16/04/2008 - 21:45

Giá phân bón giảm

Chưa kịp vui lại buồn vì chất lượng

Bán phân bón ở Cửa hàng vật tư nông nghiệp Ngọc Danh, Ô Môn, TP Cần Thơ. Ảnh: KHÁNH TRUNG

Trong những tháng đầu năm 2008, giá các loại phân bón đã liên tục nhích lên và đến tháng 3-2008 đã đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay. Nhưng từ đầu tháng 4-2008, hầu hết giá nhiều loại phân bón đã giảm trở lại. Trong khi đó, đến nay phần lớn nông dân đã đầu tư xong chi phí phân bón đầu vụ. Mặt khác, chất lượng phân bón đang trở thành nỗi lo của người bán lẫn nông dân...

GIÁ GIẢM NHƯNG CHẤT LƯỢNG THẢ NỔI

Ngoại trừ giá phân lân đã tăng khoảng 20.000 đồng/bao so với tháng trước, hiện nay hầu hết các loại phân bón khác đều giảm hoặc bình ổn. Giá phân urê đã giảm khoảng 80.000-90.0000 đồng/bao (50kg), phân DAP giảm 150.000 -200.000 đồng/bao so với tháng 3-2008. Trong khi đó, giá các loại phân NPK và Kali đang bình ổn ở mức cao.

Tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, giá phân urê (Phú Mỹ) bán lẻ đang ở mức khoảng 380.000-390.000 đồng/bao; phân DAP 950.000-970.000 đồng/bao (trả tiền liền), còn cuối vụ trả ở mức khoảng: 1 triệu đồng/bao. Phân NPK Đầu trâu 20-20-15 của Bình Điền đang ở mức: 700.000 đồng/bao; NPK 16-16-8 Việt Nhật: 590.000 đồng/bao. Riêng phân NPK Cò Bay 23-23-0 đang ở mức: 590.000-600.000 đồng/bao; NPK Cửu Long 16-16-8: 510.000 đồng/bao. Còn phân Kali (Canada): 500.000 đồng/bao; lân Long Thành 180.000 đồng/bao.

Giá phân urê giảm so với trước do lượng phân bón sản xuất trong nước được tăng cường. Mặt khác, các nhà sản xuất và nhập khẩu urê cũng đang thực hiện các chính sách về bình ổn giá theo chỉ đạo của Chính phủ. Riêng giá phân DAP trong nước tăng quá cao làm người tiêu dùng hạn chế sử dụng nên hiện giá DAP cũng giảm trở lại. Còn giá các loại phân NPK và kali vẫn đứng giá.

Bà Nguyễn Thị Thế, Chủ Cửa hàng vật tư nông nghiệp Ngọc Mách ở thị trấn Thới Lai, huyện Cờ Đỏ, cho biết: “Giá phân bón thế giới vẫn ở mức cao nên tôi dự đoán giá phân bón trong nước sẽ ổn định giá trong thời gian tới chứ khó giảm thêm. Vụ xuân hè năm nay, sức mua phân bón tại cửa hàng khá mạnh do sau vụ thu hoạch lúa đông xuân 2007-2008 trúng giá có lời nhiều, hầu hết nông dân đều xuống giống sạ lại liền. Giá phân bón tăng quá cao, nên gần đây tôi hạn chế bán chịu phân bón cho nông dân, vì bây giờ mua phân của các công ty phải trả tiền liền”.

Giá phân urê giảm đang giúp nhiều nhà nông và nhà kinh doanh phân bón giảm bớt gánh nặng và nỗi lo về tăng giá. Nhưng hiện nay, nhà nông quan ngại do xuất hiện nhiều nguồn hàng trôi nổi, kém chất lượng, nhất là phân urê nhập khẩu từ Trung Quốc. Trước đây, phân urê Trung Quốc thường có giá cao hơn urê Phú Mỹ từ 5.000-10.000 đồng/bao, thì nay lại hoàn toàn ngược lại. Tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp ở TP Cần Thơ, phân urê Phú Mỹ đang có giá cao hơn urê Trung Quốc từ 10.000-15.000 đồng/bao. Chủ nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp cho biết: Nhiều người tiêu dùng đang ngại mua urê Trung Quốc vì gần đây phân urê Trung Quốc dễ bị chảy và bao thường bị rách. Mặt khác, nhiều người tiêu dùng băn khoăn trước thông tin về một số loại phân urê nhập ngoại bán trên thị thường đã quá đát sử dụng.

