linh, chúng tôi không sao quên hình ảnh của Ngọc Anh tự tin khi trình bày phần thi của mình tại vòng thi chung kết Holcim Prize 2011 vào ngày 20-9 vừa qua. Tuy đề tài “Thiết kế thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô hộ gia đình cho người dân miền biển” mới dừng lại ở giai đoạn nghiên cứu, nhưng có thể khẳng định ý tưởng của hai bạn đã góp phần vào việc bảo vệ môi trường sống, mang lại những hiệu quả kinh tế cho người dân, nhất là người dân vùng biển còn gặp nhiều khó khăn do thiếu nước ngọt trong sinh hoạt hằng ngày.

N.Ngân

Chia sẻ bài viết