Không chỉ nông dân mà nhiều người kinh doanh phân bón cũng ngại mua các loại phân bón của Trung Quốc. Ông Nguyễn Phú Quốc, Chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp Phú Quốc ở xã Tân Hưng, huyện Thốt Nốt, TP Cần Thơ, cho biết: “Gần đây, có những lô hàng phân urê Trung Quốc sản xuất từ năm 2001, tức đã quá hạn sử dụng hơn 3 năm nhưng do bao in bằng chữ Hoa nên rất ít người biết được. Nếu cửa hàng kinh doanh phân bón vô ý mà nhập phải loại phân bón quá đát này về bán, khi có cơ quan chức năng đến kiểm tra chắc chắn sẽ bị xử phạt”.

NÔNG DÂN VẪN CHƯA VUI

Hiện nay, nhiều nông dân ở TP Cần Thơ đã xuống giống vụ xuân hè được hơn nửa tháng đến cả tháng. Giá một số loại phân bón giảm nhưng nông dân vẫn còn gánh nặng khó khăn do chi phí sản xuất vụ này vẫn cao. Mặt khác, tuy có giảm nhưng giá nhiều loại phân bón hiện nay vẫn còn ở mức rất cao so với các vụ trước.

Ông Bùi Hồng Nhung (ở xã Xuân Thắng, huyện Cờ Đỏ) đã xuống giống vụ xuân hè trên diện tích 5.200m2 được 27 ngày, cho biết: “Giá phân DAP giảm khoảng 150.000 đồng/bao, urê giảm khoảng 70.000 đồng/bao, nhưng 2 loại phân này mới giảm giá trở lại trong vòng 7-8 ngày nay. Thời điểm giá phân chưa giảm, tôi phải mua 4 bao phân (gồm: DAP và urê) ngay từ khi mới xuống giống được 5-7 ngày để kịp bón cho lúa. Bây giờ, tôi chỉ còn cần mua thêm 1 bao NPK, nhưng loại phân này giá lại không giảm như DAP và urê. Giá một số loại phân đã giảm lại nhưng tôi vẫn không thấy mừng!”. Theo ông Nhung, mới đầu vụ đã phải mua phân với giá cao ngất ngưởng so với nhiều năm qua, chỉ tính riêng chi phí bón phân ông phải bỏ ra khoảng 1 triệu đồng/công (1.300m2) vụ xuân hè. Còn nếu tính luôn các chi phí cả vụ: thuốc trừ sâu, giống, công cắt... có thể ông phải bỏ ra chi phí gần 2 triệu đồng/công. Nếu trúng mùa vụ này (khoảng 30 giạ/công) và giá lúa phải ở mức 4.500 đồng/kg như hiện tại thì mới có lời 700.000-800.000 đồng/công. Còn nếu thất mùa hoặc giá lúa giảm lại có khả năng chỉ huề hoặc lỗ vốn.

Còn ông Phạm Văn Bé (ở xã Thuận Hưng, huyện Thốt Nốt), đã gieo sạ được 1 tháng 3 ngày trên diện tích 6.500m2. Do xuống giống sớm nên ông Bé cũng phải mua phân với giá cao. Ông Bé nói: “Vừa qua, tôi mua 2 bao phân urê và 2 bao DAP với giá cao, số phân này tôi đã bón hết cho lúa. Hơn nữa, ngoài 6.500m2 canh tác lúa, tôi cũng mới vừa gieo trồng 8 công (1.300m2/công) màu gồm: dưa leo và bí rợ. Năm nay, giá phân cao nên trồng màu chưa chắc có lời. Nhưng do đã có nhiều năm trồng màu vụ xuân hè nên tôi quyết định trồng thêm vụ này với mong muốn trúng mùa, trúng giá để gỡ gạc lại giá phân, may ra mới có lời. Ở khu vực này, trong số 10 người trồng màu vụ xuân hè trước đây thì hiện nay chỉ còn 5, do lo ngại giá phân cao trồng màu không có lời nên nhiều người đã chuyển qua làm lúa...”.

KHÁNH TRUNG- ANH KHOA

Chia sẻ bài viết